Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 1/4/2019 20:2'(GMT+7)

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 1/4 theo giờ Paris, tại Trụ sở Thượng viện Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã cùng ăn sáng làm việc với nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt và đại diện 15 doanh nghiệp lớn của Pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chuyến thăm lần này nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp nói chung và quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Pháp nói riêng, góp phần tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại là một trọng tâm.

Việt Nam đánh giá cao chính sách của Pháp trong tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, mong muốn các doanh nghiệp Pháp mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp như Air Liquide, Total đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ quan tâm đối với lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng hàng không, logistics, dược phẩm, y tế, xây dựng chợ đầu mối và cung ứng thực phẩm sạch.

Đối với lĩnh vực năng lượng, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định sự ủng hộ đối với các dự án có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp Pháp và sẽ nỗ lực tạo điều kiện để các dự án được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ.

Trước mong muốn của các doanh nghiệp về việc tạo môi trường thông thoáng hơn trong đầu tư, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dù hiện tại, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã khá thông thoáng và công bằng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu Luật Đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia sâu hơn trong các dự án tại Việt Nam. Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ sửa Luật Sở hữu trí tuệ ngay trong tháng Năm tới để đáp ứng những điều kiện hội nhập của nền kinh tế.

Trước các ý kiến của doanh nghiệp Pháp về việc tham gia sâu hơn vào lĩnh vực giao thông vận tải, logistics tại Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã chia sẻ về những cơ hội, tiềm năng đầu tư hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực hàng không, metro là rất rộng mở và các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Pháp hoàn toàn có đủ điều kiện để tham gia. Các bộ, ngành cũng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tiếp cận các quy hoạch tổng thể, ví dụ như trong lĩnh vực logistics để có thể xác định rõ hơn hướng đầu tư.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng cho biết về tiến độ của một số dự án đang được phối hợp triển khai giữa thành phố với đối tác của Pháp như bệnh viện bà mẹ và trẻ em sẽ được khởi công vào tháng 5/2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2020, mô hình trung tâm cấp cứu 115 kết hợp với phòng cháy chữa cháy và việc xây dựng chợ đầu mối về nông sản tại Gia Lâm.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiến trình hội nhập mà Việt Nam cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, qua đó đảm bảo tính minh bạch, công khai, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về phía Chính phủ sẽ quản lý điều hành tạo môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, thuận lợi thông thoáng, với việc cải cách hành chính sâu rộng từ giai đoạn thành lập doanh nghiệp cho đến hải quan, thuế vụ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế mang tính kết nối cao, hướng tới một nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh. Trong khi Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử, Quốc hội cũng sẽ xây dựng Quốc hội điện tử. Chính phủ và Quốc hội sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, giải quyết các khó khăn vướng mắc bởi sự thành công của doanh nghiệp Pháp là thành công của Việt Nam.

Mong doanh nghiep Phap mo rong hoat dong dau tu tai Viet Nam hinh anh 2Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu xem triển lãm về Bác Hồ. (Ảnh: TTXVN)

Chiều tối 31/3 (theo giờ địa phương), trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp L’Opinion về triển vọng kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển nhanh, bền vững và bao trùm dựa trên các động lực chủ yếu là phát huy mạnh mẽ nội lực với sức mạnh của thị trường khoảng 95 triệu dân có thu nhập ngày càng cao. Sức sáng tạo và khao khát vươn lên của người dân, nhất là những thanh niên dưới 35 tuổi chiếm 60% dân số, là nguồn lực lớn cho quá trình phát triển của Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế. Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ sự năng động, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tranh thủ cơ hội của cách mạng cộng nghiệp 4.0; thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.

Việt Nam đổi mới thể chế pháp luật hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế như cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiêu chuẩn cao, cạnh tranh minh bạch và lành mạnh.

Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới và khu vực, tiến lên các mức cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với 12 FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các FTA với nhiều thị trường quan trọng như: ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và tới đây là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp về triển vọng thương mại của Việt Nam đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiệp định này có ý nghĩa quan trọng cả về chiến lược và kinh tế-thương mại, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho Việt Nam và Liên minh châu Âu. Do đó, hai bên cần phối hợp hoàn thành sớm các thủ tục liên quan nhằm thúc đẩy việc ký, phê chuẩn Hiệp định, đảm bảo hiệp định có hiệu lực trong thời gian sớm nhất.

Về quan hệ Việt Nam-Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định quan hệ hai nước đang có một đà phát triển mạnh mẽ, với các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, nâng cấp và triển khai hiệu quả hàng loạt cơ chế trao đổi, điều hành, định hướng quan hệ. Đặc biệt cơ chế hợp tác địa phương đã đóng góp không nhỏ cho việc thúc đẩy quan hệ song phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Pháp tiếp tục là đối tác thương mại lớn, nhà đầu tư quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam và Pháp cũng là những thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, chia sẻ nhiều quan điểm chung, tạo cơ sở cho hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và cơ chế hợp tác đa phương, theo đuổi các nỗ lực chung vì hòa bình và ổn định trên thế giới, cũng như ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã trả lời về cộng đồng người Việt tại Pháp. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là cộng đồng người Việt lớn nhất khu vực châu Âu, thành đạt trên nhiều lĩnh vực và có một bộ phận tham gia vào bộ máy chính quyền của Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội hy vọng cộng đồng người Việt Nam tại Pháp tiếp tục là những công dân rất tốt, có những đóng góp cho nước Pháp và luôn hướng về cội nguồn dân tộc, cùng góp phần xây dựng quê hương Việt Nam./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất