Các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xoay quanh vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long, việc thu phí tại các trạm BOT...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.
Các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xoay quanh vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long, việc thu phí tại các trạm BOT và xã hội hóa các cảng hàng không.
Cân nhắc kỹ việc thu phí lại tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương
Cho rằng cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đứt gãy, yếu kém, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm rõ các giải pháp để cải thiện đột phá hạ tầng giao thông, đầu tư tuyến cao tốc để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết qua các tính toán về kế hoạch, mục tiêu thì việc đến năm 2025 Đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 300km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi và hiện đã bố trí đủ vốn thực hiện.
Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đang hướng tới tập trung xây dựng 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang nhằm tạo mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
"Bốn trục dọc có vai trò quan trọng, được Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện trong thời gian tới. Đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho biết tuyến cao tốc Trung Lương-Thành phố Hồ Chí Minh ngưng thu phí từ ngày 1/1/2019, trong khi còn khoảng 6.000 tỷ đồng chưa hoàn vốn.
Việc ngưng thu phí làm mất kiểm soát về lưu lượng và tải trọng, gây hệ lụy làm mặt đường xuống cấp, giao thông hỗn loạn, tăng nguy cơ tai nạn giao thông...
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
|
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết giải pháp quản lý đoạn đường này trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Quốc Hận nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ đã ban hành luật phí và lệ phí, luật giá.
Sau khi kết thúc hợp đồng, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương không tiến hành thu phí từ ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, sau khi không tổ chức thu phí, tuyến đường đã xảy ra nhiều điều bất cập khiến giao thông hỗn loạn.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an và lực lượng công an các tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhưng việc đảm bảo tiêu chuẩn của tuyến đường này như đường cao tốc đang gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo.
Chính phủ đã họp, xem xét đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu phí đường cao tốc. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hy vọng khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội được ban hành, việc thu phí tại tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương sẽ được tiến hành lại.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đang trình dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có đề xuất thu phí trên tuyến đường cao tốc. Đây là những tuyến đường có đầu tư lớn, cần phải quản lý về giao thông và có chi phí duy tu, sửa chữa lớn.
"Nếu Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được ban hành, chắc chắn việc quản lý thu phí đường cao tốc sẽ tốt hơn," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề thu phí lại, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đề nghị "cần cân nhắc thận trọng," bởi hiện nay chi phí vận tải các sản phẩm hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đang tăng cao. Trong khi đó, đến nay, tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương là tài sản công, của toàn dân.
Đại biểu Hồ Thanh Bình cho biết: "Tài sản chuyển giao từ các dự án hợp tác công tư về Nhà nước thuộc toàn dân. Do đó, nếu thu phí lại cần quan tâm đến khung pháp lý phù hợp để đảm bảo có kinh phí phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời để người dân yên tâm, ủng hộ các chính sách của Chính phủ."
Liên quan đến kiến nghị đầu tư đường cao tốc Kon Tum-Gia Lai-Bình Định của đại biểu Rơ Chăm Long (Kon Tum), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị của ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định về việc xây dựng đường cao tốc kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong điều kiện ngân sách và thực trạng giao thông vận tải ở nhiều khu vực còn nhiều khó khăn, việc xây dựng đường cao tốc rất cần thiết nhưng giai đoạn hiện nay cần tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ để có thể phục vụ người dân đi lại tốt hơn.
Trong khi đó, người dân tham gia giao thông trên đường cao tốc sẽ phải nộp phí nhưng trên các quốc lộ không phải trả phí.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai ba dự án kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển: Quốc lộ 19 kết nối vùng Tây Nguyên với tỉnh Bình Định; Quốc lộ 24 kết nối Kon Tum với Phú Yên; Quốc lộ 25 kết nối Tây Nguyên và vùng ven biển. Các quốc lộ này đã có vốn, chuẩn bị được đầu tư, hiện đang phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng.
"Khi nâng cấp quốc lộ này, việc đi lại của bà con vùng Tây Nguyên xuống vùng ven biển sẽ tốt hơn. Còn khi đủ điều kiện, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để chúng ta xây dựng đường cao tốc nối Tây Nguyên với vùng ven biển," Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Khuyến khích xã hội hóa cảng hàng không mới
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lăk) nêu thực tế: Trạm thu phí BOT hầm Đèo Cả trên Quốc lộ 1A cách hầm Đèo Cả khoảng 60km, cách đường đấu nối Quốc lộ 26 hướng đi Khánh Hòa khoảng 5km. Tuy nhiên, trên Quốc lộ 26 cách Quốc lộ 1A khoảng 5km cũng có một trạm thu phí.
Các phương tiện lưu thông từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa và ngược lại phải chịu nộp phí hai trạm trong khoảng cách khoảng 10km, gây bức xúc trong nhân dân và người đi lại.
Đại biểu Y Khút Niê đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến về tính hợp lý của tình trạng này; đồng thời đưa ra hướng giải quyết trong thời gian tới nhằm đảm bảo việc thu phí được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trả lời đại biểu Y Khút Niê, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Tập đoàn Đèo Cả là một tập đoàn lớn, đã hoàn thành thi công một số hầm lớn ở Quốc lộ 1 như hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và hiện nay đang thực hiện mở rộng hầm Hải Vân.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả cũng tham gia các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và nhiều tuyến quốc lộ. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc đặt trạm thu phí BOT Đèo Cả hoàn toàn phù hợp. "Tập đoàn Đèo Cả chỉ đặt trạm BOT trên phần mà mình đã thực hiện theo đúng quy định là xây dựng ở đâu thì đặt trạm ở đó. Chúng tôi thấy trạm thu phí BOT Đèo Cả trên Quốc lộ 1 là phù hợp với quy định của pháp luật," Bộ trưởng khẳng định.
Đối với trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 26, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thông tin: Theo thông tư của Bộ Tài chính, khoảng cách giữa các trạm BOT là 60 km, trong những trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của địa phương.
Việc đặt các trạm BOT trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 26 và trên tất cả các quốc lộ hiện nay mà Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý ít nhất đều có ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh tại nơi đặt trạm BOT.
"Có những địa phương chúng tôi lấy luôn ý kiến của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, có những tỉnh theo quy định chỉ cần lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh," Bộ trưởng cho biết thêm.
Như vậy, theo ông Nguyễn Văn Thể, việc đặt trạm BOT trên Quốc lộ 26 cũng phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng ghi nhận hiện có tình trạng dư luận một số nơi bức xúc về việc thu phí tại các trạm BOT.
Theo ông Thể, quá trình triển khai việc đặt trạm thu phí có thực hiện nghiên cứu theo tuyến, song vẫn còn một số bất cập trong giai đoạn triển khai nhiều dự án BOT, cụ thể là hạn chế trong nghiên cứu khoảng cách giữa các trạm BOT và vấn đề liên kết giữa các quốc lộ với nhau.
"Chúng tôi nhìn nhận sự bất cập này, tuy nhiên trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thực hiện rất nhiều các giải pháp, đặc biệt là giải pháp giảm chi phí cho các phương tiện ở xung quanh các trạm BOT, đặc biệt làm sao để đảm bảo chi phí xã hội thấp nhất," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết về các vấn đề tại riêng một số trạm BOT, hiện hàng tháng Bộ vẫn có báo cáo với Chính phủ, Chính phủ báo cáo qua Quốc hội và trong các kỳ họp Quốc hội Bộ đều có báo cáo chuyên đề.
Về những vấn đề bất cập liên quan đến tài chính, nếu trường hợp phương án tài chính không đảm bảo hoặc có không giải pháp thay thế, Bộ trưởng mong muốn Quốc hội thảo luận, Chính phủ xem xét để có chỉ đạo và giải pháp căn cơ để giải quyết.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) về vấn đề xã hội hóa các cảng hàng không, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh hiện Bộ đang thực hiện rất tốt: "Tất cả các dịch vụ mặt đất từ bãi đỗ tàu bay đến sửa chữa tàu bay, cung cấp xăng dầu, cung cấp suất ăn... đều do các doanh nghiệp tham gia theo quy định của pháp luật. Những hạng mục này tất cả các doanh nghiệp phù hợp đều có thể tham gia thực hiện trong khu vực sân bay."
Thời gian qua, một số nhà đầu tư có đề xuất xã hội hóa nhà ga hàng không. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án xã hội hóa này đã được thực hiện ở Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Tuy nhiên, qua việc triển khai hai dự án này và qua kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận được một số khiếm khuyết liên quan đến vấn đề pháp luật, do đó hiện nay Bộ đang tiến hành kiểm điểm và thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
"Hiện nay trên một sân bay có ba loại đất: đất chuyên dụng cho Bộ Quốc phòng, đất chuyên dụng cho hàng không dân dụng và đất dùng chung giữa Quân đội và giao thông. Hiện Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và xin kinh phí của Bộ Tài chính để tập trung thực hiện việc kiểm đếm, đo đạc, lập sổ đỏ cho các sân bay. Khi đã đủ điều kiện về sổ đỏ chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét đề xuất của các nhà đầu tư liên quan đến việc xây dựng các nhà ga mang tính chất xã hội hóa," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Đối với các sân bay mới như Vân Đồn, Lào Cai, hiện Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi xã hội hóa toàn bộ. "Các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng toàn bộ các sân bay kể cả đường băng và nhà ga để kinh doanh, việc này là không hạn chế và hiện nay Chính phủ đang khuyến khích," ông Nguyễn Văn Thể khẳng định./.
Theo TTXVN/Vietnam+