Đa số các đại biểu thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật việc
làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng: “Tạo môi trường và điều kiện để
mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật việc làm.
Cần thiết ban hành Luật việc làm
Đa số các đại biểu thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật việc làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng: “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”. Hiện nay, mới có khoảng 33% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Việc ban hành Luật việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Chính sách việc làm tích cực sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Tán thành với các chủ trương xây dựng dự án luật, tuy nhiên đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị cần quán triệt thêm nguyên tắc: Bảo đảm hạn chế tối đa việc tăng thêm tổ chức, bộ máy; thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận tiện cho tất cả các đối tượng điều chỉnh; không hình thành thêm việc huy động nhân dân đóng góp các loại quỹ dưới mọi hình thức...
Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) băn khoăn dự án Luật việc làm có 61 điều nhưng có tới 32 điều liên quan đến nội dung của các luật khác như: Bộ luật lao động, Luật thanh niên, Luật dạy nghề...; nếu ban hành Luật việc làm phải hướng đến việc sửa lại các luật này. Ý kiến của nhiều đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý các quy định của trong dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia phải phù hợp với chuẩn mực kỹ năng nghề quốc tế
Nhiều đại biểu tán thành với việc quy định đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề trong dự án luật việc làm. Theo các đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An), Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) việc đánh giá, cấp chứng chỉ nghề là hoạt động hỗ trợ cho người lao động thuộc phạm vi thị trường lao động, khác với việc đánh giá, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề cho người học nghề trong các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Đồng thời, ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự án luật các quy định về nguyên tắc kỹ năng nghề quốc gia phải tiếp cận với chuẩn mực kỹ năng nghề quốc tế, phù hợp với giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng việc đánh giá, sát hạch để được cấp chứng chỉ nghề chỉ nên áp dụng đối với các đối tượng chưa được đào tạo nghề. Các đối tượng đã được đào tạo nghề tại các trường Trung cấp, cao đẳng, đại học vẫn phải đều phải qua sát hạch để được cấp chứng chỉ nghề là chưa hợp lý. Bên cạnh đó sẽ nảy sinh vấn đề là phải tổ chức một hệ thống các cơ quan thực hiện nhiệm vụ sát hạch, không giảm bớt được thủ tục hành chính mà còn gây tốn kém đối với người lao động, người sử dụng lao động.
Tán thành với đại biểu Vũ Xuân Trường, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng cho rằng không nên áp dụng việc đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề đối với các đối tượng đã qua đào tạo tại các cơ sở dạy nghề vì những đối tượng này đã là đối tượng điều chỉnh của các luật liên quan đến giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống nhà trường tổ chức đào tạo có đủ cơ sở về lý thuyết và thực hành để xác định trình độ tay nghề, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực mình phụ trách... Đại biểu Chu Sơn Hà nêu quan điểm: không nên hình thành chế định đánh giá xác định kỹ năng chứng chỉ nghề quốc gia “một giấy phép con” gây phiền hà, khó khả thi, không bao gồm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; chỉ nên thiết kế theo hướng mở: đối với các vị trí việc làm quy định phải có chứng chỉ nghề thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Băn khoăn về mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Đa số các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc chuyển quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật bảo hiểm xã hội được về dự án Luật việc làm. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc mở rộng đối tượng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động như dự thảo luật quy định.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động là cần thiết. Vì đây là lực lượng lớn, dễ bị tổn thương, cần bảo đảm quyền lợi về việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc mở rộng và quản lý các đối tượng này tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khá phức tạp, quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, khả năng quản lý đối tượng hạn chế... Đại biểu đề nghị dự án Luật chỉ nên mở rộng phạm vi áp dụng đối với nhóm lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; đối với nhóm lao động còn lại do chưa có kinh nghiệm, dự thảo Luật nên quy định nguyên tắc, giao cho Chính phủ trong từng giai đoạn quy định điều kiện để tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng quản lý và trình độ phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) lại cho rằng dự án luật chỉ nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối với người lao động không có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc không nên quy định trong luật mà do các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào quy định trong luật việc làm. Đại biểu phân tích: Với gần 67% lao động không có quan hệ lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đủ nhân lực và công cụ để kiểm soát được về thu nhập và việc làm, mới chỉ kiểm soát được về mặt cư trú. Vì vậy việc mở rộng đối tượng lao động đối với đối tượng này là điều khó khả thi. Tán thành với ý kiến trên, các đại biểu Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định), Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có quy định cho phù hợp.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về tổ chức dịch vụ việc làm; về chính sách hỗ trợ tạo việc làm; về thông tin thị trường lao động.../.
Phúc Hằng (TTXVN)