Thứ Bảy, 14/12/2024
Dân số và phát triển
Thứ Bảy, 30/9/2017 20:27'(GMT+7)

Tạo môi trường lành mạnh, giúp người lầm lỗi tái hòa nhập

Từ 3 giờ sáng, ông Nguyễn Ngọc Tú (60 tuổi) từ Đồng Nai chở vợ và đứa cháu 7 tuổi đến Trại giam Châu Bình dự hội nghị và thăm con đang chấp hành án phạt tù tại trại. Đây là lần thứ 2, ông Tú được đến dự hội nghị vì con ông đã cải tạo tốt. “Đợt lễ 2/9 vừa rồi con tôi được giảm án 12 tháng. Tôi chỉ mong con chấp hành xong án phạt tù về lại địa phương để làm lại cuộc đời”, ông Tú tâm sự. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, mẹ phạm nhân Phạm Hồng Hiệp (tội danh tàng trữ trái phép ma túy) chia sẻ: Mải lo làm ăn, khi con sa ngã, tôi không biết làm thế nào để kéo con lại. Giờ con tôi cải tạo ở Trại giam Châu Bình, tôi mong rằng sau khi cải tạo tốt, con tôi sẽ không tái phạm tội nữa. Nhưng làm thế nào để con sau khi cải tạo tốt được trở về gia đình thì được cộng đồng chấp nhận, không bị mặc cảm, không đi vào con đường tội lỗi nữa? 

Câu hỏi của người mẹ có con phạm tội cũng là câu hỏi chung của hầu hết người thân của phạm nhân có mặt tại hội nghị và là sự trăn trở của các cán bộ trại giam. Đại tá Phạm Chí Trường - Giám thị Trại giam Châu Bình cho biết, để phạm nhân sau khi trở về đời thường không phải quay trở lại trại, tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Để phạm nhân khi về với gia đình có công việc làm, trại giam tổ chức dạy một số nghề cho họ. Khi phạm nhân ra khỏi cổng trại trở về với người thân họ là người tốt nhưng về lâu dài còn phụ thuộc tình yêu thương của gia đình, người thân, vợ con vì họ bị nhiều người kỳ thị, dễ mặc cảm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nghị lực của chính bản thân phạm nhân phải nỗ lực, có bản lĩnh vươn lên làm lại cuộc đời. 

Tại Hội nghị gia đình phạm nhân trại giam Châu Bình lần thứ III, có 150 phạm nhân cải tạo tốt được tham dự cùng gia đình, người thân. Cán bộ Trại giam Châu Bình đã thông tin đến người thân và phạm nhân trại những chính sách giáo dục của trại, sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ trại giam đối với phạm nhân cũng như quá trình cải tạo của các phạm nhân. Đồng thời, Ban giám thị Trại giam cũng tiếp nhận những ý kiến phản hồi, chia sẻ từ thân nhân, gia đình và phạm nhân. 

Đại tá Phạm Văn Thân - Phó Cục trưởng Cục giáo dục tái hòa nhập cộng đồng, Tổng cục VIII (Bộ Công an) cho rằng chính bản thân phạm nhân mới là người quyết định mình là người được ra khỏi trại giam hay không chứ không phải là giám thị hay người thân giúp. Không có con đường nào khác để phạm nhân khỏi quay lại trại giam ngoài chính bản thân họ phải chấp hành tốt nội quy của trại giam để được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn... và không tái phạm sai lầm dẫn đến phạm tội. 

Dịp này, để động viên khuyến khích kịp thời, Trại giam Châu Bình khen thưởng 10 phạm nhân học tập cải tạo tốt trong thời gian chấp hành án. Cùng với Hội nghị gia đình phạm nhân, Trại giam Châu Bình cũng tổ chức Hội thi tay nghề phạm nhân lần thứ I với sự tham gia của 80 thí sinh, đại diện cho gần 2.000 phạm nhân từ các ngành nghề: may, đan lục bình, đang ghế, đan bội kẽm… Đây là năm đầu tiên Hội thi tay nghề được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, không khí thi đua sôi nổi, hăng say lao động, học nghề của phạm nhân; tạo điều kiện để phạm nhân thể hiện hết khả năng, trình độ, kỹ năng trong lao động; trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình lao động./. 


Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất