Chủ Nhật, 24/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 28/12/2013 21:41'(GMT+7)

Tạo nền vững chắc cho chiến lược công nghệ thông tin Việt Nam

Lễ khánh thành hệ thống giao ban trực tuyến ngành thông tin-truyền thông Hà Giang diễn ra ngày 2/12 vừa qua. (Ảnh: Mai Phương/Vietnam+)

Lễ khánh thành hệ thống giao ban trực tuyến ngành thông tin-truyền thông Hà Giang diễn ra ngày 2/12 vừa qua. (Ảnh: Mai Phương/Vietnam+)

Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược công nghệ thông tin và truyền thông với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin với một số đích đến quan trọng là: 1 triệu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng băng thông rộng trên phạm vi quốc gia và công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng trong mọi mặt cuộc sống…

Nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược trên, tháng 6/2006, Dự án “Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông  tại Việt Nam” được triển khai với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng; trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị điều phối toàn dự án.

Dự án này nhằm hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phát triển các thể chế, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; hỗ trợ các đơn vị thụ hưởng nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và các doanh nghiệp; trợ giúp sự phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường nhận thức và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông có hiệu quả cho người dân. Dự án được triển khai theo bốn dự án thành phần quan trọng.

Dự án thành phần 1 nhằm hỗ trợ chỉ đạo công nghệ thông tin và truyền thông và hiện đại hóa Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự án thành phần này nhắm đến các mục tiêu chính như xây dựng khung Chính phủ điện tử và tiêu chuẩn công nghệ thông tin chung cho các bộ, ban, ngành Nhà nước; nâng cao kiến thức và khả năng quản lý công nghệ thông tin và truyền thông  thông qua các chương trình đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ lãnh đạo và chuyên viên về công nghệ thông tin (CIO/IO) và đội ngũ xây dựng chính sách.

Mục tiêu tiếp theo là tăng cường năng lực hạ tầng thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông và một số Sở Thông tin và Truyền thông; nâng cấp chất lượng ba dịch vụ công chủ chốt của Bộ Thông tin và Truyền thông về cấp phép trực tuyến; xây dựng Trung tâm dữ liệu, mở rộng hệ thống quản lý và cấp thị thực trực tuyến cho Bộ Ngoại giao.

Dự án thành phần 2 và 3 với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử cho Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng.

Hai Dự án thành phần này tập trung hướng tới các mục tiêu chính như thiết lập kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển Chính phủ điện tử, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp truy cập thông tin và các dịch vụ công trực tuyến tốt hơn thông qua Cổng thông tin điện tử; góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản lý công nghệ thông tin và truyền thông  cho các cán bộ thành phố; nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho người dân và các doanh nghiệp.

Đối với Thành phố Đà Nẵng, Dự án thành phần còn gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính nhằm “tăng cường năng lực và chất lượng dịch vụ công, giảm chi phí và thời gian giao dịch; cải thiện tính minh bạch, phát huy dân chủ và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách,” ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng cho biết.

Dự án thành phần 4 hướng đến các mục tiêu chính như thiết lập kiến trúc tổng thể về công nghệ thông tin và truyền thông; cải thiện khả năng thu thập, chuyển tải, xử lý, phân tích dữ liệu thông qua hệ thống mạng kết nối; tiến hành phân tích và tái cấu trúc quy trình hoạt động cho tối ưu.

Trên cơ sở đó, Dự án đã góp phần giảm thời gian thu thập và xử lý số liệu điều tra; nâng cao hiệu quả quản lý số liệu và tạo báo cáo thông qua tích hợp cơ sở dữ liệu; cải thiện tính minh bạch và thời gian tiếp cận ngắn thông qua cổng điện tử GSO; nâng cao năng lực cán bộ; tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận các số liệu thông kê thuận lợi thông qua hệ thống thống kê tập trung.

Đánh giá về chặng đường phát triển Dự án, ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Ban quản lý Dự án Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông  tại Việt Nam chia sẻ: “Dự án bước đầu đã tạo ra nền móng vững chắc, môi trường sẵn sàng cho việc phát triển công nghệ thông tin và truyền thông và triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chương trình cải cách hành chính."

Dự án cũng giúp đào tạo, nâng cao nhận thức cho các cán bộ quản lý Nhà nước cũng như một bộ phận doanh nghiệp, đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông  ở các bộ, ngành và một số địa phương tiêu biểu; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông,” ông Phạm Quang Tú chia sẽ thêm./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất