Trợ giúp pháp lý (TGPL) đối với người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng chính sách khác trong xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
TGPL là một trong những khâu làm trọn vẹn hơn vai trò và trách nhiệm của Chính phủ, từ hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật đến các biện pháp hỗ trợ pháp lý để đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân có hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng pháp luật của các tầng lớp dân cư...
5 năm Luật TGPL đi vào cuộc sống (2009-2011), các Trung tâm đã đặt được tổng số 12.122 Bảng thông tin TGPL; 2.228 Hộp tin TGPL với nhiều loại tờ gấp, tài liệu pháp luật tại trụ sở tiếp dân của các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ và trụ sở UBND các cấp. Đến nay, toàn quốc đã có 63 Trung tâm, 161 Chi nhánh, 120 phòng chuyên môn; 6.462 Câu lạc bộ TGPL đã tổ chức 108.892 đợt sinh hoạt. Đến hết tháng 6/2011, cả nước đã thực hiện được 489.082 vụ việc cho 497.617 đối tượng. Đối tượng được TGPL chủ yếu là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật và người già cô đơn không nơi nương tựa.
Cùng với những kết quả mang lại, việc thực hiện Luật TGPL cùng còn một số tồn tại, hạn chế đó là một số văn bản luật có liên quan chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung, đặc biệt các văn bản pháp luật về tố tụng (tố tụng hành chính, tố tụng dân sự...) dẫn đến nhận thức về TGPL trong hoạt động tố tụng và giải quyết vụ việc TGPL chưa thống nhất; chưa có chính sách đặc thù để khuyến khích, động viên đối với những người làm công tác TGPL, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, những người biết tiếng dân tộc ở vùng miền khó khăn nên đội ngũ cán bộ TGPL chưa yên tâm làm việc, chưa có sức hút đối với luật sư giỏi. Tại một số địa phương, việc củng cố, kiện toàn tổ chức thực hiện TGPL còn chậm; việc xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL của Trung tâm và Chi nhánh còn chưa kịp thời so với Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL và Chi nhánh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp (đặc biệt là tổ chức luật sư toàn quốc và các Đoàn Luật sư) trong công tác TGPL còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, khả năng vận động, tập hợp luật sư tham gia TGPL hoặc đóng góp, hỗ trợ cho Quỹ TGPL Việt Nam cũng như các hoạt động nghiệp vụ TGPL...
Xác định vai trò và ý nghĩa của TGPL, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược Phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở xác định TGPL phải gắn với cơ sở, hướng về cơ sở, được tổ chức thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; an sinh xã hội, chính sách dân vận và dân tộc để gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, trách nhiệm và lộ trình thực hiện Chiến lược, Bộ Tư pháp có kế hoạch trong năm 2012 nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách TGPL và tăng cường hoạt động truyền thông về TGPL; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển mạng lưới và tăng cường TGPL ở cơ sở; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về TGPL. Theo đó thành lập và tổ chức sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ TGPL ở 70-80% các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường TGPL lưu động bảo đảm 60% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được TGPL lưu động ít nhất 1 đợt/năm. Trong công tác truyền thông về TGPL sẽ xây dựng và lắp đặt Bảng thông tin và hộp tin về TGPL tại trụ sở tiếp dân của 30% UBND, cơ quan thanh tra, cơ quan hành chính quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và UBND xã, phường, thị trấn; 70% trụ sở tiếp dân của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin về TGPL trên 30% đài phát thanh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; báo địa phương; in ấn, phát hành các tờ gấp, cẩm nang pháp luật... truyền thông về TGPL và quyền được TGPL của người dân
Cùng với triển khai các hoạt động này, Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng hình sự... theo hướng quy định chức danh Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng, tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc cho người được TGPL để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bố trí đủ kinh phí hàng năm để thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020; có chính sách thu hút, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp tham gia TGPL.../.
Theo TTXVN