Luật Đầu tư 2005 từng được xem là “một bước tiến quan trọng trong tiến
trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam.”
Nhờ văn bản này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được mở rộng
quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với việc xóa bỏ một loạt
rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết
hội nhập của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Đầu tư đã bộc lộ nhiều bất
cập như lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư còn dàn trải, thiếu tính
thống nhất. Các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư thiếu
tính minh bạch, khả thi và đồng bộ, chưa thật sự tạo lập được một mặt
bằng pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các quy
định về cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn
phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết, không phù hợp với
chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh
nghiệp.
Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ giảm bớt các thủ tục hành
chính không cần thiết, tạo sự thông thoáng và thuận lợi nhất cho các nhà
đầu tư. Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng còn hướng đến việc tăng thu hút đầu
tư; tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực
hiện dự án đầu tư; giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của
các doanh nghiệp...
Trong lần đầu tiên lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật
Đầu tư (sửa đổi) đã nhận được sự đồng tình với những mục tiêu và quan
điểm xây dựng Luật. Các ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật đầu tư (sửa
đổi) sẽ góp phần tác động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi
mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và khả
năng cạnh tranh.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu
tiên phát triển để thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực; xây dựng phân cấp
đầu tư cụ thể, hợp lý giữa Trung ương và địa phương đi kèm với việc quy
định rõ trách nhiệm của từng cấp gắn với chế tài xử lý rõ ràng, đồng bộ
để hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên
cứu các cam kết quốc tế đang được đàm phán hiện nay để khi Hiệp định
được ký kết có hiệu lực thì Luật vẫn phù hợp.
Tiến hành thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quy
định về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư như dự thảo Luật còn quá chung
chung không rõ các ngành, nghề bị cấm đầu tư. Dự thảo Luật cần quy định
chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư, tạo sự minh bạch cho các nhà đầu tư và
thực thi luật trong thực tế.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét:
“Cũng như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đọc xong dự thảo Luật này,
nhà đầu tư cũng không biết cái gì mình không được phép làm, những lĩnh
vực có điều kiện thì ai quy định những điều kiện ấy. Nếu Luật Đầu tư vẫn
“bắt” nhà đầu tư phải đi tìm đủ các luật, pháp lệnh, nghị định, thông
tư... mới biết họ không được làm gì, có đáp ứng đủ các điều kiện đối với
các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không thì đã là minh bạch
chưa, thực sự tạo điều kiện cho nhà đầu tư chưa.”
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
cho biết có khoảng vài chục ngành nghề cấm đầu tư và khoảng 330 ngành
nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện cơ quan soạn thảo đang tiếp tục rà
soát, đối chiếu phù hợp với tinh thần Hiến pháp.
Về phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư, cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay các dự án hoạt động thương
mại, dịch vụ thông thường không ràng buộc với thủ tục và điều kiện cấp
Giấy chứng đăng ký nhận đầu tư. Việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng
ký đầu tư là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc
phân cấp đầu tư theo hướng xác định rõ những ngành, lĩnh vực được phân
cấp, những ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù như dầu khí, viễn thông,
năng lượng nguyên tử, truyền tải điện... sẽ chỉ thuộc quyền quản lý
thống nhất ở cấp trung ương. Với việc phân cấp đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề
nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về thanh tra, kiểm
tra, giám sát và chế tài xử lý sai phạm cho phù hợp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
nhấn mạnh mục đích của Luật là giải phóng tiềm năng của đất nước, thu
hút nguồn lực từ bên ngoài, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng
thời giải quyết việc làm cho lao động và tăng nguồn thu cho đất nước.
Tuy nhiên, những quy định trong dự thảo Luật vẫn còn khá sơ sài, thiếu
chặt chẽ và chưa có chiều sâu. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ
sung hoàn thiện đầy đủ nhằm khắc phục được tối đa những vấn đề nảy sinh
trong thực tế, đảm bảo được sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và
nhà đầu tư nước ngoài./.
Theo TTXVN