(TG)-Việc tập huấn tuyên truyền biển đảo
đã mang đến những thông tin cần thiết giúp cán bộ lãnh đạo quản lý các
cấp của Đồng Tháp tăng cường chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền về
biển đảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là cơ sở để đội
ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong tỉnh có cơ sở để xây
dựng các nội dung thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả đến người
dân.
Sáng ngày 10/3/2017, trong khuôn khổ các nội dung của cuộc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" diễn ra tại Đồng Tháp, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lớp Tập huấn công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam cho các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh; báo cáo viên cấp tỉnh; lãnh đạo uỷ ban nhân dân, ban tuyên giáo, phòng văn hoá thông tin, đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và giáo viên dạy môn lịch sử các trường học trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được TS. Trần Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam truyền đạt 2 chuyên đề: Vị thế, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực; Thư tịch và bản đồ cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngoài ra, đại biểu còn được cung cấp một số tài liệu chuyên đề về Mối nguy hại của yêu sách “Đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, Phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển Việt Nam,...
Theo các diễn giả, qua nghiên cứu và sưu tầm đã thu thập được hơn 100 tài liệu thư tịch nước ngoài có viết về quần đảo Hoàng Sa và quá trình khám phá, chiếm hữu xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đó là những tập nhật ký hàng hải của thuỷ thủ đoàn, những hồi ký, du ký, tập ghi chép của các nhà thám hiểm địa lý; thư từ của các giáo sư; sách giáo khoa địa lý; tự điển bách khoa về địa lý thế giới; các công trình nghiên cứu về lịch sử và địa dư vùng châu Á - Thái Bình Dương của các học giả phương Tây, có liên quan đến Việt Nam - Biển Đông - Hoàng Sa và Trường Sa, được in ấn bằng các ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan,.... Riêng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tài liệu này đã ghi chép nhiều nội dung quan trọng chứng minh hai quần đảo không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, như: ghi nhận người Việt đã từng đến đây đánh bắt hải sản, thu nhặt hàng hoá từ các tàu bè bị đắm trong vùng biển này, khai thác yến sào... từ thế kỷ XVII trở đi; ghi nhận mối quan hệ về mặt địa lý giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với lãnh thổ nằm ở bờ phía tây của Biển Đông, nay là miền Trung Việt Nam; ghi nhận Việt Nam đã có quá trình chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Minh hoạ cụ thể hơn, các đại biểu được nghe giới thiệu danh sách những tài liệu tiêu biểu thế kỷ XVII - XVIII thuộc thư tịch cổ nước ngoài và bản đồ cổ phương Tây chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như xem một số bản đồ cổ của Trung Quốc chứng minh hai quần đảo này không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đây chính là nguồn tư liệu quý góp phần vào việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xác thực, không thể tranh cải.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Vụ Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển cũng như đẩy mạnh công tác đấu tranh dư luận nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Việc tổ chức triển lãm, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra tại 53 tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua và lần này tại Đồng Tháp là một trong những lộ trình của kế hoạch. Chính vì thế, việc tập huấn tuyên truyền biển đảo hôm nay đã mang đến những thông tin cần thiết giúp cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của Đồng Tháp tăng cường chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền về biển đảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; bên cạnh đó đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong tỉnh có cơ sở để xây dựng các nội dung thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả đến người dân.
Cùng với việc tổ chức và cập nhật tính thời sự của các nội dung cần tuyên truyền, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Đồng Tháp linh hoạt sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như báo nói, báo in, báo điện tử kết hợp với các hình thức tuyên truyền chuyên sâu như: tọa đàm, cổ động trực quan,… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của truyền thông nâng cao hiệu quả tuyên truyền về biển đảo; đồng thời, nâng cao trách trách nhiệm xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về biển, đảo và đại dương đối với mọi tầng lớp nhân dân trong, ngoài tỉnh.
Theo chương trình, 19 giờ tối cùng ngày, Ban Tổ chức tiến hành khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, hoạt động này sẽ diễn ra đến hết ngày 14/3/2017 tại Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh.
Ngọc Hân
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp