Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi: Hàng tồn kho hơn 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300 tấn thép, gần 100 ngàn tấn kính, hàng chục triệu tấn xi măng và nhiều loại sản phẩm khác. Ngoài lý do vì lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, còn có nhiều nguyên nhân yếu kém trong khâu quy hoạch, cập nhật và dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm ở mức cao. Xin hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ công thương trong vấn đề này như thế nào ? Và giải pháp đột phá tới như thế nào ?
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
Về vấn đề hàng tồn kho tại Kỳ họp thứ 3 Chủ tịch Quốc hội đã kết luận đây là một công việc cấp thiết cần phải được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết. Trong phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 chúng tôi đã có dịp báo cáo với đại biểu Quốc hội. Trước hết, xin khẳng định với Quốc hội, trong thời gian vừa qua kể từ Kỳ họp thứ 3 cho đến nay với sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng các doanh nghiệp và việc các nhóm giải pháp của các bộ, các ngành, các địa phương, với sự chỉ đạo gắt gao của Chính phủ và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, tình hình giải quyết hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến. Tôi xin báo cáo một con số là tính thời điểm từ ngày 01/06/2012, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo là 26% đến ngày 01/10/2012 giảm xuống còn 20% và nếu so chỉ số này với chỉ số hàng tồn kho của thời điểm 01/10/2012 còn thấp hơn thời điểm 2011.
Hiện nay tồn kho lớn như đại biểu Quốc hội đã nêu, trong đó tập trung vào vật liệu xây dựng, sắt thép, một số chủng loại phân bón và chừng mực nào đó là than đá.
Về than đá tồn kho đến 01/10 khoảng 6,5 triệu tấn than quy chuẩn, tức là khoảng 19% theo mức bình thường tồn kho 15% là đảm bảo yêu cầu thì ngành Than đã tập trung thực hiện rất nhiều các giải pháp. Trong đó có cả vấn đề điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.
Vừa qua, ngành Than không phải chỉ có tăng giá than mà cũng đã thực hiện việc giảm giá than cho một số bộ tiêu thụ. Đặc biệt với quyết định của Chính phủ cho giảm thuế suất khẩu từ mức 20% xuống còn 10% thì ngành Than báo cáo khoảng đến cuối năm sẽ đưa mức tồn kho than trở lại mức bình thường là khoảng 15%.
Đối với thép, hiện nay tồn kho khoảng 190.000 tấn. Đây là mức tồn kho tương đối cao. Một lý do là sản xuất trong nước thời gian vừa qua do việc kiểm tra, kiểm soát của chúng ta chưa thật chặt chẽ theo quy hoạch cho nên có việc công suất của các nhà máy thép dư thừa hơn so với nhu cầu.
Thứ hai là do thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn.
Đứng trước tình hình này, Bộ công thương phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp. Trước hết, tiếp tục duy trì việc cấp giấy phép nhập khẩu một cách tự động đối với thép xây dựng để làm sao điều hành một cách linh hoạt và có thể khống chế được lượng thép nhập khẩu. Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh thuế suất, thuế nhập khẩu đối với thép.
Thứ ba là cùng với ngành xây dựng và ngành giao thông vận tải đang có các biện pháp đẩy nhanh các dự án đầu tư thì chúng tôi nghĩ tình hình thép thời gian tới sẽ có thể có chuyển biến hơn.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội hỏi về tồn kho đối với vật liệu xây dựng thì nó liên quan đến bất động sản và có liên quan đến các công trình xây dựng, chúng tôi cũng xin được báo cáo nhanh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính có những biện pháp cụ thể, trong đó có việc tăng cường đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi: Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu đến giờ phút này giá rất rẻ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực xúc tiến vấn đề và tạo thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam thì Bộ công thương phải làm gì ? biết đến bao giờ thì hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu ?
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
Vấn đề xuất khẩu gạo như đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu, năm 2012 chúng ta vươn lên thành nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Dự kiến cả năm chúng ta xuất khẩu 7,5 – 7,6 triệu tấn gạo. Đây là thành tích lớn của cả nước, trong đó đặc biệt là của bà con nông dân. Tuy nhiên như đại biểu đã nói, chúng ta có lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng giá cả chưa phù hợp, hay nói cách khác là giá cả của chúng ta còn thấp trong tương quan so sánh với giá gạo của một số nước, ví dụ như Thái Lan.
Nguyên nhân lý do có nhiều, trong đó có vấn đề là chủng loại gạo của chúng ta xuất khẩu loại chất lượng cao thì còn hạn chế, chúng ta điều hành việc thu mua xuất khẩu còn hạn chế, có xuất hiện nhiều thị trường mới xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Mianma, Campuchia dẫn đến sức ép giữa cung và cầu có sự khó khăn cho gạo của Việt Nam và cả thương hiệu hàng Việt Nam như có đại biểu đã nêu. Trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm được một số ít việc, chưa phải nhiều nhưng mới bắt đầu, đầu tiên xuất phát từ khâu giống. Trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến cáo bà con nông dân quan tâm hơn đến giống gạo có chất lượng cao mà không nên chạy theo giống gạo có năng suất cao mà chất lượng thấp, ví dụ gạo IR 54040, gạo này năng suất cao nhưng khi bán ra thị trường giá không được cao. Vấn đề về giống chúng ta phải dần dần hình thành những vùng sản xuất có loại giống cao hơn.
Thứ hai, Bộ cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức các hoạt động về xúc tiến thương mại, xúc tiến giới thiệu về sản phẩm gạo, chúng ta có hội chợ lúa gạo đã tổ chức nhiều năm nay tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, qua đó giới thiệu cho thị trường bên ngoài, các nhà tiêu thụ gạo biết về gạo của Việt Nam và từng bước tạo dựng hình ảnh gạo Việt Nam đứng vững ở trên thị trường trong nước và vươn ra ở bên ngoài, thông qua các hội chợ bên ngoài ở các nước tiêu thụ nhiều sản phẩm gạo Việt Nam thì cũng từng bước giới thiệu sản phẩm.
Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương đã cố gắng làm sao để ký được các hợp đồng tiêu thụ gạo dài hạn với các nước có tiềm năng. Gần đây nhất, chúng ta đã ký được với Inđônêxia gia hạn Hiệp định xuất khẩu gạo với mức đến 1,5 triệu tấn/1 năm từ năm 2013 đến năm 2017. Chúng ta đã ký được gia hạn hợp đồng xuất gạo với mức đến 1,5 triệu tấn/1 năm đến năm 2013 với Philipin và chúng ta cũng đã có những thỏa thuận xuất khẩu gạo cho Malaixia với mức độ khoảng nửa triệu tấn một năm. Chúng tôi nghĩ đây là một trong những biện pháp hết sức căn cơ, góp phần tạo điều kiện tiêu thụ lúa gạo, hàng hóa cho bà con nông dân.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi: Vấn đề đặc thù đối với bà con vùng có dự án thủy điện được thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thái Học về vấn đề cơ chế đặc thù cho bà con vùng có dự án thủy điện phải di dời, nhường lại nhà cửa cho các dự án. Chúng tôi cho rằng đối với những vùng này phải có cơ chế hết sức đặc thù, vừa qua Chính phủ cũng đã có những quyết định rất mới. Đó là trong các dự án thủy điện có phần di dân tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng cho các công trình thì có hợp phần riêng cho di dân tái định cư đền bù giải phóng mặt bằng. Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương bởi vì hơn ai hết chính quyền các địa phương nơi có dự án mới có điều kiện nắm chắc tình hình thực tại và có điều kiện để phân bổ, sắp xếp lại quyền sử dụng đất, trong đó có đất tái định cư có bà con vùng dự án. Tôi cho rằng quyết định này của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua hết sức phù hợp với lòng dân. Chính vì thế nhiều tồn tại của các dự án thủy điện vừa qua trong vấn đề liên quan đến giải quyết đời sống cho bà con vùng dự án đã từng bước được khắc phục.
Thứ nhất, tôi cho rằng các địa phương cũng ủng hộ theo cách làm này.
Thứ hai, theo chúng tôi, bên cạnh những cơ chế, chính sách chung đối với đền bù, giải phóng mặt bằng thì cơ chế, chính sách đặc thù cũng cần được thể hiện đối với những dự án thủy điện.
Chẳng hạn, vừa qua Chính phủ đã quyết định kể cả đối với những hộ dân chỉ có khoảng 30% đất bị ảnh hưởng và bị thu hồi phục vụ cho dự án thì cũng có thể xem xét để đưa vào diện đối tượng được di dân đến khu vực mới. Cơ chế này, từng bước được áp dụng tại một số dự án, kể các các dự án đường dây 220KV xây dựng qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, một số dự án thủy điện ở Bản Vẽ, ở An Khê - Ka Nắc, gần đây là thủy điện Sông Tranh 2. Tôi cho rằng đấy là chính sách đặc thù, cơ chế phù hợp với điều kiện tại các dự án.
Thứ ba, vấn đề giải quyết việc làm cho bà con ở khu vực này. Giải quyết việc làm ở đây phải phù hợp với trình độ dân trí, với khả năng tiếp cận công việc của bà con. Không thể yêu cầu cao như ở các vùng khác. Về vấn đề này đòi hỏi phải linh hoạt trong vấn đề xem xét khi thu nhận bà con vào làm việc thông qua các dự án. Gần đây, theo chỉ đạo của Chính phủ đối với những thủy điện có quy mô lớn thì chúng ta đã có những đề án về khuyến công, khuyến nông, tạo dựng các khu công nghiệp để thu hút bà con vào làm việc tại các khu vực này.
Tất nhiên không phải khu vực nào cũng làm được việc này, nhưng cách chúng ta xử lý gắn chặt ổn định cuộc sống với giải quyết việc làm là một hướng cần được duy trì và phát triển trong thời gian tới.
Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các dự án này, nhất là đối với những hợp phần về di dân, tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng cũng là công tác hết sức quan trọng. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát chúng ta kịp thời phát hiện những bất cập, thậm chí những sai sót và khuyết điểm của các chủ đầu tư để chúng ta chấn chỉnh, uốn nắn và kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng của bà con.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) hỏi: Quyền lợi người tiêu dùng đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng, vẫn còn xuất hiện hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; thuốc chữa bệnh khó kiểm soát. Cùng một bệnh viện, cùng một loại thuốc, cùng một hãng sản xuất nhưng từng bệnh viện khác nhau thì có giá trị khác nhau. Giá xăng, dầu diễn biến khó hiểu và theo dư luận có biểu hiện của lợi ích nhóm, chất lượng không đảm bảo có thể gây nguy hiểm cho phương tiện và người sử dụng, đặc biệt nơi đông người và khu chung cư. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và hướng khắc phục sắp tới như thế nào ?
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương xung quanh vấn đề trách nhiệm của Bộ Công thương có liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là vấn đề xăng dầu, trong phần đầu chúng tôi đã báo cáo về thực trạng hiện nay, mặc dù lực lượng quản lý thị trường của ngành Công thương đã nỗ lực cố gắng, nhưng còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân. Riêng về xăng dầu, trong Báo cáo của Chính phủ, của Bộ Tài chính và của Bộ Công thường về điều hành giá xăng dầu đều đã nêu rõ, hiện nay chúng ta vẫn kiên trì chủ trương thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cơ chế này đã được vận hành từ năm 2009 cho đến nay và cũng đã đạt được một số kết quả.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng như đại biểu Quốc hội đã phản ánh, việc điều hành còn có những bất cập, thời gian để tăng, giảm giá, thời điểm quyết định tăng, giảm giá và một số quy định trong Nghị định 84 đã tỏ ra không còn phù hợp. Vì thế Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương xem xét tổng kết việc thực hiện Nghị định 84 để trong tháng 12 này trình Chính phủ xem xét sửa đổi, trách nhiệm ngành Công thương trong vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu có vấn đề như đại biểu đã nêu.
Tình trạng gian lận, xăng chất lượng kém, không những chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn có thể ảnh hưởng đến tài sản, đồng thời gây bức xúc trong dư luận. Chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp tục xử lý những sai phạm này trong thời gian tới là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng khoa học công nghệ về vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Bộ Công thường cũng sẽ tham mưu chỉ đạo các lực lượng đứng chân trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tạo sức mạnh chung trong vấn đề quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các sai phạm. Đối với những trường hợp trong lực lượng có những cá nhân, có những đơn vị không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp sẽ kiên quyết xử lý kỷ luật và đến mức độ cần phải chuyển sang cơ quan chức năng thì cũng sẽ xử lý như vậy. Vừa qua chúng ta đã làm một số việc nhưng chưa được nhiều, về trách nhiệm của Bộ Công thương chúng tôi đã có dịp báo cáo với Quốc hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương trong thời gian tới là thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường, nhất là không để cho nạn hàng giả, hàng nhái phát triển như hiện nay, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chính đáng, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng./.
Tuấn Đạt (ghi)