Sáng 3/4, Ban Tuyên giáo Trung ương
tổ chức Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 4/2019.
Hội nghị đã nghe TS. Dương Quang Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo chuyên đề: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN trong bối cảnh các mạng công nghệ 4.0, tình hình cung cấp điện trong thời gian gần đây và một số khó khăn và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia - ông Khuất Việt Hùng trình bày chuyên đề: “Tình hình tại nạn giao thông và công tác bảo vệ trật tự, ATGT trong thời gian qua; những giải pháp trọng tâm, đột phát để đảm bảo trật tự, ATGT trong thời gian tới”.
NGUY CƠ THIẾU NGUỒN CUNG ĐIỆN
Theo TS. Dương Quang Thành, trong năm 2018, EVN đã cung cấp điện tới 100% số xã và trên 99.05% số hộ ở nông thôn, 11/12 huyện đảo trên toàn quốc. EVN cấp điện tới những địa bàn vùng sâu vùng xa nhiều hơn các nước có cùng mặt bằng thu nhập và đã công bố dịch vụ công cấp độ 4, thực hiện đăng ký trực tuyến cho 100% dịch vụ điện năng.
Năm 2018, bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, EVN đã chủ động thu xếp các nguồn vốn để đầu tư cấp điện cho hơn 19.700 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Nam... Đặc biệt tháng 7/2018, EVN đưa điện lưới đến 2 xã cuối cùng chưa có điện trên cả nước (xã Ch’ơm và Tr’Hy huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
Đến nay, EVN cũng đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo trên cả nước (trừ huyện đảo Hoàng Sa). Năm 2018 hoàn thành cấp điện xã đảo Hòn Thơm (Kiên Giang), tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của bộ đội và nhân dân trên huyện đảo.
TS. Dương Quang Thành: Tính đến cuối năm
2018, EVN đã hoàn thành mục tiêu "hầu hết hết số hộ dân nông thôn có
điện" theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2020.
Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Dương Quang Thành cho biết: Do điều kiện sản xuất kinh doanh, hiện EVN đang đối mặt với hai vấn đề, đó là nguy cơ thiếu nguồn cung và nguy cơ thiếu nhiên liệu cho phát điện.
Về nguy cơ thiếu nguồn cung, với tốc độ tăng trưởng phụ tải hàng năm bình quân trên 10% như hiện nay, mỗi năm hệ thống điện cần được bổ sung tối thiểu trên 6.000MW công suất đặt.
Về nguy cơ thiếu nhiên liệu cho phát điện, hiện các nguồn nhiên liệu, năng lượng sơ cấp trong nước cạn kiệt dần, không đảm bảo cho sản xuất điện, tiến tới phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu than, điện và khí. Năm 2017, EVN đã sử dụng 4,7 triệu tấn than nhập khẩu, tăng lên 10,8 triệu tấn trong năm 2020. Vấn đề đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện khó khăn hơn: gia tăng tỷ trọng nguồn than nhập khẩu, khó khăn trong việc cung cấp - vận chuyển than cho các trung tâm điện lực, vấn đề về kho cảng trung chuyển than...
TAI NẠN GIAO THÔNG GIẢM SÂU
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Thực hiện Kết luận 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/ của Ban Bí thư khoá XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông từ năm 2019-2021", Ủy ban ATGT Quốc gia đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, đột phá để đảm bảo trật tự, ATGT: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự, ATGT, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu ATGT, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.
Theo thống kê, giai đoạn 1999-2008 Việt Nam có 112.200 người chết do tai nạn giao thông (TNGT) (11.220 người/năm). Trong đó, TNGT đường bộ làm chết 108.105 người (10.811 người/năm bằng 96.4%).
Giai đoạn 2009-2018 số người chết do TNGT giảm còn 96.068 (9.607 người/năm), trong đó TNGT đường bộ làm chết 93.161 người (9.316 người/năm chiếm 97%).
3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với 3 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 644 vụ (giảm 13,78%), số người chết giảm 244 người (giảm 11,35%), số người bị thương giảm 486 người (giảm 13,4%).
Như vậy, thiệt hại do TNGT đường bộ từ năm 1999 - 2018 đã ngày càng giảm sâu. Hệ thống giao thông cũng ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Hiện tượng ùn tắc giao thông được giảm thiểu đáng kể.
Ông
Khuất Việt Hùng: Một trong những thách
thức đối với ATGT tại Việt Nam là ý thức của người tham
gia giao thông vẫn còn thấp
Để cải thiện tình trạng ATGT hiện nay, theo ông Khuất Việt Hùng cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT.
Theo đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.
Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
TẬP TRUNG TUYÊN TRUYỀN MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI QUAN TRỌNG
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung vào một số nội dung tuyên truyền trong thời gian tới:
Thứ nhất, về tình hình kinh tế - xã hội. Tập trung tuyên truyền Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019; tình hình kinh tế - xã hội tháng 3/2019 theo số liệu chính thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuyên truyền Tổng điều tra dân số và nhà ở: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Ban Tuyên giáo các cấp cần huy động tối đa các hình thức tuyên truyền, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền Tổng điều tra, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc Tổng điều tra; huy động sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị và tổ chức, hoạt động tuyên truyền phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Thứ hai, tuyên truyền một số hoạt động đối ngoại quan trọng. Tuyên truyền chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới Vương quốc Maroc, Cộng hòa Pháp; thăm và làm việc với Nghị viện Châu Âu; tham dự Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới tại Qatar từ ngày 27/3 đến ngày 9/4/2019.
Tuyên truyền chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Trong tháng 4/2019, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc; dự Diễn đàn quốc tế “Vành đai và con đường”. Đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong năm 2019, đội ngũ báo cáo viên cần bám sát đề cương, định hướng và tài liệu chính thống của các cơ quan chức năng để tuyên truyền đúng, có trọng tâm, trọng điểm tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng. Tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng, về truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân.
Tuyên truyền giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đường lối cách mạng Việt Nam, đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng và nhân dân ta; khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954 và Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như toàn bộ Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Thứ tư, tuyên truyền Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong đơn vị kinh tế tư nhân.
Thứ năm, tuyên truyền Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2015, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của Nghị quyết là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ sáu, tuyên truyền Nghị quyết 653/2019-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó cần lưu ý:
Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội;
Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Thứ bảy, tuyên truyền Hội thi Olympic toàn quốc các môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ III, diễn ra từ ngày từ 25/3-19/5/2019. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của các cấp bộ Đoàn, Hội trên cả nước, nhằm tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trong trường học, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong quá trình học tập, nghiên cứu các môn khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng kiến thức đó vào học tập, công tác, cuộc sống, rèn luyện bản thân.
Thứ tám, tuyên truyền phòng, chống đuối nước và tai nạn lao động. Gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tại nạn lao động, đuối nước nghiêm trọng. Mùa hè sắp đến, là thời gian các vụ đuối nước thường diễn ra nhiều nhất trong năm. Do đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng, ngừa để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn lao động và đuối nước gây ra. Phòng ngừa đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em vị thành niên liên quan đến ý thức của các bậc cha mẹ, đến các tổ chức trường học, đoàn đội là nơi các em sinh sống, học tập và sinh hoạt đoàn thể cũng như bản thân các em.
Thứ chín, một số nội dung tuyên truyền dài hạn. Tuyên truyền thực hiện các nghị quyết Trung ương khóa XII, trong đó có Nghị quyết về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Tiếp tục tuyên truyền về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; nêu bật, khẳng định những kết quả, tác động tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng như đối với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; nhấn mạnh sự ủng hộ, đồng tình của người dân cả nước với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước; nêu bật các vấn đề cần quan tâm để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực hơn trong thời gian tới./.
Tuấn Đạt