Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 11/7/2023 15:30'(GMT+7)

Tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội;  Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Hội nghị.

CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI CỦA THỦ ĐÔ ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TỐT

Báo cáo kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội triển khai hiện kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố thực hiện tốt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Kết thúc giai đoạn 2012-2020, Hà Nội là địa phương hoàn thành cả bốn mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 16/12/2021 thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” thành phố. Bên cạnh đó đó, Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục được kiện toàn theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 8/4/2021 là tổ chức phối hợp liên ngành giúp UBND Thành phố nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến thực hiện công việc đổi mới giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW trong đó có công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đều được kiện toàn, giúp UBND thành phố chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố  báo cáo tại buổi làm việc.

Các sở, ban, ngành thành phố đã có sự phối hợp tích cực và đạt được những kết quả, thành tích tốt trong giai đoạn vừa qua, đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân Thủ đô, góp phần hoàn thành các mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Các cấp, ngành chủ động, tích cực và trách nhiệm trong thực tiễn triển khai các đề án thành phần. Bên cạnh đó, gắn việc xây dựng xã hội học tập với các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo của địa phương thông qua nhiều nội dung hoạt động, hình thức tuyên truyền, học tập ngày càng đa dạng, phong phú.

Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tính cấp thiết của công tác xây dựng xã hội học tập. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Hà Nội đã đạt được những kết quả, thành tích tốt, đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân Thủ đô.

Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tỉ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt tỉ lệ 98,49%. Hà Nội có 579 trung tâm học tập cộng đồng. Các trung tâm đã đi vào hoạt động có nền nếp, nhiều trung tâm hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện tốt hơn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của nhân dân với nhiều chuyển đề, hình thức hoạt động phong phú, đổi mới, thiết thực, phù hợp.

Kết thúc giai đoạn 2012-2020, Hà Nội là địa phương hoàn thành cả bốn mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó, có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%); số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%). Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã hội học tập.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo công tác của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số đơn vị thành viên của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội là 60. Trong đó có 30 đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã và 30 đơn vị là trường đại học, cao đẳng. 579 hội khuyến học thuộc xã, phường, thị trấn; 6.585 số chi hội; 11.462 ban khuyến học. Tổng số hội viên là 1.589.425, chiếm 19.5% dân số toàn thành phố.

Hàng năm, kết quả các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” đều đạt và vượt chỉ tiêu định hướng của Trung ương Hội giao. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, tỉ lệ gia đình học tập đạt 67,4%; tỉ lệ dòng họ học tập đạt 59%; tỉ lệ cộng đồng học tập đạt 77%; tỉ lệ đơn vị học tập đạt 89% (theo bộ tiêu chí mới).

Hội khuyến học thành phố Hà Nội thường xuyên làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyển, phát huy vai trò nòng cốt, liên kết phối hợp với các ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội thực hiện nhiệm vụ khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hội đã có nhiều cố gắng nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội để thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài. Đến năm 2022, quỹ khuyến học các cấp hội toàn thành phố đạt trên 314 tỉ đồng, đạt bình quân 45.600 đồng/người dân. Từ đó, số người được trao học bổng trong năm đạt gần 600.000 suất với số tiền trên 138 tỉ đồng.

Bên cạnh những ưu điểm, công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố Hà Nội còn gặp một số hạn chế. Hoạt động của một số chi hội, ban khuyến học, hội cơ sở còn chung chung, hình thức, chậm đổi mới, chậm đại hội nhiệm kỳ.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng vận động xây dựng quỹ khuyến học song nguồn quỹ còn thấp so với tiềm năng của thành phố; việc xây dựng tổ chức khuyến học, đơn vị học tập còn nhiều khó khăn ở cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang.

Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội kiến nghị đề xuất đưa các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (trong đó có hội khuyến học) thành một cụm thi đua thành phố. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết một số vướng mắc khó khăn của hội khuyến học cấp quận, huyện, thị xã.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng bày tỏ thống nhất cao với báo cáo trình bày tại hội nghị. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, trực tiếp là Thường vụ Thành ủy, sự điều hành của Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị trong thành phố đã triển khai nghiêm túc Kết luận của Trung ương, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu.

Hội Khuyến học thành phố Hà Nội từng bước được củng cố, tổ chức hội phát triển, hội viên ngày một tăng, đổi mới hơn trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền để triển khai phong trào học tập, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng trong từng gia đình, cộng đồng, tầng lớp nhân dân. Công tác khuyến học góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thì không chỉ tác động đến thành phố Hà Nội mà còn có ý nghĩa lớn với sự phát triển của cả nước. Vì ở đây tập trung nhiều cán bộ, đội ngũ khoa học, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, là trung tâm đào tạo khoa học lớn của cả nước”, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Để hoạt động khuyến học, khuyến tài của thành phố Hà Nội phát triển hơn nữa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đề nghị Thành ủy Hà Nội có Nghị quyết chuyên đề về công tác này.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các sở liên quan đã trao đổi, giải đáp 3 nhóm kiến nghị, đề xuất của Hội Khuyến học Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thi đua khen thưởng; vướng mắc về con dấu, chế độ hội đặc thù, kinh phí hoạt động.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định: Muốn xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt phải đảm bảo 3 yếu tố: cam kết của lãnh đạo các cấp về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; cam kết vận động nguồn kinh phí cho hội hoạt động; phải có sự tham gia của tất cả tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thủ đô theo 3 yếu tố căn bản này.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo thành phố về xây dựng xã hội học tập, có Phó Chủ tịch UBND thành phố và giám đốc một số sở, ngành tham gia; định hướng xây dựng Hà Nội thành thành viên mạng lưới “thành phố học tập” của UNESCO; quan tâm giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hội Khuyến học Hà Nội.

HÀ NỘI LUÔN DÀNH ƯU TIÊN CAO NHẤT CHO CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI


Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng; truyền thống hiếu học, trọng học, thành phố Hà Nội luôn dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về vấn đề này. Trong đó, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã xác định: “Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.

Khẳng định kết quả tích cực của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố thời gian qua, nhất là hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản Đề án của Chính phủ về công tác xây dựng xã hội học tập, Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt lưu ý những kiến nghị, đề xuất của Hội Khuyến học Hà Nội, các ý kiến góp ý của lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, coi đây là những hạn chế, tồn tại mà thành phố phải quan tâm, tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố sẽ tập trung thực hiện Kết luận số 49-KL/TƯ ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư (khóa XII); xác định rõ công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng phải làm để có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ.


Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, sẽ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác này; phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ lưu ý những kiến nghị, đề xuất của Hội Khuyến học Hà Nội, các ý kiến góp ý của lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, coi đây là những hạn chế tồn tại mà thành phố phải quan tâm, tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Hà Nội xác định rõ công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng phải làm để có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh./.

Tin và ảnh: Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất