Thứ Bảy, 1/12/2018 10:39'(GMT+7)
Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam
Tối 30/11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đã chính thức khai mạc quy tụ gần 1.200 nghệ nhân của bốn tỉnh Kon Tum, Đắk Lak, Đắk Nông, Lâm Đồng; 19 đoàn cồng chiêng thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai cùng đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại Tây Nguyên còn tổng số hơn 10.000 bộ cồng chiêng, trong đó, Gia Lai chiếm hơn một nửa. Lễ hội là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Kỳ vọng của Ban Tổ chức là trong dịp này thông qua các hoạt động Lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ, trình diễn nghệ thuật dân gian và hội thảo khoa học, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức, cùng nhìn lại một phần thực tế phong phú, đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, du khách cũng sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn khác như Lễ hội Càphê đường phố, ẩm thực Tây Nguyên, hội thảo về công tác bảo tồn cồng chiêng.
Phát biểu chia sẻ với niềm vui của đồng bào các dân tộc trong không gian cồng chiêng đậm nét văn hóa truyền thống của đại ngàn Tây Nguyên, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em trên vùng đất Tây Nguyên nói chung tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng và gió, với những cánh rừng già xanh thẫm, nơi những con người mộc mạc chất phác cùng nhau sinh sống tạo nên một cộng đồng với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo. Đây còn là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi được xưng tụng là nóc nhà Đông Dương, nơi đã sinh ra những người anh hùng đi vào huyền thoại và trở thành nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau.
Đề cập đến nét văn hóa cổ xưa của vùng đất Gia Lai, Thủ tướng nhắc đến những địa danh lịch sử như Tây Sơn Thượng đạo, những con người huyền thoại như Anh hùng Núp, hay những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú Biển Hồ, núi Hàm Rồng mờ sương và kho tàng sử thi hùng tráng vô giá.
Thủ tướng cho rằng, cùng vời thời gian, tiếng cồng tiếng chiêng trong không gian di sản truyền khẩu của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và vượt ra khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại.
[Khám phá Gia Lai qua Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018]
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên, cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống; bảo tồn hệ sinh thái và phát huy các giá trị của văn hóa Tây nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên.
Quang cảnh lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng đề nghị chính quyền và toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Tây nguyên và các tỉnh miền Trung cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tập trung truyền giữ tiếng cồng chiêng trong không gian di sản đại ngàn, nhà rông, nhà dài và các nghi lễ tín ngưỡng.
Trong không khí lễ hội, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn về một Tây Nguyên mới: Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Thủ tướng mong muốn Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi; phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Êđê, Gia rai, Mơnông, Bana, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Để thực hiện tầm nhìn này, các tỉnh Tây nguyên cần liên kết chặt chẽ về chiến lược, quy hoạch và ý chí. Tích cực hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển với mục tiêu tăng trưởng bao trùm, mọi người dân đều được hưởng lợi một cách tương xứng với công sức lao động và thành quả phát triển của Tây nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Phải làm sao để hai chữ Tây nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Gia Lai và Tây nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa," Thủ tướng nói./.