Chủ Nhật, 19/5/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 11/11/2022 9:27'(GMT+7)

Tây Ninh - Bình Phước tăng cường hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022 - 2025

Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2021, ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.

Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2021, ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy TBình Phước Nguyễn Mạnh Cường; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chủ trì Hội nghị.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm bày tỏ sự vui mừng đón đoàn công tác tỉnh Bình Phước đến tham dự hội nghị. Trên cơ sở chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2021 giữa hai tỉnh, đã có nhiều hoạt động được triển khai, phối hợp thực hiện trên nhiều lĩnh vực, qua đó, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác, không chỉ riêng của hai tỉnh mà còn trong liên kết vùng Đông Nam bộ, giúp cho hai địa phương phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh. 

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm kỳ vọng, trong chương trình hợp tác sắp tới, hai địa phương sẽ cùng chia sẻ, hỗ trợ, gắn kết chặt chẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân; cùng với các tỉnh trong khu vực thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường đã bày tỏ sự tin tưởng, từ kinh nghiệm của 5 năm triển khai chương trình giai đoạn 2016-2021, hai tỉnh xây dựng chương trình mới sát với thực tế cũng như yêu cầu công tác. Cùng với quyết tâm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, UBND hai tỉnh, các sở ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện, chắc chắn sẽ có những kết quả thiết thực, cụ thể. Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước chúc mừng lãnh đạo tỉnh Tây ninh về những kết quả mà Tây Ninh đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Ninh rất cao, đồng thời có những phát triển rất mới, mạnh mẽ về lĩnh vực du lịch.

TĂNG CƯỜNG GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA TÂY NINH - BÌNH PHƯỚC, TẠO ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM

Qua 5 năm triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Bình Phước và Tây Ninh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ của 2 địa phương thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện mỗi tỉnh, tạo động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại hội nghị.


Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai tỉnh cùng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch ngành quốc gia Tuyến Quốc lộ 14C kéo dài; thống nhất điểm kết nối giữa hai địa phương Tuyến Quốc lộ 14C kéo dài, đồng thời đầu tư các đoạn tuyến còn lại đạt tiêu chuẩn và công trình cầu để thông tuyến, làm cơ sở đề nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp lên thành quốc lộ. Duy trì hoạt động ổn định của các tuyến xe vận tải hành khách cố định giữa hai địa phương. Công khai, niêm yết 2 tuyến mới đã được công bố để đơn vị vận tải đăng ký khai thác, gồm: Bến xe Hòa Thành - Bến xe Bù Đốp, Bến xe Tân Hà - Bến xe Bù Đốp.

Tuy nhiên, việc hợp tác trong một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Việc phối hợp giữa một số sở, ban, ngành của hai địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; một số nội dung hợp tác được triển khai thực hiện thiếu chiều sâu, chi tiết nên chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Theo đó, 2 tỉnh phối hợp tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng, khu vực giữa Bình Phước và Tây Ninh; hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đẩy mạnh liên kết vùng; phối hợp quảng bá sản phẩm du lịch mang đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương, kêu gọi đầu tư, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh du lịch, các dự án du lịch; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư ở các tỉnh, vùng lân cận nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở 2 địa phương; phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả lĩnh vực quản lý an ninh biên giới, kinh tế mậu biên…

GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TẬP TRUNG HỢP TÁC 6 LĨNH VỰC CHỦ YẾU

Theo Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội được ký kết trong giai đoạn mới 2022-2025, tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh sẽ hợp tác trên 6 lĩnh vực chủ yếu. Trong đó chú trọng kết nối giao thông trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Hai tỉnh sẽ phối hợp tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, đường Tuần tra biên giới, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, đường ĐT.753 kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải...
Cùng phối hợp với Bình Dương đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan khảo sát, công bố luồng đường thuỷ nội địa trên hồ Dầu Tiếng phục vụ nhu cầu vận tải của các địa phương và phát triển du lịch.


Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Bình Phước ký kết Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giai đoạn 2022-2025.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, những nội dung trong chương trình hợp tác lần này thể hiện sự đổi mới với quyết tâm chính trị  cao; đồng thời cũng là nghĩa cử, tình cảm và trách nhiệm giữa lãnh đạo cũng như hệ thống chính trị của hai địa phương, không chỉ hôm nay mà còn của quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai. 

Đồng chí nhấn mạnh, đây là một cơ sở để hai địa phương khai thác tối đa được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới. Sau hội nghị, Tây Ninh và Bình Phước sẽ tập trung chỉ đạo, cụ thể hoá các nội dung, chương trình đã được ký kết; tập trung nguồn lực để cùng nhau thúc đẩy, hiện thực hoá có hiệu quả những nội dung đã được đề ra./.

Giao Tuyến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất