Thứ Hai, 25/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Bảy, 14/2/2015 9:45'(GMT+7)

Tết của ngư dân ở biển xa

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển thi hái hoa dân chủ đêm giao thừa. Ảnh minh họa.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển thi hái hoa dân chủ đêm giao thừa. Ảnh minh họa.

Những ngày cuối của năm Giáp Ngọ, các cảng cá ở tỉnh Khánh Hòa trở nên nhộn nhịp, tấp nập bởi tiếng gọi, thúc giục nhau của ngư dân đưa tàu vươn khơi bám biển trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, mở đầu cho một mùa đánh bắt hải sản mới tràn đầy hy vọng “thuận buồm, xuôi gió”. 

* Sắc xuân trên bến cảng 

Cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, nơi hầu hết các tàu cá ở tỉnh Khánh Hòa tập trung để chuẩn bị xuất phát ra khơi trong dịp Tết này lúc nào cũng nhộn nhịp, khẩn trương từ sáng sớm đến tối mịt. Chủ tàu nào cũng muốn chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho chuyến đi biển “xuyên” tết, mà không phải năm nào cũng có điều kiện thuận lợi để đi được. 

Mới 6 giờ sáng, cả bến cảng dài hàng trăm mét không còn một chỗ trống. Các tàu cá lần lượt nhổ neo ra khơi, cùng lúc lại có nhiều tàu khác cập bến tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Trên bến cảng, hàng chục chiếc máy xay đá lạnh chạy xình xịch hết công suất, những chuyến xe ô tô tải, xe ba gác tấp nập ra vào vận chuyển lương thực, nước ngọt, thực phẩm…cung ứng cho tàu cá sắp rời bến. Khác với ngày thường, những chuyến biển ngày cận Tết còn mang theo cả sắc xuân ra khơi, khi tàu nào cũng có thêm vài bó hoa tươi đang khoe sắc, cặp bánh chưng, bánh tét hay chút rượu nồng. 

Trên mỗi tàu cá, lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió ở vị trí cao nhất trên cabin. Chuyến đi này, tàu nào cũng mang theo thêm vài lá cờ Tổ quốc, vì mùa biển này hay có gió mạnh dễ làm lá cờ bị rách, khi đó sẽ có ngay cờ mới thay thế. Với ngư dân, lá cờ Tổ quốc là niềm kiêu hãnh, tự hào khẳng định đây là ngư trường, là vùng biển của mình, đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của quốc gia trên biển. Theo lão ngư Nguyễn Tấn Lầu, chủ tàu KH 96778-TS, dịp Tết số lượng tàu cá hoạt động trên biển ít hơn ngày thường, vì vậy việc treo cờ càng trở nên cần thiết và thiêng liêng để lá cờ Tổ quốc không bao giờ ngừng bay trên vùng biển quê hương mà bao đời cha ông đã dày công gìn giữ. 

Chuyến đi biển ngày cận Tết có rất đông người đến bến cảng tiễn thuyền viên ra khơi. Cũng như nhiều người khác, chị Trần Thị Hà, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang đã có mặt từ sớm trên bến cảng để tiễn chồng ra khơi. Chị trải lòng: “Cái nghiệp nó thế, năm nào nhận thấy có nhiều cá là mấy anh em lại cùng nhau ra khơi, kể cả ngày lễ, Tết. Đây là lần thứ tám anh không cùng vợ con sum vầy ăn Tết ở nhà, nhưng lần tiễn nào cũng để lại trong lòng nỗi nhớ nhung đến da diết, dẫu biết rằng anh và bạn bè hồ hởi ra khơi trong dịp Tết là niềm vui cho một năm mới “xuôi chèo, mát mái”. 

Giây phút tiễn người thân ra khơi trong ngày xuân trên bến cảng thật lưu luyến, bịn rịn nhưng đầy tin tưởng, lạc quan. Đó là tình cảm của người vợ tiễn chồng, cha mẹ tiễn con, em tiễn anh. Khi những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho người thân ra khơi dịp Tết vừa dứt cũng là lúc tàu rời bến cảng. Khung cảnh “trời yên, biển lặng” nơi cửa biển những ngày cuối năm như chiều lòng ngư dân đưa những con tàu lướt nhanh ra khơi xa được thuận lợi nhất. Trong chốc lát, con tàu đã dần ra xa khỏi tầm mắt, để lại trong lòng người ở lại bao sự chộn rộn và cũng tràn đầy hy vọng. 

Theo Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, Tết năm nay, có hàng trăm chiếc tàu đã xuất bến đi biển chủ yếu làm nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây, lưới cản; do thời điểm này đang có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn khơi, như giá dầu diesel giảm, sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt được tăng... 

* Ngày Tết nơi biển xa 

Ở ngoài khơi, ngư dân chỉ nghỉ làm ngày mùng Một Tết, sau đó bắt tay ngay vào sản xuất. Theo anh Nguyễn Trường, Thuyền trưởng tàu KH 96672-TS, để thuyền viên có được một cái Tết đầy đủ, trọn vẹn trên biển, trước lúc ra khơi, chủ tàu cho ứng tiền công trước để họ lo Tết cho gia đình. Chuyến biển dịp Tết, các thuyền viên cũng được quan tâm hơn từ khẩu phần ăn hàng ngày nhiều và ngon hơn đến chia sẻ lợi nhuận từ nguồn hải sản đánh bắt được. 

Trước thời khắc giao thừa, các thuyền viên trên tàu bắt đầu nghỉ đánh cá, thu lưới rồi xếp lại cho ngay ngắn. Sau đó, các thuyền viên cùng chung tay bày mâm cúng trên boong tàu để cúng giao thừa. Đúng thời khắc thiêng liêng ấy, thuyền trưởng cho tàu dừng lại, hướng mũi tàu về phía đất liền, hú một hồi còi dài. Thuyền trưởng đứng trước mâm cúng khấn vái, anh em thuyền viên đứng lùi về phía sau. Trước mâm cúng giữa biển khơi, tất cả đều mong cho đất nước được an bình, nhớ đến ông cha đã có công giữ gìn biển đảo, cầu cho những chuyến đi biển trong năm mới luôn vững vàng trước sóng gió, khi trở về tôm cá luôn đầy khoang. Mùng Một Tết cũng là ngày mà tất cả thuyền viên không sát sinh. 

Sau khi cúng giao thừa, tất cả thuyền viên quây quần bên nhau thưởng thức các món ăn mà người thân chuẩn bị sẵn trước lúc ra khơi rồi cùng hát hò, chung vui. Thông qua hệ thống máy thông tin trên tàu, lần lượt các thuyền viên gọi về đất liền chúc Tết gia đình, người thân và cả những đồng nghiệp cũng đang đón giao thừa trên biển. “Đón xuân trên biển, tuy xa nhà, xa người thân nhưng ai cũng hồ hởi chúc tụng nhau năm mới được an lành, đánh bắt được nhiều tôm cá”, anh Hiếu, thuyền viên tàu KH 97669-TS cho biết. 

Ngày mùng Hai Tết, tất cả thuyền viên trên tàu trở lại sản xuất. Ngày này các tàu không cúng nhưng khi làm việc gì cũng đều phải kiêng với quan niệm “vạn sự khởi đầu nan” cho một năm mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Theo đó, thuyền viên nào đảm nhận công việc gì cũng phải đảm bảo an toàn, vận hành suôn sẻ, như: khi thu lưới không để lưới bị rách hay mắc vào chân vịt của tàu, tránh đánh rơi, làm vỡ đồ dùng… Mùng hai Tết cũng là ngày mở đầu cho một mùa đánh bắt hải sản mới của ngư dân với khát khao làm giàu từ biển. Bởi vậy, thành viên nào trên tàu cũng hăng say lao động để mong nhận được nhiều sự may mắn và đánh bắt được nhiều cá để tàu sớm trở về bờ “ăn Tết muộn” với người thân./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất