Thứ Ba, 26/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Năm, 12/12/2019 14:5'(GMT+7)

Thách thức thiên tai và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống đối với khu vực miền Trung

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ VÀ KHÍ HẬU CỦA KHU VỰC

Miền Trung là dải đất hẹp, phần lớn diện tích nằm ở sườn phía đông dốc đứng ở dãy Trường Sơn, đồng bằng ven biển bị chia cắt bởi những dãy núi ngang nhô ra sát biển và Tây Nguyên có độ cao trên một ngàn mét. Do điều kiện địa hình, khí hậu cùng cơ chế hoàn lưu khí quyển, hằng năm miền Trung phải hứng chịu nhiều trận bão, áp thấp nhiệt đới, mưa to và rất to trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày làm ngập lụt hàng trăm làng mạc, gây thiệt hại to lớn về người và của cho nhân dân địa phương. Liên tiếp trong các năm gần đây, thiên tai xảy ra ở miền Trung càng thường xuyên hơn, trầm trọng hơn, mức độ tàn phá càng cao hơn.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình - Bình Thuận) với đặc điểm địa hình chiều ngang hẹp, chia cắt mạnh và biến đổi nhanh từ Tây sang Đông (từ núi đến vùng trung du, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp và biển). Dải ven biển bao gồm nhiều bãi cát, cồn cát lớn và các đầm phá. Đây là khu vực có mạng lưới sông suối lớn, mật độ sông suối cao, chỉ tính các sông có độ dài trên 10km đã có tới 740 sông. Tuy nhiên, các sông đa số ngắn và dốc, lưu vực chủ yếu là đồi núi, các cửa sông hẹp, nông, thường xuyên bị bồi lấp, nên khi có mưa lớn ở thượng nguồn thì nước tập trung nhanh về hạ lưu gây ngập lụt vùng đồng bằng. Trong khu vực bao gồm 7 hệ thống sông lớn với nhiều hồ chứa trong quy trình liên hồ, bao gồm: Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kon - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srepok.

Khí hậu vùng duyên hải miền Trung khá khắc nghiệt, biến động khí hậu mạnh; mùa khô hạn (chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm) chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng gây hạn hán, xâm nhập mặn; mùa mưa bão (chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm) chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, thường có bão và mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Lượng mưa mùa mưa lũ chiếm 65-75% tổng lượng mưa năm. Lượng mưa trung bình năm ở mức 800 - 3.600mm; trong đó, có các tâm mưa lớn ở các vùng Tuyên Hóa - Quảng Bình, Khe Sanh - Quảng Trị, Nam Đông, A Lưới, Bạch Mã - Thừa Thiên Huế, Bắc Trà My - Quảng Nam, Ba Tơ - Quảng Ngãi, Vân Canh - Bình Định, Đồng Xuân - Phú Yên với lượng mưa trung bình năm từ 3.400 - 4.000mm, có nơi trên 4.000 mm. Khí hậu ở Tây Nguyên được chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa khô nóng hạn, thiếu nước trầm trọng, mùa mưa nóng ẩm, tập trung 85-90% lượng mưa của cả năm.

Các trung tâm kinh tế, du lịch, công nghiệp, dân cư đông đúc tập trung chính ở khu vực ven biển. Hiện nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp… đang được phát triển dọc ven biển miền Trung: khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), khu nhà máy hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi)… đang là những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và của cả nước. Bên cạnh đó, du lịch biển đang phát triển mạnh, hằng năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, đây là khu vực tập trung với trên 50.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai gồm hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa, các công trình thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền, hậu cần nghề cá và đường cứu hộ, cứu nạn,… đã từng bước được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, tuy nhiên còn chưa đáp ứng được so với thực tiễn. Hiện khu vực miền Trung có rất nhiều hồ chứa thủy lợi đã xuống cấp cần phải nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Hệ thống đê sông được xây dựng với tần suất đảm bảo 5 ÷ 10% để chống lũ sớm, lũ muộn bảo vệ sản xuất. Hệ thống đê biển, đê cửa sông được xây dựng với mức chống được bão cấp 9, 10 và thủy triều trung bình với tần suất 5%. Nhiều khu vực bờ sông, bờ biển, khu vực miền núi đang có diễn biến sạt lở phức tạp. Một số vị trí Đường quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường ngang đã gây cản trở thoát lũ trong khu vực.

Từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt. Hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại 8 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 16.150ha phải dừng sản xuất, 28.317 ha lúa và 14.606 ha cây công nghiệp bị thiệt hại, 5.595 con gia súc bị chết, 115.542 hộ bị thiếu nước. Tổng thiệt hại ước tính là 7.461 tỷ đồng.

Trong 5 năm gần đây, thiên tai đã làm 615 người chết và mất tích; 19.686 nhà bị sập hoàn toàn; 965.350 ha diện tích lúa, hoa màu bị hư hỏng; 4.000.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 2.264 km đê kè, kênh mương bị hư hỏng; 46.578km đường giao thông các loại bị hư hỏng; 358.368 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 3.526 phương tiện bị chìm, hư hỏng; tổng thiệt hại khoảng 88.000 tỷ đồng.

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, cùng với đặc điểm địa hình khu vực bị chia cắt mạnh, sông ngắn, dốc, rừng đầu nguồn bị suy giảm,… đã và đang đặt ra những thách thức mới, khó lường, khó chủ động trong các tình huống thiên tai lớn, bất ngờ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến phương án phòng chống mưa lũ tại các địa phương không còn phù hợp, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền các cấp gặp nhiều khó khăn, bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra. Thiệt hại về người vẫn còn lớn, nhất là do mưa lũ, nguyên chính vẫn do một số bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó.

Hiện chưa có cơ quan chuyên trách với các phòng tham mưu chuyên sâu tại cấp tỉnh, cán bộ chuyên trách cấp huyện, cấp xã dẫn đến chủ quan, không đủ khả năng triển khai toàn diện Luật Phòng, chống thiên tai mà hầu như chỉ tập trung vào thời điểm chỉ đạo ứng phó trong tình huống thiên tai và một số công việc khắc phục hậu quả cấp bách, nên thiếu tính ổn định, lâu dài và bền vững.

Thông tin truyền thông và hướng dẫn các kỹ năng nâng cao nhận thức của cộng đồng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng và phù hợp với các yêu cầu của xã hội cũng như tính chất bất thường cực đoan của diễn biến thiên tai hiện nay. Công nghệ dự báo về mưa lũ tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, trong khi yêu cầu ngày càng phải chính xác để phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai. Chưa lồng ghép và xác định đầy đủ các nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai tác động trực tiếp đến an toàn của người dân khi có bão, lũ như việc cản lũ của các tuyến đường giao thông, co hẹp lòng dẫn, rừng phòng hộ đầu nguồn suy giảm, cửa sông bị sạt lở, bồi lấp,…

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai chậm, mới chỉ tập trung vào khắc phục bước đầu hạ tầng và phục hồi sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, nhỏ lẻ. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước thiên tai còn thấp, nhất là hệ thống đê điều, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền và hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản gây khó khăn cho việc thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững, sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức ép về gia tăng dân số, quy hoạch phát triển khu dân cư, kinh tế còn thiếu đồng bộ là nguy cơ đe dọa, làm gia tăng rủi ro thiên tai. Một số chính sách, hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn về kỹ thuật, khả năng ứng phó với thiên tai của các công trình xây dựng tại khu vực miền Trung chưa đáp ứng yêu cầu và thực tiễn hiện nay.

GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VÀ LÂU DÀI

Trước mắt, cần tập trung vào những giải pháp cấp bách do thiên tai liên tục diễn ra hằng năm. Tập trung nguồn lực khắc phục cấp bách hậu quả mưa lũ, khẩn trương ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai, nhất là các hộ dân phải di dời. Sửa chữa khẩn cấp công trình đê điều, hồ đập, vị trí trọng điểm xung yếu để sẵn sàng chống chịu khi mưa lũ lớn xảy ra.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thông tin, truyền thông về thời tiết, thiên tai nhất là mưa lớn theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Tăng cường công tác quan trắc chuyên ngành, theo dõi, giám sát cung cấp thông tin phòng chống thiên tai. Tăng cường quản lý tàu thuyền và các hoạt động trên biển, trong đó tập trung quản lý việc ra khơi, kỹ thuật neo đậu đảm bảo an toàn tại các khu tránh trú và quản lý các tàu vận tải, tàu vãng lai khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Kiện toàn cơ quan phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp tỉnh theo hướng chuyên trách trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, không làm tăng biên chế. Củng cố trung tâm chỉ đạo, chỉ huy PCTT của Trung ương, vùng và cấp tỉnh. Điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao năng lực cơ quan PCTT, huy động sự tham gia của cộng đồng, phối kết hợp giữa các bộ, ngành địa phương, lồng ghép công tác PCTT trong các hoạt động của xã hội, hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp...

Lâu dài, cần tổ chức lại bộ máy cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tham mưu chỉ huy ứng phó đảm bảo thống nhất, không tăng biên chế và theo hướng chuyên trách. Chú trọng đào tạo cán bộ làm công tác PCTT theo hướng  chuyên trách để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác PCTT các cấp.

Hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án PCTT; trong đó, có phương án phòng chống với lũ lớn, bão, bão mạnh, siêu bão. Nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với vùng thường xuyên bị ảnh hưởng ngập lụt, gió bão mạnh. Hoàn chỉnh và trình duyệt Thủ tướng Chính phủ chương trình tổng thể PCTT miền Trung - Tây Nguyên theo hướng quản lý tổng hợp theo lưu vực sông.

Tiếp tục đầu tư cho quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ. Đồng thời tăng đầu tư các loại rừng khác, đảm bảo độ che phủ cũng như khả năng điều tiết của rừng phòng hộ.

Tăng cường đầu tư khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão theo chương trình xây dựng các khu neo đậu cho tàu, thuyền tránh, trú bão đến năm 2020; Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, quản lý khu neo đậu kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá. Đầu tư, củng cố, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hệ thống đê cửa sông, bảo vệ bờ biển; hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xây dựng hệ thống chỉ đạo vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực để nâng cao năng lực phối hợp vận hành hồ chứa giảm lũ, trong đó có tình huống khẩn cấp và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Quy hoạch không gian thoát lũ các lưu vực sông; cải tạo, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng: cầu, cống, đường giao thông đảm bảo khẩu độ thoát lũ kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn. Hỗ trợ xây dựng nhà ở vượt lũ cho dân đối với khu vực thường xuyên bị ngập lũ. o

Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình bão, lũ, nắng nóng, hạn hán, sạt lở,… tại khu vực miền Trung diễn ra trái quy luật, cực đoan và khốc liệt hơn đã tác động mạnh và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, sản xuất của người dân. Luật Phòng, chống thiên tai đã xác định trên 19 loại hình thiên tai ở nước ta và hầu hết các loại hình thiên tai đều xuất hiện tại khu vực miền Trung như: Lũ lớn, ngập lụt, áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh siêu bão, nước dân, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, nắng nóng, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất./.

TS. Trần Quang Hoài

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng, chống thiên tai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất