Thứ Hai, 25/11/2024
Thể thao
Thứ Năm, 9/4/2009 21:10'(GMT+7)

Thái Bình sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW về phát triển thể dục thể thao

Sau gần 7 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 23-10-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) ''Về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010'', Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tại địa phương về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao; Kết luận số 02-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác thể dục thể thao giai đoạn 2001 -2005 và 2010; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 16/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình về phê duyệt định hướng chiến lược công tác TDTT giai đoạn 2001-2005 và 2010; Kế hoạch số 11/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định 100/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2351/2007/QĐ - UB của UBND tỉnh Thái Bình về Quy định bổ sung chức danh Hướng dẫn viên thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 11-12-2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Về việc tổ chức Đại hội Thể thao tỉnh Thái Bình lần thứ VI.

Nhờ các chủ trương đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về phát triển thể dục thể thao của tỉnh Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy và chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT gắn với quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên phong trào TDTT rộng lớn trong nhân dân. Đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội đã tự giác, tự nguyện tham gia vào các hoạt động TDTT.

Sự thay đổi về nhận thức đã thúc đẩy phong trào TDTT trong tỉnh phát triển toàn diện cả về phong trào thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao; cả về tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước đến việc huy động các nguồn lực xã hội của tỉnh cho hoạt động TDTT.

Phong trào TDTT quần chúng phát triển nhanh và đa dạng, trước hết là TDTT trong trường học được đặc biệt quan tâm. Hoạt động thể dục nội khoá, ngoại khoá, thi tiêu chuẩn rèn luyện thân thể luôn được duy trì có nề nếp; Toàn tỉnh có 293 trường tiểu học, 275 trường THCS, 41 trường THPT với tổng số 298.400 học sinh. Năm học 2007-2008 đã có tổng số học sinh 294.230 hs/tổng số 608 trường của ba cấp học đã dự thi tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỷ lệ 98,6%. Về tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng từ cơ sở ở các trường đến huyện, thành phố đã diễn ra nề nếp và ngày càng nâng cao chất dượng. Hội khoẻ Phù Đổng đã thực sự trở thành ngày hội về TDTT của tuổi trẻ học đường, thu hút đông đảo các lực lượng học sinh và quần chúng nhân dân. Đặc biết, lễ khai mạc hội khoẻ Phù Đổng lần thứ VII năm 2008 đã diễn ra rất quy mô, hoành tráng với sự tham gia của 1.200 học sinh đồng diễn 4.000 học sinh xếp chữ, 1.400 vận động viên thi đấu 9 môn thể thao...

Hoạt động TDTT trong cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động cũng phát triển mạnh mẽ. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luyện tập TDTT ngày càng đông, chiếm 24,5% số người thường xuyên tham gia các hoạt động TDTT, 15,5% gia đình thể thao. Các môn thể thao được cán bộ, công chức, viên chức tập luyện là những môn thể thao đơn giản, dễ tổ chức, sân bãi nhỏ, gọn, có thể trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị như môn bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, chạy vì sức khoẻ.... Ở một số nơi có điều kiện, còn phát triển thêm các môn quần vợt, tạo nên không khí tập luyện sôi nổi và hào hứng trong các cơ quan, đơn vị.

Hoạt động TDTT ở các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn diễn ra sôi nổi ngày càng thu hút được đông đảo lực lượng tham gia. Sở đã phối hợp với Báo Thái Bình, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2008-2010. Các phòng chuyên môn của Sở đã giúp một số ngành, đơn vị trong tỉnh tổ chức các giải thi đấu thể thao đạt kết quả tốt.

Hoạt động TDTT trong nông dân, nông thôn chuyển biến ngày càng tích cực Sở TDTT và Hội Nông dân tỉnh có kế hoạch liên tịch chỉ đạo Hội Nông dân và Phòng Văn hoá-thể thao các huyện, thành phố triển khai công tác TDTT đến tận các cơ sở. Trong những năm gần đây, đã hình thành một số giải thể thao dành riêng cho nông dân, nông thôn. Ở nhiều vùng nông thôn đều có các hoạt động TDTT đặc trưng như vật dân tộc, vật tự do, cờ tướng gắn với ngày lễ hội truyền thống lịch sử văn hoá của địa phương. Một số môn thể thao trước đây chỉ phát triển ở các vùng nội thành, nội thị nay đã phát triển rộng ở các vùng nông thôn như: cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bóng chuyền, bóng đá... thành tích các môn thể thao cũng dàn đều giữa các vùng, không có vùng trắng hoặc vùng quá yếu như những năm trước đây.

Hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang được quan tâm triệt để. Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an, nhiệm vụ rèn luyện thể lực theo tiêu chuẩn là bắt buộc. Kết quả kiểm tra hàng năm có từ 90-95% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe. Cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT của lực lượng vũ trang ngày càng được tăng cường.

Hoạt động TDTT trong đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được thường xuyên quan tâm và trở thành phong trào mạnh trong cả nước, nhiều câu lạc bộ TDTT dành riêng cho người trung, cao tuổi được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Một số hoạt động TDTT của người cao tuổi như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn... đã thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Thể thao thành tích cao được duy trì và có bước phát triển mới đạt nhiều thứ hạng cao, số VĐV tham gia đội tuyển Quốc gia thi đấu quốc tế, số VĐV đạt đẳng cấp thể thao... đều tăng qua các năm. Năm 2008 tập huấn và tham dự 44 giải quốc gia và khu vực; cử các VĐV tham dự 8 giải quốc tế, đạt tổng số 182 huy chương, gồm: 40 huy chương, 67 huy chương bạc, 75 huy chương đồng. Đặc biệt, đội bóng chuyền nữ Vital-Petechim Thái Bình tham gia thi đấu 9 giải, đạt 3 cúp vô địch; bộ môn điền kinh tham đừ 5 giải đạt 25 huy chương, nhất đồng đội nữ trẻ giải báo Tiền phong, nhất đồng đội nữ chính báo Hà Nội; có 20 VĐV được tập trung đội dự tuyển và tuyển trẻ quốc gia, 31 VĐV được phong cấp kiện tướng, 32 VĐV được phong cấp l. Vị thế các môn thể thao đỉnh cao hàng năm đã được khẳng định, số môn thể thao, số lớp năng khiếu thể thao nghiệp dư và số vận động viên năng khiếu đào tạo các môn thể thao thành tích cao tăng lên rõ rệt. Lực lượng huấn luyện viên và trọng tài tăng gấp nhiều lần so với các năm trước; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thể thao thành tích cao được cải thiện và tiếp tục phát triển.

Thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, tổ chức bộ máy của ngành TDTT tỉnh Thái Bình từng bước được sắp xếp với mục tiêu vừa tinh gọn, vừa tăng cường về chất lượng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức theo thông tư liên bộ: Đội ngũ cán bộ quản lý tại sở VH,TT-DL ngày càng được nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn và lý luận chính trị, 100% cán bộ, huấn luyện viên thể thao thành tích cao có trình độ cử nhân TDTT. Nhiều huấn luyện viên được cử đi học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, các tổ chức thể thao trong và ngoài nước tổ chức.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy cấp huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn cũng được quan tâm sắp xếp tại theo hướng phát triển. Trong tổng sổ 8 huyện, thành phố đều có phòng Văn hoá-thông tin-thể thao là cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, thành phố và 8 trung tâm VH-TT (trong đó có 1/8 trung tâm TDTT, 7/8 trung tâm VH-TT) là đơn vị sự nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp TDTT cấp huyện, thành phố phát triển.

Ngân sách sự nghiệp TDTT các cấp được tăng cường, (hàng năm kinh phí sự nghiệp TDTT của tỉnh Thái Bình đạt khoảng 0,58% tổng chi ngân sách của tỉnh) từng bước góp phần cho ngành TDTT phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT trong tỉnh ngày càng được quan tâm. Hàng năm, ngành TDTT đã ký kết, triển khai chương trình liên tịch với các ngành, đoàn thể như: ngành Giáo dục - Đào tạo, Công an, Quân đội, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Báo, Đài phát thanh và Truyền hình... nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên và các tầng lớp xã hội tham gia hoạt động TDTT, đẩy mạnh các hoạt động TDTT đến mọi đối tượng trong cộng đồng, đồng thời thu hút nhiều nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động TDTT.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 850 Câu lạc bộ, điểm tập TDTT cơ sở, nhiều câu bạc bộ TDTT trong các trường học, đơn vị lực lượng vũ trang được thành lập thu hút đông đảo học sinh, cán bộ, chiến sĩ tham gia và hoạt động thường xuyên; Các liên đoàn Thể thao: Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt hoạt động có hiệu quả.

Cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT cũng được tăng lên đáng kể. Hiện nay tỉnh đã giao cho ngành TDTT đang tích cực triển khai dự án khu liên hợp Thể thao, đang triển khai xây dựng mới nhà thi đấu đa năng tại phường Hoàng Diệu, xã Đông Hoà 3.000 chỗ ngồi; triển khai trụ sở làm việc, nhà ở cho VĐV. Các huyện, thành phố, cơ sở cơ bản hoàn thành việc quy hoạch đất cho xây dựng công trình Thể thao. Hiện nay, toàn tỉnh có 373 sân Bóng đá (60m-50m), 8 Bể bơi đạt tiêu chuẩn, 948 sân Bóng chuyền, 1.505 sân Cầu lông, 957 bàn Bóng bàn, 17 sân Quần vượt (trong đó có 9 sân do tư nhân đầu tư), phục vụ phong trào TDTT.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được. Song công tác TDTT cơ sở phát triển chưa đều, chất lượng giáo dục thể chất khối tiểu học còn hạn chế vì thiếu giáo viên chuyên trách, việc triển khai Quyết định 100/2005/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010 còn chậm; thành tích tham gia một số giải khu vực, toàn quốc đạt thấp; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phong trào còn nhiều khó khăn, nhất là ở một số xã nghèo. Trong những năm tới, để phát triển TDTT trong toàn tỉnh mạnh cần tập trung các nhiệm vụ chính sau:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT-TW của Ban Bí thư, kết luận 02-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Quyết định số 16 của UBND tỉnh về phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2010, Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ về chống mọi tiêu cực trong hoạt động TDTT và Chỉ thị số 17/CT-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp lần thứ VI;

Tiếp tục triển khai thực hiện đề án xã hội hoá công tác TDTT; triển khai giai đoạn 2 của Quyết định số 100/2005/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển TDTT ở xã, phường đến năm 2010; Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, HLV, VĐV; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia tài trợ, quảng bá và khai thác các công trình thể thao hiện có, huy động mọi nguồn lực để tổ chức thu hút nhiều người tham gia giải phong trào và phát triển nâng cao thành tích thể thao...

Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phong trào TDTT, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhiều điểm vui chơi thể thao, giải trí cho thanh, thiếu niên và các điểm tập đối với công nhân viên chức lao động, người cao tuổi... góp phần thực hiện tốt phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở'';

Hàng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên, huấn luyện viên, trọng tài cho cán bộ TDTT ở cơ sở xã, phường, thị trấn để tham gia hướng dẫn hoạt động TDTT trong nhân dân.

(Phạm Thanh Cẩm
Vụ các Vấn đề Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất