Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 23/12/2016 20:19'(GMT+7)

Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử cho cán bộ, đảng viên và nhân dân

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Xuân Hòa phát biểu chỉ đạo Hội nghị Triển khai Đề án số 04-ĐA/TU và Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Xuân Hòa phát biểu chỉ đạo Hội nghị Triển khai Đề án số 04-ĐA/TU và Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”.

Ngày 23/12, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU và Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”.

Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực cấp ủy, Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện và tương đương cùng các tác giả có bài thi chất lượng cao trong Cuộc thi.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngày 10/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Đề án số 04-ĐA/TU về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020”.

Mục tiêu của Đề án số 04-ĐA/TU là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; trân trọng giữ gìn, tự hào và phát huy truyền thống, giá trị lịch sử; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu mạnh, phồn thịnh, là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo.

Đề án số 04 đã đề ra những mục tiêu cụ thể, như 40% trở lên các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy biên soạn, xuất bản được lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ của cơ quan, đơn vị; 75% trở lên các huyện, thành, thị ủy tổ chức bổ sung, chỉnh sửa, tái bản lịch sử đảng bộ cấp huyện (đối với những đảng bộ đã xuất bản lịch sử đến năm 2005); 75% trở lên các xã, phường, thị trấn biên soạn, xuất bản được lịch sử đảng bộ địa phương; 90% trở lên cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Nguyên được thông tin tuyên truyền về các sự kiện lịch sử trên địa bàn tỉnh; 90% trở lên giảng viên, giáo viên dạy lịch sử của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh được tập huấn về nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương; cán bộ làm công tác lịch sử đảng của tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh được tập huấn về công tác biên soạn, nội dung, phương thức tuyên truyền lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương.

_
Đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải cho các đơn vị đoạt giải tập thể Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936-2016)”.

Sau hơn 2 tháng phát động, triển khai, Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936-2016)” đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Trong toàn tỉnh đã thu được trên 103.841 bài dự thi, trong đó, nhiều nhất là Đảng bộ Đại học Thái Nguyên với trên 34.013 bài; Thành phố Thái Nguyên trên 17.000 bài; huyện Đồng Hỷ và huyện Định Hóa mỗi đơn vị trên 10.000 bài…);... Đối tượng tham gia Cuộc thi rất phong phú, từ thiếu nhi đến người cao tuổi; từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân; không chỉ ở các cơ quan hành chính, trường học, mà cả trong các doanh nghiệp; ở cả thành thị và vùng nông thôn, miền núi...

Nhiều bài dự thi thể hiện sự dày công sưu tầm, nghiên cứu, với tâm huyết, sự hiểu biết và tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều bài dự thi được trình bày đẹp, đầu tư công phu, nội dung sâu sắc (có bài dự thi ngoài phần viết còn chuyển thể sang video để minh họa, dễ xem và gửi kèm theo đĩa CD; nhiều bài dự thi sưu tầm tài liệu rất phong phú, mở rộng nội dung...). Có bài thi dày 500 trang, in bằng giấy in ảnh, phải đóng thành 2 quyển. Đặc biệt, có tác giả Nghiêm Minh Nguyệt, 84 tuổi ở tổ 17, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên gửi đến Ban Tổ chức Cuộc thi một bài dự thi gồm cả 8 câu trả lời viết bằng thể loại văn vần (chủ đạo là thơ lục bát), với sự tìm tòi, suy nghĩ rất công phu, nghiêm túc.


Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Tuấn trao Giải đặc biệt cho tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện võ Nhai.

Ban Tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn 29 bài xuất sắc để trao giải cá nhân (gồm 01 giải Đặc biệt; 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 05 giải Ba, 20 giải Khuyến khích); chọn ra 16 đơn vị đã tổ chức tốt Cuộc thi để trao giải tập thể. Giải Đặc biệt (cá nhân) được trao cho tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giáo viên Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai; Giải Nhất (tập thể) trao cho Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh.

Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn tặng Giấy khen và phần thưởng cho 4 tập thể và 12 cá nhân có bài dự thi cấp tỉnh đạt chất lượng cao./.

Tin, ảnh: Trần Thép
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất