Trở lại trại giam của cơ quan Kiểm ngư trên đảo Batam, Indonesia lần này, chúng tôi thấy một điều đáng mừng là so với năm ngoái, số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại đây đã giảm hẳn.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam thăm lãnh sự các ngư dân bị giam ở đảo Batam, Indonesia. (Ảnh: Trần Chiến/Vietnam+)
Vào thời điểm cuối năm 2017, có tới gần 200 ngư dân bị giam giữ ở đây, trong khi hiện chỉ có 19 ngư dân đang chờ ngày được trao trả.
Các chuyến công tác thăm lãnh sự các ngư dân vẫn được Đại sứ quán Việt Nam thực hiện đều đặn nhằm nắm tình hình tại địa phương và giải quyết những vấn đề khúc mắc, tồn đọng trong công tác ngư dân.
Tâm tư chung của những người lao động sức dài vai rộng nay chỉ ngồi đếm tháng ngày một cách buồn bã là chỉ mong cho thời gian trôi nhanh để được có ngày trở về đoàn tụ gia đình.
Ngư dân Nguyễn Quang Hiếu, quê ở Tiền Giang kể: "Hiếu đi biển từ năm 18 tuổi, nhà nghèo nên chỉ biết chăm chỉ nghề đi biển để kiếm tiền nuôi cha mẹ. Sau 12 năm đi biển, Hiếu học hỏi để được làm thuyền trưởng thì chuyến đầu đã bị bắt, chủ tàu bỏ luôn không hỏi han gì nữa. Giờ lâm vào cảnh tù giam nơi đất khách quê người, nhà đã nghèo, cha mẹ già lại phải chạy vạy mượn tiền gửi qua nuôi con ở tù."
Có lẽ vì vậy, đi biển trở thành nỗi ám ảnh, mặc dù đối với nhiều ngư dân, đó là nghề cha truyền con nối, là kế sinh nhai duy nhất để nuôi gia đình, cha mẹ, vợ con... Nhưng khi được hỏi nếu được trao trả về Việt Nam có theo nghề biển nữa không, nhiều người lắc đầu, không ít người do dự.
Ngư dân Nguyễn Văn Đức (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi sợ rồi, tôi về với vợ con chứ không vào Nam đi biển nữa..."
Những con tàu bị bắt giữ nằm xiêu vẹo trong khu vực giam giữ ngư dân. (Ảnh: Trần Chiến/Vietnam+)
Ông Dinda Trimydya, chuyên viên của Cơ quan Kiểm ngư Batam, cho biết: “Năm nào cũng có đoàn của Đại sứ quán đến gặp chúng tôi và thăm ngư dân. Chúng tôi thường xuyên có trao đổi, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam để xử lý các ngư dân bị bắt giữ. Phổ biến nhất là tình trạng ngư dân bị bắt chuyển về đây không có đủ giấy tờ tùy thân. Đầu tiên, chúng tôi phải lập danh sách, thông qua sứ quán để xác minh, sau đó mới tiến hành các thủ tục khác. Chúng tôi cũng không muốn giữ họ lâu mà muốn phối hợp với Đại sứ quán để đưa họ về Việt Nam nhanh nhất."
Các chuyến thăm lãnh sự ngư dân hàng năm của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia là nhằm nắm tình hình của ngư dân, xem xét việc đối xử nhân đạo của Indonesia với họ đồng thời cũng nhằm trực tiếp ghi nhận những trường hợp khác biệt hoặc tháo gỡ những vướng mắc, qua đó có những biện pháp bảo hộ phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết: “Chúng tôi đã tạo được những mối quan hệ hợp tác tốt với các cơ quan liên quan, từ đó có thể có thông tin và xử lý được các vấn đề khẩn cấp như ngư dân bị đau ốm hoặc các phản ánh đặc biệt của họ. Ngoài ra, các ngư dân cũng được cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán để liên lạc trong trường hợp cần thiết hoặc khẩn cấp"./.
Theo TTXVN