Công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội là một dự án số hóa các di sản văn hóa mà Viện quốc tế Pháp ngữ đã, đang nỗ lực thực hiện. Đây là một sản phẩm hiệu quả cả về công nghệ lẫn văn hóa, sản phẩm đặc trưng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cho phép đông đảo du khách quan tâm trên khắp thế giới chiêm ngưỡng...
Ngày 12/7, Nhà hát Lớn Hà Nội và Viện quốc tế Pháp ngữ phối hợp ra mắt và bàn giao công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chuyến tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ kéo dài khoảng 15 phút, được để ở chế độ tự động với các cảnh quay độc đáo sẽ thực sự là một bữa tiệc thị giác cho du khách.
Bên cạnh đó, nhạc nền của chuyến du ngoạn ảo này là những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Pháp, lời thoại giới thiệu về từng điểm đến tham quan được biên soạn công phu bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, kết hợp với những hình ảnh hiếm thấy.
Chuyến tham quan ảo này sẽ cung cấp cho khách tham quan kiến thức phong phú về quá trình xây dựng, những nét độc đáo của kiến trúc Nhà hát, tiến trình hiện đại hóa sân khấu và âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ 20; cuộc đời và đóng góp của nhà viết kịch Vũ Đình Long - cha đẻ của ngành kịch nói Việt Nam và ông Claude Bourrin - Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trải nghiệm chuyến tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội, du khách cũng sẽ biết đến những bước thăng trầm của đất nước, sự vận động của xã hội và tâm thức con người Việt Nam...
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội chia sẻ, Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những công trình tiêu biểu nhất trong di sản kiến trúc Pháp ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương.
Công trình này được xây dựng trong 10 năm (1901-1911) để phục vụ cho các quan chức, kiều dân Tây Âu tại Hà Nội. Sau đó, Nhà hát Lớn Hà Nội dần trở thành một địa điểm văn hóa có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa sân khấu Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Kiến trúc của Nhà hát Lớn Hà Nội dù đã trải qua hơn 100 năm tuổi vẫn có sức hấp dẫn, quyến rũ, trở thành biểu tượng về lịch sử giao lưu, phát triển văn hóa, xã hội ở Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt nêu rõ, ý thức được tầm quan trọng của công trình di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh việc bảo tồn, khai thác, quảng bá các hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội để đông đảo công chúng được thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao.
Nhà hát Lớn Hà Nội được mở rộng cửa phục vụ du khách trong nước, quốc tế. Công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội cũng là một hoạt động mở cửa Nhà hát, tiếp cận gần hơn với công chúng.
Đây là một sản phẩm hiệu quả cả về công nghệ lẫn văn hóa, sản phẩm đặc trưng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cho phép đông đảo du khách quan tâm trên khắp thế giới chiêm ngưỡng...
Công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội là một dự án số hóa các di sản văn hóa mà Viện quốc tế Pháp ngữ đã, đang nỗ lực thực hiện.
Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ cho biết, nét độc đáo của dự án số hóa này là tính tích hợp giữa công nghệ và văn hóa. Dự án sử dụng công cụ, giải pháp công nghệ tiên tiến nhất trong đó có đưa vào các giá trị văn hóa, dựa trên kết quả nhiều khảo sát công phu do các chuyên gia, nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam, quốc tế thực hiện.
Công trình có thể được dùng để bảo tồn, khai thác và quảng bá cho Nhà hát Lớn Hà Nội, giảng dạy cho các sinh viên kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật... Đây cũng có thể là món quà tặng đặc biệt cho những người yêu Hà Nội, yêu văn hóa và trân trọng mối quan hệ truyền thống Việt Nam- Pháp.../.
(TTXVN)