Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 sẽ diễn ra từ 4-31/5 tại Làng văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thông tin từ Làng văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 4/5 cho biết các hoạt động tháng Năm với chủ đề "Tháng Năm nhớ Bác"sẽ diễn ra từ ngày 4-31/5 tại Làng, hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ban tổ chức sẽ giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần động viên tinh thần đồng bào, du khách, khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 gây ra…
Để đảm bảo công tác về việc phòng, chống dịch COVID-19, quy mô các hoạt động trong tháng 5/2020 sẽ điều chỉnh theo 2 phương án.
Cụ thể, nếu trong tháng 5/2020, dịch COVID-19 chưa chấm dứt, các hoạt động thực hiện theo quy mô cuối tuần, hàng ngày, giảm quy mô của các hoạt động điểm nhấn.
Nếu có thông báo chấm dứt dịch COVID-19 sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo kế hoạch, đặc biệt tăng cường các hoạt động điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Trong nhóm các hoạt động với quy mô phù hợp tình hình dịch COVID-19 sẽ có hoạt động đồng bào các dân tộc với Bác Hồ qua những câu chuyện kể.
Cụ thể, cụm các dân tộc phía Bắc, tập trung tại không gian nhà sàn đồng bào dân tộc Tày cùng kể những câu chuyện về Bác Hồ khi Người hoạt động cách mạng tại Cao Bằng, xây dựng căn cứ địa cách mạng tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cụm Tây Nguyên tập trung tại không gian ngôi nhà truyền thống của những người con mang họ Hồ, cùng đọc cho nhau nghe những câu chuyện, bài học từ cuộc đời của Người.
Cụm đồng bào Nam Bộ ngoài đọc câu chuyện về Bác còn cùng nhau chăm sóc ao sen tại chùa Khmer. Hoa sen cũng là biểu tượng vẻ đẹp của Người.
Từ những câu chuyện kể, đồng bào hiểu hơn, học tập đạo đức phong cách của Người, thực hành trong đời sống hàng ngày.
Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu hình ảnh của Bác Hồ qua những hình ảnh, hiện vật sưu tầm, hiến tặng được giới thiệu tại Làng.
Đồng bào các dân tộc sẽ cùng nhau trang trí lại không gian, sửa soạn và đặt ảnh Bác Hồ trong không gian ngôi nhà sàn, nhà rông; rèn luyện thân thể để giữ gìn sức khỏe, học tập Bác tăng gia sản xuất.
Đồng bào cũng giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc gắn với không gian sống và chủ thể văn hóa tại mỗi ngôi làng như thao tác các nghề thủ công; dân ca dân vũ, trò chơi dân gian…
Lễ Phật Đản năm 2020 (Phật lịch 2564) cũng sẽ được tổ chức tại chùa Khmer, Làng văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm duy trì hoạt động Phật sự hằng năm theo truyền thống Phật giáo, phục vụ đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh của ngôi chùa Khmer thứ 454 và cũng là ngôi chùa duy nhất theo Phật giáo Nam tông giữa lòng Hà Nội.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch COVID-19, các nghi thức đều do các sư và đồng bào Khmer thực hiện, hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách theo đúng quy định.
Khi hết dịch COVID-19, tại Làng sẽ diễn ra một số nội dung điểm nhấn tên gọi "Quà tháng Năm dâng Người." Đó là chương trình ca múa nhạc "Quà tháng Năm dâng Người" do sinh viên Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
Phần này gồm các tiết mục văn nghệ đặc sắc gắn với 3 vùng miền Bắc-Trung-Nam, hòa chung bài ca về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Qua đó, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, sức mạnh cộng đồng trong niềm vui chung đoàn kết chống đại dịch COVID-19.
Tiếp đó là chương trình dân ca dân vũ "Muôn vàn yêu thương" do đồng bào các dân tộc anh em đang hoạt động hằng ngày tại Làng thể hiện tình yêu với Bác qua lời ca, tiếng hát, hoạt động diễn xướng dân gian.
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam./.
Theo TTXVN