Thứ Tư, 13/11/2024
Nhịp cầu Tuyên giáo
Chủ Nhật, 10/11/2024 9:34'(GMT+7)

Thanh Hóa - Hủa Phăn: “Thắm tình anh em” đặc biệt Việt - Lào

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn cùng các cùng các đại biểu hai tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Lễ đổ cột chính Trụ sở Ủy ban Chính quyền huyện Sầm Nưa - một trong các dự án tỉnh Thanh Hóa viện trợ tỉnh Hủa Phăn, được đầu tư xây dựng theo nội dung Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa 2 tỉnh. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn cùng các cùng các đại biểu hai tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Lễ đổ cột chính Trụ sở Ủy ban Chính quyền huyện Sầm Nưa - một trong các dự án tỉnh Thanh Hóa viện trợ tỉnh Hủa Phăn, được đầu tư xây dựng theo nội dung Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa 2 tỉnh. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

THANH HÓA - HỦA PHĂN TRONG NHỮNG NĂM KHÁNG CHIẾN

Tỉnh Thanh Hóa của nước CHXHCN Việt Nam và tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào có chung 213 km đường biên giới, trải dài qua 15 xã thuộc 5 huyện biên giới của Thanh Hóa và giáp với 33 bản thuộc 10 cụm dân cư ở 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn. Từ những năm tháng đầu của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tình hữu nghị giữa hai tỉnh đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và gắn bó bền chặt. Mối quan hệ ấy không chỉ được thể hiện bằng tinh thần đoàn kết mà còn là sự hợp tác, kề vai sát cánh trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cùng bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Trong những năm tháng kháng chiến, nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Nhiều nhà cách mạng Việt Nam từ Thanh Hóa đã hoạt động tại Hủa Phăn, xây dựng các cơ sở cách mạng và đồng hành cùng nhân dân Lào. Sau khi Đảng bộ Thanh Hóa ra đời vào ngày 29/7/1930, nhiều thanh niên ưu tú của tỉnh đã được Trung ương Đảng cử sang Lào để giúp xây dựng nền móng cách mạng. Những đóng góp quan trọng của các đồng chí như Lương Hồng Minh, Lê Mạnh Trinh, Lương Đức Dương không chỉ giúp hình thành phong trào cách mạng tại Lào mà còn củng cố sự hợp tác và đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào dưới một chính Đảng.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Thanh Hóa vừa là một trong những hậu phương vững chắc cho cả cách mạng Việt Nam và Lào, vừa tích cực tham gia trực tiếp vào chiến trường. Thanh Hóa không chỉ là nơi đặt căn cứ của các đơn vị quân đội Pathét Lào mà còn là nơi Chính phủ kháng chiến Lào và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đứng chân, chỉ đạo các phong trào kháng chiến. Tại đây, Thanh Hóa đã giúp xây dựng các căn cứ an toàn ở khu vực biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn, đào tạo cán bộ và hỗ trợ nhiều nguồn lực cho cách mạng Lào. Với sự hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã phát triển kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa - xã hội, Thanh Hóa trở thành hậu phương chiến lược, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chiến trường Việt Nam và Lào.

Đoàn đại biểu HĐND hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, tháng 5/2024. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Đoàn đại biểu HĐND hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, tháng 5/2024. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Là cầu nối giữa các chiến trường Bắc Bộ, Bình-Trị-Thiên và Bắc Lào, Thanh Hóa đóng vai trò trọng yếu trong việc cung cấp nhân lực, tài lực cho tiền tuyến. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã cung cấp và vận chuyển trên 70% lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men và hàng hóa cho lực lượng kháng chiến ở 10 tỉnh của Lào, phục vụ cho các chiến dịch lớn như chiến dịch Thượng Lào. Khi Đảng và Chính phủ Lào lập căn cứ ở đâu, Thanh Hóa đã xây dựng đường, cầu cống và tổ chức giao thông để tiếp vận. Hàng triệu lượt dân công và thanh niên xung phong đã được huy động để xây dựng, nâng cấp và bảo vệ các tuyến giao thông hỗ trợ cho bạn.

Trong hai cuộc kháng chiến, hàng vạn người con Thanh Hóa đã tham gia các đơn vị quân tình nguyện, chiến đấu và công tác trên chiến trường Lào. Anh hùng Lò Văn Bường thuộc dân tộc Thái là một trong những gương sáng giúp đỡ bạn Lào, xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức du kích ở nhiều bản làng. Các lực lượng vũ trang địa phương Thanh Hóa cũng đã tăng cường lực lượng bảo vệ căn cứ của Đảng và Chính phủ kháng chiến Lào tại Hủa Phăn.

Khi hòa bình lập lại từ năm 1954, Thanh Hóa đã hoàn thành tốt vai trò hậu phương cho kháng chiến Lào. Tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các trạm đón tiếp lực lượng kháng chiến Lào, mở tuyến đường 217 để phục vụ việc vận chuyển tiếp tế, đồng thời hỗ trợ các chương trình đào tạo cán bộ y tế và văn hóa. Việc ký kết mậu dịch năm 1965 giữa Thanh Hóa và Hủa Phăn đã đánh dấu nền tảng của mối quan hệ hợp tác, “thắm tình anh em” giữa hai tỉnh và hai nước.

Từ năm 1965 đến 1975, Thanh Hóa tiếp tục là hậu phương chiến lược cho cách mạng Lào, góp phần xây dựng và bảo vệ Hủa Phăn - thủ đô kháng chiến của Lào. Thanh Hóa đã cử nhiều đoàn chuyên gia khảo sát, giúp bạn trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và y tế, đồng thời tham gia vào các hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, chính trị và an ninh quốc phòng.

Hiệp định Pari được ký kết năm 1973, đánh dấu thắng lợi to lớn của nhân dân Đông Dương nói chung và Việt - Lào nói riêng. Thanh Hóa tiếp tục giúp Hủa Phăn phát triển nông nghiệp, thủy lợi và cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phong trào sản xuất và đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực. Những đóng góp ấy là minh chứng sống động cho tình đoàn kết, thủy chung và là nền tảng vững chắc giúp hai nước cùng nhau giành được độc lập, tự do.

 

Trong giai đoạn 1945-1975, Thanh Hóa và Hủa Phăn đã khẳng định mối quan hệ gắn bó thông qua sự hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thanh Hóa không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân lực và vật lực cho Hủa Phăn. Sự hợp tác này không chỉ góp phần vào thành công của phong trào cách mạng Lào mà còn tạo dựng nền tảng cho tình đoàn kết bền chặt giữa hai tỉnh và hai quốc gia.

 

THANH HÓA - HỦA PHĂN TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Sau ngày 30/4/1975, khi Việt Nam giành được độc lập, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, Thanh Hóa và Hủa Phăn đã duy trì và phát huy mối quan hệ gắn bó, cùng vượt qua thử thách để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Giai đoạn 1986-2010, Thanh Hóa đã cung cấp nguồn hỗ trợ không hoàn lại, giúp tỉnh Hủa Phăn xây dựng các công trình quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng. Hai tỉnh cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm song phương ở cấp lãnh đạo, tạo cơ hội để củng cố quan hệ chính trị, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và phát triển. Thanh Hóa đã chỉ đạo các lực lượng địa phương như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Công an và Bộ đội Biên phòng thường xuyên trao đổi thông tin và hợp tác trong công tác bảo vệ an ninh chính trị. Các vấn đề nổi cộm như di cư tự do của dân tộc thiểu số, tội phạm ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại được giải quyết thông qua các cuộc họp và trao đổi thông tin song phương, đảm bảo an ninh khu vực biên giới.

Từ năm 2010 đến 2022, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào cũng như giữa Thanh Hóa và Hủa Phăn.

Về mặt chính trị, hàng năm, lãnh đạo hai tỉnh luân phiên tổ chức các hội đàm cấp cao nhằm đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong năm và xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo. Đến nay, đã có 35 cơ quan, đơn vị của Thanh Hóa ký kết hợp tác với các cơ quan, đơn vị của Hủa Phăn. Ngoài ra, hai địa phương biên giới đã kết nghĩa cho 17 cặp bản làng; 6 đồn biên phòng của Thanh Hóa cũng đã kết nghĩa với 3 đại đội biên phòng của Hủa Phăn, tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và Tết cổ truyền, hai tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động chung nhằm tuyên truyền về tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Từ năm 2010 đến 2020, đã có 702 đoàn đại biểu từ lãnh đạo cấp tỉnh đến cấp huyện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và triển khai các thỏa thuận hợp tác, góp phần củng cố quan hệ song phương.

Quang cảnh Hội đàm trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên giáo và đánh giá kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2024 giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa và Ban Tuyên huấn tỉnh Hủa Phăn, tháng 8/2024.

Quang cảnh Hội đàm trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên giáo và đánh giá kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2024 giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa và Ban Tuyên huấn tỉnh Hủa Phăn, tháng 8/2024.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Thanh Hóa và Hủa Phăn có bước tiến vượt bậc. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 74 triệu USD, tăng 18% so với giai đoạn trước. Hiện nay, khoảng 500 kiều bào và 43 doanh nghiệp từ Thanh Hóa đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Hủa Phăn, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, hai tỉnh đã tăng cường hợp tác nghiên cứu kỹ thuật, trao đổi công nghệ về khuyến nông, khuyến lâm, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy tại khu vực biên giới. Thanh Hóa cũng cử chuyên gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Hủa Phăn trong việc phòng chống dịch hại cây trồng, triển khai mô hình trồng luồng và cam, lập quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến 2030.

Việc kết nối giao thông vận tải giữa hai tỉnh được quan tâm, cải thiện và ngày càng thuận lợi. Hai tỉnh đã tập trung đề nghị Chính phủ hai nước xem xét đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như: tuyến đường từ trung tâm xã Yên Khương đi lối mở biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh kết nối với cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 217 từ Đò Lèn đến xã Na Mèo giai đoạn 1; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hồi Xuân - Tén Tằn (nay là quốc lộ 15C)... Các tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng kết nối giao thông liên hoàn, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn.

Số lượng phương tiên vận chuyển qua lại giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn ngày càng tăng; giai đoạn 2016-2020 có 642.584 lượt người/59.383 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua biên giới. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 3 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách tuyến Thanh Hóa - Hủa Phăn. Thủ tục, hoạt động của xe công vụ, cá nhân đi việc riêng bảo đảm thuận tiện, nhanh chóng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước, hai địa phương.

Về giáo dục, văn hóa - xã hội, từ năm 2010 đến 2022, tỉnh Thanh Hóa đào tạo 1.629 cán bộ, sinh viên, học sinh của tỉnh Hủa Phăn sang học tại Trường Chính trị tỉnh và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Nhiều học sinh tỉnh Hủa Phăn sau khi tốt nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa về nước đã phát huy được kiến thức, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Hủa Phăn đã tiếp nhận các học sinh tỉnh Thanh Hóa theo học trình độ đại học, chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Lào. Năm 2019, Chính quyền tỉnh Hủa Phăn đã đầu tư xây dựng Nhà ở sinh viên tỉnh Hủa Phăn tại trường Đại học Hồng Đức với tổng mức đầu tư khoảng 7,2 tỷ kíp (tương đương 17 tỷ đồng). Thực hiện chương trình Nâng bước trẻ em Lào đến trường, 11 đồn Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đang đỡ đầu 11 học sinh tỉnh Hủa Phăn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường, mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng cho một cháu.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và dụ lịch được hai tỉnh quan tâm tổ chức thông qua nhiều chương trình như: Tuần lễ Văn hóa Hữu Nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn; Ngày hội giao lưu văn hóa thể thao và dụ lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào; các hoạt động xúc tiến du lịch giữa hai tỉnh... góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác, hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào nói chung và hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng.

Giai đoạn 2010-2022, ngành y yế tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tốt việc đón tiếp, chăm sóc sức khỏe trên 21.796 lượt cán bộ, nhân dân tỉnh Hủa Phăn với số tiền hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng. Hàng năm, hai tỉnh đã tổ chức hội nghị trao đổi thông tin và hợp tác phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm khu vực biên giới giữa tỉnh Hủa Phăn với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An; phối hợp phòng chống dịch bệnh tại các huyện có chung đường biên giới trong khuôn khổ dự án An ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng; hỗ trợ đào tạo tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ y tế các bệnh viện tỉnh Hủa Phăn, đồng thời cử cán bộ y tế sang hỗ trợ khám, điều trị bệnh cho cán bộ, nhân dân các huyện biên giới tỉnh Hủa Phăn. Hai tỉnh cũng thường xuyên hợp tác phòng, chống dịch bệnh tại khu vực biên giới; đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, hai tỉnh đã phối hợp lập các chốt kiểm soát biên giới và triển khai khu cách ly; các cấp sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương của Thanh Hóa tích cực ủng hộ, hỗ trợ kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế để chia sẻ và nâng cao năng lực phòng, chông dịch COVD-19 cho Hủa Phăn.

Về quốc phòng - an ninh, từ năm 2010 đến 2022, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với tỉnh Hủa Phăn tuần tra song phương 378 lần/4.452 lượt người tham gia; các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền cùng với dân quân, công an xã tuần tra biên giới 2.116 lần/11.728 lượt người tham gia. Các cấp lãnh đạo, chỉ huy của Thanh Hóa chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Hủa Phăn, chủ yếu là hoạt động Phỉ, phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái phép; mua bán, vận chuyển ma túy, lưu hành tiền giả; mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, buôn lậu, gian lận thương mại; mua bán người và các hành vi vi phạm khác; tình hình đường biên, cột mốc, xuất nhập cảnh qua biên giới, cửa khẩu và hoạt động của người nước ngoài trên khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) trao đổi tình hình quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 với lực lượng vũ trang huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) trao đổi tình hình quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 với lực lượng vũ trang huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Tỉnh Hủa Phăn tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Thanh Hóa làm tốt công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyên và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong kháng chiến. Trong giai đoạn 2010-2022, Đội Quy tập đã tìm kiếm và đưa về nước được 533 hài cốt liệt sĩ. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã tìm kiếm hài cốt, cất bốc 9 mộ chiến sĩ bộ đội Phathét Lào trên địa bàn tỉnh...

Giai đoạn 2010-2022, Thanh Hóa đã hỗ trợ Hủa Phăn xây dựng một số công trình, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện một số dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ gia đình chính sách và nâng cao dân trí từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách của các địa phương và cơ quan trong tỉnh. Cụ thể như: hỗ trợ xây dựng trụ sở Ủy ban Chính quyền huyện Sầm Nưa và huyện Sầm Tớ; hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp khuôn viên Tượng đài ghi công Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Hủa Phăn; hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Hủa Phăn tại Thanh Hóa; hỗ trợ khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hủa Phăn; xây dựng Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn...

 

Từ sau năm 1975, mối quan hệ hợp tác giữa Thanh Hóa và Hủa Phăn đã phát triển toàn diện và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và an ninh khu vực biên giới. Thanh Hóa hỗ trợ Hủa Phăn về cơ sở hạ tầng, y tế và đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tăng cường các hoạt động bảo vệ an ninh biên giới. Sự hợp tác chặt chẽ này không chỉ nâng cao đời sống nhân dân hai tỉnh mà còn củng cố tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

 

THANH HÓA - HỦA PHĂN CÙNG HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Mối quan hệ tốt đẹp giữa Thanh Hóa và Hủa Phăn là một trong những minh chứng tiêu biểu cho tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Không chỉ dừng lại ở những trang sử hào hùng trong kháng chiến, tình cảm này còn được thể hiện rõ nét trong hòa bình, qua những chương trình hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, và quốc phòng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hai tỉnh.

Thanh Hóa không chỉ là người bạn đồng hành mà còn là người láng giềng nghĩa tình, sẵn sàng san sẻ những nguồn lực quý giá và kiến thức chuyên môn để góp phần cải thiện đời sống và kinh tế cho người dân Hủa Phăn. Hủa Phăn, ngược lại, cũng luôn giữ vững tình cảm son sắt và lòng tri ân sâu sắc với Thanh Hóa, gắn bó với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ trong mọi hoàn cảnh. Từ những công trình hạ tầng, giáo dục đến các chương trình an ninh - quốc phòng, từng bước đi chung đều tạo nên sức mạnh tổng hòa, củng cố niềm tin và ý chí xây dựng một biên giới hòa bình và thịnh vượng.

Thế hệ trẻ Việt Nam và Lào tham quan triển lãm ảnh và các ấn phẩm văn hóa về quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn với chủ đề: “Thắm tình hữu nghị Việt - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn”. (Ảnh: TTXVN)

Thế hệ trẻ Việt Nam và Lào tham quan triển lãm ảnh và các ấn phẩm văn hóa về quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn với chủ đề: “Thắm tình hữu nghị Việt - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn”. (Ảnh: TTXVN)

Nhìn về tương lai, mối quan hệ Thanh Hóa - Hủa Phăn còn tiềm năng rất lớn, không chỉ trong các lĩnh vực hợp tác hiện có mà còn mở ra những cơ hội mới trong thương mại, du lịch và bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của cả hai tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mối quan hệ này chính là biểu tượng của tình hữu nghị mẫu mực, có thể làm nền tảng cho các mô hình hợp tác vùng biên giới khác, góp phần thúc đẩy giao thương, bảo tồn văn hóa và cùng nhau ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Mối quan hệ Thanh Hóa - Hủa Phăn đã, đang và sẽ tiếp tục là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết Việt - Lào, một minh chứng sống động cho sức mạnh của tình bạn không biên giới, một di sản quý báu mà các thế hệ hôm nay và mai sau cần tiếp tục giữ gìn, phát huy. Trên nền tảng đó, nhân dân hai tỉnh quyết tâm đoàn kết, sát cánh bên nhau, cùng tiến bước trên con đường xây dựng một tương lai thịnh vượng, phát triển bền vững và hòa bình cho hai nước Việt Nam - Lào, không ngừng viết tiếp trang sử mới cho tình nghĩa thủy chung son sắt này./.

TS. VŨ QUÝ TÙNG ANH
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

TS. VÕ VĂN THẬT
Trường Đại học Sài Gòn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất