Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 10/12/2015 20:36'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm




Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong quản lý, xử lý vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Đại biểu Phạm Hưng Út nêu vấn đề: các ngành cho rằng thực phẩm trong siêu thị là an toàn, nhưng không phải người dân nào cũng có điều kiện và thời gian tiếp cận. Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp rất đáng lo ngại. Chúng ta có giải giải pháp gì hay không? Cùng quan điểm này, đại biểu Từ Minh Thiện cho rằng, sở, ngành nào cũng nói có biện pháp quản lý chặt chẽ, nhưng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn đang rất đáng lo ngại! 

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 5 doanh nghiệp công bố 246 điểm bán rau quả, thực phẩm an toàn; 240 chợ bán hàng trực tiếp, 179 siêu thị và 705 cửa hàng tiện lợi. Bước đầu, Sở phối hợp với các đơn vị nhân rộng mô hình 246 điểm bán thực phẩm an toàn ra các chợ, trong khi hệ thống các chợ còn lại cũng được quận, huyện và đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ giao thanh tra Sở đẩy mạnh kiểm tra các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp thức ăn làm sẵn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Hiện nay, các đơn vị của thành phố chỉ đáp ứng khoảng 300-350 ngàn tấn rau quả, trong khi nhu cầu trên địa bàn cần khoảng 1 triệu tấn rau. Nguồn cung còn lại chủ yếu đến từ Lâm Đồng (khoảng 40% nhu cầu), khoảng 30% còn lại là ở các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Tây Ninh… Hiện các sở, ngành của thành phố đang tiếp tục liên kết để tạo thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phục vụ cho người dân. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua. Tại ba chợ đầu mối, cung ứng khoảng 70% hàng hóa thực phẩm trên địa bàn, các đơn vị đã thực hiện công tác kiểm tra nhanh các mẫu để quản lý thực phẩm an toàn; cho xây dựng các lò giết mổ tập trung để quản lý nguồn thực phẩm tốt hơn; tiến hành theo dõi các địa điểm bán hóa chất; đưa xe bán hàng, mở các cửa hàng lưu động bán hàng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp… 

Ở góc độ quản lý nguồn gốc thực phẩm, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp: tăng tần suất, quy mô lấy mẫu các cơ sở, sản xuất kinh doanh; nâng cao vai trò của Ban quản lý các chợ đầu mối, giống như Thái Lan đang làm. Ban quản lý sẽ test nhanh (kiểm tra nhanh) nếu phát hiện không đảm bảo sẽ từ chối cho nhập vào chợ, đồng thời thông báo qua hệ thống thông tin cho người dân biết. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hướng dẫn cho người dân, nhất là các hợp tác xã chuyển đổi cây trồng để tránh sâu bệnh, từ đó hạn chế phát sinh sử dụng thuốc sâu.

Về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm thừa nhận, dù đã tích cực triển khai và có những kết quả khả quan, nhưng các cấp, các ngành liên quan phải làm nhiều hơn nữa để cử tri yên tâm, hài lòng. Theo ông Lê Thanh Liêm, thành phố đã ban Chương trình phát triển sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) giai đoạn 2015- 2020, nhằm tạo nguồn cung thực phẩm an toàn trên địa bàn. Thời gian tới thành phố sẽ tập trung thực hiện chương trình phát triển sản xuất phân phối và tiêu thụ nông sản; tăng cường tuyên truyền sâu rộng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm ta, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. 

Về thực hiện chương trình chống ngập, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài những nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý, nhân lực, nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế thì có rất nhiều nguyên nhân khách quan, trực tiếp. Trong những năm gần đây, lượng mưa tăng đột biến về lượng và tần suất, tác động trực tiếp đến việc thoát nước mưa; triều cường đạt mức cao liên tục như từ năm 2011-2014 đã có tới 76 lần chạm ngưỡng 1,5 mét, thậm chí có lúc đỉnh triều đạt 1,68 mét (khi đó 50% diện tích thành phố ngập dưới đỉnh triều); sự gia tăng dân số nhanh chóng ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Trước đây, hệ thống được thiết kế theo quy chuẩn 2,5 triệu dân, mỗi đường ống tiết diện 600 – 800mm. Nhưng khi dân số đã tăng lên 4 lần như hiện nay thì hệ thống hạ tầng cơ bản chưa thay đổi, khiến khả năng thoát nước vượt quá giới hạn. 

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, lâu nay thành phố đã có các giải pháp và đã thực hiện nhưng chưa được tập trung và cũng chưa đủ sức. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để thành phố thực hiện nhiều giải pháp mang tính lâu dài như xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước sinh hoạt đô thị; xây dựng nhà máy xử lý nước thải; xây dựng các cống có van tự động ngăn triều; xây dựng hệ thống đê bao dọc các bờ sông. Tuy nhiên, các dự án này cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Hiện có khoảng 3-4 nhà tài trợ vào cùng thành phố nghiên cứ để tìm nguồn vốn cho các dự án này. Trước mắt, thành phố cũng đề ra các giải pháp tình thế trong vài ba năm tới, trước khi các dự án trên được triển khai. 

Trong phiên họp này, các đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh còn chất vấn về các giải pháp xử lý quy hoạch treo; vấn đề quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt; công tác cải cách hành chính, nhất là trong cấp giấy phép xây dựng; tình hình quản lý an toàn, trật tự xã hội, xử lý tội phạm; giải pháp chống ùn tắc, kẹt xe; tình hình cờ bạc trá hình dưới hình thức game (trò chơi) bắn cá, nhất là ở khu vực ngoại thành…/. 

Vũ Tiến Lực/TTXVN
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất