TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất 180 dự án trong giai đoạn 2015-2018 với tổng diện tích hơn 1.000 ha; trước đó, thành phố cũng đã thu hồi 547 dự án với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Động thái này cho thấy tinh thần kiên quyết của chính quyền thành phố đối với các dự án thiếu khả thi, lãng phí tài nguyên đất, gây bức xúc cho xã hội.
Thu hồi nhiều dự án quy mô lớn
Trong danh sách 180 dự án không triển khai thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đề xuất thu hồi có tám dự án thuộc quận 1. Trong đó, một dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất của năm 2015 và một dự án thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2017, còn lại sáu dự án đều thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2016.
Ðáng chú ý nhất trong số này phải kể đến dự án khu tam giác Trần Hưng Ðạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Ðây là dự án có vị trí trung tâm, nằm sát Công viên 23-9 và chợ Bến Thành. Dự án có diện tích 13 nghìn m2 với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD. Theo chủ trương, khu đất này được xây một công trình thương mại, dịch vụ cao khoảng 55 tầng, không có chức năng căn hộ ở. Năm 2007, liên doanh Thái Sơn gồm Công ty Thái Sơn - BIDV - BIDV Land - Chí Thành - Ánh Dương - Hanwha E&C - Hanshin E&C và Hanwha Galleria trúng thầu dự án nêu trên, nhưng một thời gian sau đã xin rút khỏi dự án. Kế đến, dự án được giao lại cho liên danh Jimiro (Hàn Quốc) - Công ty Ðại Tân Phú làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì khó khăn về tài chính cho nên liên danh này cũng không triển khai xây dựng.
Nằm chung số phận là dự án Trung tâm thương mại - mua sắm và cao ốc văn phòng tại số 164 Ðồng Khởi (phường Bến Nghé, quận 1). Khu đất dự án rộng 0,98 ha, giáp với các đường Nguyễn Du, Ðồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Ðại Nghĩa. Theo quy hoạch, khu đất 164 Ðồng Khởi dự kiến sẽ xây dựng khu thương mại, dịch vụ, văn hóa như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày triển lãm (không có chức năng căn hộ kinh doanh). Tổng mức đầu tư là 7.168 tỷ đồng, trong đó, riêng tiền giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời đã gần 3.800 tỷ đồng, tiền xây dựng công trình là hơn 3.400 tỷ đồng. Trong nhiều năm qua, không ít nhà đầu tư lớn muốn phát triển dự án tại đây nhưng kết quả vẫn chưa đi đến đâu. Năm 2009, khu đất này thu hút gần 70 doanh nghiệp xin tham gia đầu tư và thành phố đã chọn Liên danh Hongkong Land và Sumitomo Realty & Development. Tuy nhiên, đến năm 2015, liên danh này đã rút lui do không thống nhất được với thành phố về giá đất và thời gian đền bù giải tỏa đất.
Một dự án quy mô khác chậm triển khai hơn 10 năm bị thu hồi là dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm Trống Ðồng tại khu vực Công viên Tao Ðàn. Dự án này có diện tích đất 0,54 ha thuộc phường Bến Thành (quận 1), chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Ðông Dương, mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Sau một vài vướng mắc và điều chỉnh thiết kế (do một phần dự án nằm trong vùng kiểm soát xây dựng của tuyến metro số 2), Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và đại diện doanh nghiệp từng khẳng định với báo chí về việc sẽ khởi công dự án vào khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã chính thức bị thu hồi.
Trả lại quyền lợi cho dân
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, việc thu hồi 180 dự án là dựa vào kết quả rà soát 2.822 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến năm 2018. Kết quả cho thấy, 598 dự án đã thực hiện xong với tổng diện tích 1.063 ha, đang thực hiện là 1.541 dự án, đưa 180 dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất nêu trên. Ðối với các dự án bị thu hồi, thành phố đã làm việc nhiều lần với các quận, huyện, chủ đầu tư để xem xét những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến dự án bị chậm trễ, trên cơ sở đó mới có quyết định cuối cùng. Ông Thắng cho biết, ở đợt rà soát hơn 1.200 dự án lần trước, thành phố cũng đã thu hồi 547 dự án nhằm khôi phục lại các quyền cho người dân. Nguyên nhân các dự án chậm triển khai là do dự án đưa ra đấu thầu nhưng không chọn được nhà đầu tư; chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện khiến dự án kéo dài, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội; thay đổi quy hoạch dẫn đến dự án không thể triển khai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài…
Trả lời câu hỏi vì sao TP Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều dự án "treo" hàng chục năm, ảnh hưởng quyền lợi của người dân (như dự án Bình Quới - Thanh Ða quy hoạch 28 năm; khu đô thị Sing - Việt quy hoạch 15 năm) nhưng vẫn không nằm trong diện bị thu hồi lần này, ông Thắng cho rằng, khi "xóa" hay để một dự án phải xem xét nhiều góc độ, tham khảo ý kiến từ quận, huyện, kiểm tra năng lực chủ đầu tư. Cụ thể như dự án Sing - Việt, các sở, ngành liên quan đã làm việc với chủ đầu tư để họ chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường về cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và UBND huyện Bình Chánh để bồi thường cho số hộ dân còn lại. Tức là phải xem xét từ nhận định của địa phương, nguồn lực của chủ đầu tư và nhiều nội dung liên quan để giữ lại dự án. Hay dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư rà soát, thực hiện một số thủ tục theo quy định để đưa dự án ra đấu thầu, chọn nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất. Ðể bảo đảm quyền lợi cho người dân, UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giao UBND các quận, huyện rà soát các dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở cấp huyện, khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, thu hồi nếu không triển khai đúng kế hoạch./.
Theo nhandan.com.vn