Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 15/6/2017 15:8'(GMT+7)

Tháo điểm nghẽn, khơi dậy tiềm năng phát triển

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Như thế có thể thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức rất lớn, trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tăng trưởng bằng khai thác chất xám, trí tuệ con người, chứ không phải dựa vào khai thác tài nguyên là chính, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng chứ không chỉ cố đạt được con số tuyệt đối. Thường thì trong các giai đoạn tái cơ cấu, các nền kinh tế chưa thể tăng tốc ngay.

Phân tích như thế để thấy rằng, muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017 này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả quốc gia, phải tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, khơi dậy các tiềm năng phát triển. Điểm nghẽn của nền kinh tế những tháng đầu năm là gì? Đó là việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn quá chậm, khi đã hết nửa năm mà còn tới 20/44 bộ, ngành và 4/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Vốn đầu tư còn chưa được đưa ra thì tốc độ phát triển kinh tế bị ảnh hưởng là tất yếu. Cùng với đó, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ. Một số dự án đầu tư nước ngoài được triển khai chậm hơn so với dự kiến, gặp những khó khăn khách quan trong hoạt động...

Có rất nhiều nguyên nhân "hình thành" những điểm nghẽn phát triển. Nhưng tựu trung là do năng lực và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của hệ thống quản trị cấp cơ sở còn có những vấn đề. Ví như, nguyên nhân chủ quan của việc vốn đầu tư công giải ngân chậm được chỉ ra là do: Giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, địa phương, ban quản lý dự án còn thụ động, thiếu quyết liệt, khẩn trương... Để khắc phục yếu kém này cần có những giải pháp điều hành quyết liệt; cương quyết xử lý người đứng đầu bộ, ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện nay, đất nước còn tiềm năng phát triển lớn từ việc thu hút vốn đầu tư, trí tuệ của toàn xã hội vào công cuộc xây dựng kinh tế. Trong 5 tháng vừa qua, có 50.534 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 485.634 tỷ đồng (tăng 13% về số doanh nghiệp và 39% về số vốn so với cùng kỳ); trong đó, 13.548 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động, nay đã hoạt động trở lại. Cũng trong 5 tháng vừa qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký ước đạt 12,13 tỷ USD (tăng 10,4% so với cùng kỳ), vốn FDI thực hiện ước đạt 6,15 tỷ USD (tăng 6% so với cùng kỳ). Đây là những tín hiệu tốt, chứng tỏ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ đã mang lại hiệu quả.

Lý thuyết và kinh nghiệm thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia có xuất phát điểm thấp đều chung một điểm là muốn tăng tốc cần phải ổn định hóa cơ chế, chính sách; thông minh hóa, đơn giản hóa hệ thống quản lý hành chính, các thủ tục hành chính bằng cách áp dụng quản lý điện tử, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm... Quan điểm quản lý đó sẽ làm giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và doanh nghiệp với cán bộ, công chức, giảm các giấy phép con, giảm xin-cho. Người dân và doanh nghiệp có thoải mái, không lo lắng về những rủi ro khó đoán của việc thay đổi cơ chế, chính sách; không bức xúc, không gặp trở ngại vì những biểu hiện tham nhũng, trong đó có cả tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất thì mới yên tâm đầu tư vốn, chất xám để làm ăn, mới mang lại nhiều nguồn lực tăng trưởng cho đất nước./.

Hồ Quang Phương (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất