Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 2/10/2019 13:44'(GMT+7)

Tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tin dụng các ngành kinh tế (NHNN) . Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tin dụng các ngành kinh tế (NHNN) . Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Tại cuộc họp báo Quý III/2019 của NHNN, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thời gian qua ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, ngành ngân hàng đã tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay thu mua lúa gạo cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vụ lúa Đông Xuân năm 2019, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.

Các TCTD cấp hạn mức tín dụng hơn 24.000 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay gần 17.000 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua gần 2,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân. Các ngân hàng đang tiếp tục bám sát diễn biến vụ lúa Hè Thu để đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa cho bà con nông dân.

NHNN cũng kịp thời chỉ đạo các TCTD nắm sát khó khăn của khách hàng bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố các biện pháp xử lý nợ vay theo quy định tại Nghị định 55, 116 của Chính phủ.

Đến nay, các TCTD đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại với số tiền 816 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 424 tỷ đồng, miễn, giảm lãi vay 143 tỷ đồng; cho vay mới: 226 tỷ đồng.

NHNN cũng đã chủ động đề nghị làm việc với UBND tỉnh Gia Lai để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài năm 2018, đồng thời đề nghị UBND tỉnh cần công bố mức độ thiên tai làm cơ sở để các TCTD thực hiện các thủ tục xử lý nợ theo quy định...

Bên cạnh tín dụng nông nghiệp, việc đầu tư vốn cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng được quan tâm, theo Thống kê của NHNN, tính đến ngày 24/9, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán được tăng cường kiểm soát./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất