(TG) - Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2013) đã góp phần quan trọng đơn giản hóa thủ tục thuế theo hướng minh bạch, giảm chi phí và thời gian cho người nộp thuế (doanh nghiệp)... Song, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện chính sách thuế vẫn cần thiết thực hơn.
Lợi ích từ việc triển khai Luật Quản lý thuế sửa đổi có thể thấy rõ với doanh nghiệp là tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng đã giảm từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm với người nộp thuế quy mô nhỏ và vừa; thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đã được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; giảm các thủ tục hành chính trong hồ sơ đề nghị xóa nợ đối với doanh nghiệp tuyên bố phá sản; một số quy định về gia hạn nộp thuế đã được bổ sung phù hợp với thực tiễn...
Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ý kiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn chưa thiết thực. Chẳng hạn, khi áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mặc dù có số lao động trên 30 (tức là không thuộc tiêu chí doanh nghiệp nhỏ), nhưng doanh thu hàng năm của họ lại thấp hơn mức 20 tỷ đồng/năm (mức tiêu chí là doanh nghiệp nhỏ) mà vẫn không được hưởng ưu đãi thuế.
Cơ quan thuế khi xác định các khoản phải thu đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tính toán, phân chia rõ ràng, minh bạch cho từng loại đất (văn phòng, trang trại, ao hồ...). Điều này dễ dẫn đến tình trạng đánh đồng các loại đất và thu thuế ở mức cao.
Việc ân hạn thuế cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lúc khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp lại cho rằng, nên xem xét tăng cơ hội miễn và giảm thuế, vì cho dù được giãn thời gian nộp thuế thì bản thân doanh nghiệp vẫn phải tăng chi phí cho việc theo dõi khoản thuế được giãn và tăng gánh nặng tài chính của kỳ nộp thuế sau. Vấn đề truy thu thuế trong một số trường hợp vẫn có sự áp thuế theo cảm tính.
Doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế nên thiết thực hơn nhằm tới những doanh nghiệp khó khăn về tài chính, không nên căn cứ vào số lượng lao động ít theo tiếu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khi hoàn thuế, cơ quan thuế nên phân loại doanh nghiệp có truyền thống chấp hành chính sách, pháp luật về thuế tốt thì tạo điều kiện thuận lợi trong khi kiểm tra và xét hoàn thuế; ngành thuế cần tăng cường tuyên truyền và công bố thông tin về các doanh nghiệp đã mua hóa đơn không hợp pháp trên thị trường để cộng đồng doanh nghiệp nắm rõ, tránh trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn này sau khi được hoàn thuế thì bị truy thu ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nộp thuế và hoàn thuế cần tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, đẩy mạnh áp dụng các hình thức khai và triển khai nộp thuế qua mạng; sử dụng dịch vụ tư vấn, khai và nộp thuế… để tránh tiêu cực phát sinh từ quá trình khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Việc triển khai thực hiện các thay đổi về chính sách thuế cần tuân thủ theo lộ trình chặt chẽ, đẩy đủ và thông tin rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp để họ nắm vững và dự phòng các phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.../.
Lan Ngọc