Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 2/11/2022 8:23'(GMT+7)

Thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội

Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Dự án Luật gồm 7 chương, 80 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Đồng thời, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực... của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật có 8 chương và 57 điều.

Trong phiên làm việc chiều 2/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Một trong những điểm mới, đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết là bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường. Theo đó, Quốc hội xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của các chủ thể được quy định tại Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp bất thường, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua.

Việc ghi nhận nội dung này trong Nội quy kỳ họp Quốc hội là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội 2 năm vừa qua trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và cũng tạo cơ sở cho việc chuyển dần hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sang thường xuyên hơn, trong khi số lượng ngày họp thực tế không tăng lên nhiều, kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thực tiễn đặt ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất