(TG)-Ngày 16/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh
Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận
tổ chức hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, phân bổ số
lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh
nhiệm kỳ 2016-2021.
* Tại Thái Nguyên, các đại biểu đã nhất trí với cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tỉnh Thái Nguyên là 7 người, trong đó số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3 người, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4 người. Trong số 4 đại biểu làm việc tại tỉnh dự kiến có 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt, 1 đại biểu chuyên trách và 2 đại biểu thuộc các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa - nghệ thuật, lao động - thương binh và xã hội. Về cơ cấu kết hợp dự kiến có 1 đại biểu nữ, 2 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu 25 đại biểu và dự kiến số lượng người trong danh sách hiệp thương lần thứ 3 còn ít nhất 13 đại biểu.
Đối với số lượng đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, các đại biểu đã biểu quyết nhất trí số lượng người ứng cử hiệp thương lần thứ nhất là 75 đại biểu. Những người được giới thiệu phải có trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh để đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong tỉnh, việc giới thiệu đại biểu ứng cử phải dựa trên tiêu chí dân chủ và bình đẳng.
* Theo dự kiến phân bổ số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ninh Bình có 6 đại biểu được bầu. Trong đó, có 2 đại biểu Trung ương giới thiệu, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Hội nghị đã thống nhất số lượng ứng viên bầu Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Bình sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm 12 người.
Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh trình bày dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh của tổ chức chính trị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp. Đối với bầu cử HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016- 2021, theo quy định, tỉnh Ninh Bình sẽ bầu 50 đại biểu chính thức. Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giới thiệu dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu HĐND tỉnh gồm 97 người thuộc các khối: Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, UBND tỉnh, lực lượng vũ trang, cán bộ chủ chốt các huyện, thành phố, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các thành phần khác.
* Nhất trí với số lượng, thành phần, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XIV được bầu tại tỉnh Quảng Nam và số lượng, thành phần, cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu thống nhất quan điểm người được giới thiệu ứng cử, tự ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trên cơ sở số lượng được bầu là 60 đại biểu đối với đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và 8 đại biểu Quốc hội khóa XIV, hội nghị đã thống nhất phương án giới thiệu 120 người ứng cử đại biểu HĐND và 14 người ứng cử đại biểu Quốc hội được phân bổ theo cơ cấu hợp lý với các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế.
Hội nghị cũng thảo luận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
* Theo phân bổ của Trung ương, tỉnh Đắk Nông có 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương và 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận và thống nhất giới thiệu 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; trong đó, đại biểu địa phương 10 người và đại biểu Trung ương 2 người.
Hội nghị đã nghe Đề án của HĐND tỉnh Đắk Nông về số lượng, cơ cấu thành phần và phân bổ đại biểu HĐND tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các đại biểu đã thảo luận về dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh của các tổ chức chính trị, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước cấp tỉnh và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp. Theo đó, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ có 53 đại biểu. Về cơ cấu, khối nhà nước tỉnh Đắk Nông có 27 đại biểu, ngoài ra chú trọng các đại biểu người đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ dân số đông như: M'Nông, Nùng, Mạ... với tỷ lệ 19,2% và khối đại biểu trẻ tuổi gần 10%. Các đại biểu đã thảo luận và thống nhất giới thiệu 89 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
* Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các đại biểu đã được nghe phổ biến những điểm mới của Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân; thảo luận kỹ lưỡng về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV trên địa bàn tỉnh cũng như số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, đồng thời, biểu quyết thông qua các nội dung đã hiệp thương.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 6, trong đó, số đại biểu cư trú và làm làm việc tại địa phương là 4 và 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Căn cứ trên tổng số đại biểu Quốc hội được bầu, tỉnh sẽ tổ chức 2 đơn vị bầu cử Đại biểu Quốc hội.
Đối với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI, căn cứ theo dân số, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 51 đại biểu HĐND. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tổ chức 11 đơn vị bầu cử (trong đó, 7 đơn vị bầu cử 5 đại biểu và 4 đơn vị bầu cử 4 đại biểu) và dự kiến sẽ có 84 người ứng cử.
Theo cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ có ít nhất 35% ứng cử là nữ, có tỉ lệ 10% người ngoài Đảng, và số ứng cử viên dưới 35 tuổi đạt từ 15% trở lên và có số lượng người dân tộc thiểu số ngang bằng trở lên so với nhiệm kỳ 2011-2016.
* Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Thuận đã họp phiên họp thứ nhất triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Thuận đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Ủy ban bầu cử và thông qua dự kiến số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị bầu cử.
Từ nay đến ngày 31/3, tỉnh Bình Thuận tiến hành tổ chức Hội nghị hiệp thương về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử; tiếp nhận hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đúng luật định. Đồng thời khẩn trương rà soát các điều kiện, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác bầu cử./.
TG tổng hợp