Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 28/5/2012 23:2'(GMT+7)

Thảo luận về Luật Giá và đề án đổi mới Quốc hội

Nhiều luật nhưng thiếu văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Ảnh: MH

Nhiều luật nhưng thiếu văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Ảnh: MH

 

Bình ổn giá như thế nào?

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá đã nêu rõ một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật, bao gồm: đối tượng áp dụng; thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá; bình ổn giá thị trường; việc xác định mức độ biến động bất thường; đăng ký giá...

Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh được quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ: giá trong đấu thầu; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất; lãi suất tín dụng; tỷ giá hối đoái... có điều chỉnh trong Luật Giá hay không?

Liên quan tới danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn; thóc, gạo tẻ thường…, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), những mặt hàng quy định này chỉ mang tính chủ quan, chưa làm rõ tính quy phạm pháp luật khi đưa ra danh mục này và yêu cầu cần rà soát lại. Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) đề nghị thêm vào danh mục bình ổn giá mặt hàng dầu thô; đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng nên bỏ mặt hàng sữa ra khỏi danh mục.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định trong danh mục là quá rộng, dẫn đến nhiều hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải bình ổn giá, ảnh hưởng đến quy luật cung cầu.

Liên quan đến lập quỹ bình ổn giá, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và nhiều ý kiến khác cho rằng, việc lập quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng trong luật không nêu điều kiện cụ thể để được bình ổn; việc trích lập quỹ cũng không rõ ràng, khi nào cần thiết thành lập quỹ và phải ghi rõ mục đích sử dụng quỹ, nguồn hình thành, cơ chế quản lý quỹ…

Về trường hợp thực hiện bình ổn giá vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, cần bình ổn giá ngay trong điều kiện bình thường, không chỉ khi giá có biến động bất thường. Ý kiến khác đề nghị quy định việc bình ổn giá trong trường hợp giá giảm. Nhưng nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng cần tôn trọng quan hệ cung cầu và quy luật thị trường.

Thêm nữa, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị để bảo đảm tính khách quan cho các bên liên quan trong việc thực hiện bình ổn giá thì nên quy định trong luật thành lập Hội đồng tư vấn giá. Đồng thời, trong luật cũng cần phải quy định rõ khi giao cho cơ quan áp dụng thực hiện biện pháp bình ổn giá phải có quy định mức trần thời gian.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (TP Hòa Bình) cho rằng, việc đăng ký giá quy định trong luật còn mang tính xin cho, nặng về thủ tục hành chính. Hơn nữa, biện pháp “đăng ký giá” thể hiện sự can thiệp sâu của nhà nước làm ảnh hưởng tới quyền chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị để tránh mệnh lệnh hành chính và cơ chế xin cho thì nên đơn giản hóa thủ tục hành chính về việc đăng ký giá.

Muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hôi, trước tiên phải đổi mới các khâu trong cả hệ thống

Chiều 28/5, tại phiên thảo luận tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hôi, trước tiên phải đổi mới các khâu trong cả hệ thống.

“Dự án luật không phải chỉ đưa vào chương trình cho có”

Đại biểu Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An) nhấn manh, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì, thẩm tra các dự án luật. Bởi lẽ, thời gian qua, công tác soạn thảo và thẩm tra còn hạn chế, nhiều dự án luật chậm trễ, chuẩn bị chưa thực sự tốt nên khi đưa ra Quốc hội, chất lượng chưa cao.

Đại biểu cho biết, ngay tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 lần này, báo cáo giải trình tiếp thu sửa đổi dự án luật Luật Công đoàn gửi đến đại biểu chậm, không đảm bảo thời gian nghiên cứu. Hay như dự án Luật GDDH, đến mùng 8/5 mới gửi đại biểu, trong khi ngày 21/5 là khai mạc kỳ họp nên khó nhóm họp để nghiên cứu, đề xuất ý kiến.

Liên quan đến các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến về các dự án luật, đại biểu Phạm Văn Tấn cho rằng, khi ủy ban của Quốc hội gửi báo cáo đến các đoàn đại biểu, đại biểu cần gửi kèm thống kê các ý kiến để các đại biểu biết ý kiến nào được tiếp thu sửa đổi, ý kiến nào chưa, hay đã được tiếp thu nhưng không giải trình.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến cho rằng, các Ủy ban của Quốc hội phải tích cực, chủ động, thường xuyên giám sát chuyên đề. Các ủy ban phải thành “chành công xưởng thực sự của Quốc hội, chế tác ra những sản phẩm mà Quốc hội chỉ cần láp ráp”.

Về giám sát lập pháp, đại biểu nhấn mạnh, ban soạn thảo cần đảm bảo thời gian cung cấp tài liệu để các Ủy ban thẩm tra. “Có những dự án luật quá hạn cả tháng mà cơ quan soạn thảo chưa trình ra. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của việc chậm trễ này”, đại biểu nêu ý kiến.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, hầu hết các dự án luật đều do cơ quan của Chính phủ trình Quốc hội. do đó, để nâng cao chất lượng, trước hết phải điều chỉnh ở Chính phủ.

“Cần tránh tâm lý cứ đưa vào chương trình các dự án luật, còn tiến độ và chất lượng tính sau. Quốc hội phải cương quyết trong vấn đề này, và cần bổ sung trách nhiệm của Chính phủ khi không thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về xây dựng dự án luật, pháp lệnh”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy lấy ví dụ, việc thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là yêu cầu bức thiết của thực tế hiện nay, vì 70% các vụ khiếu kiện thuộc lĩnh vực này. Nhưng vì nhiều lý do, dự án luật này lại kỳ họp sau.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, Quốc hội cần quyết tâm sớm đưa luật sửa đổi này vào thực tiễn, và phải xác định, việc lùi việc thông qua lần này là lần cuối cùng.

Đại biểu này cho biết, một số đề án thiết tha đề nghị đưa vào chương trình nhưng sau đó lại xin rút ra. Hay sau khi chương trình được thông qua, việc thành lập các ban soạn thảo ở các tổ chậm, cơ cấu ban soạn thảo cũng chưa thật sự hợp lý nên ảnh hưởng đến chất lượng của dự án luật, đề án trình Quốc hội.

Phải giám sát hậu chất vấn

Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, điều mà đại biểu Quốc hội cũng như cử tri quan tâm là hậu chất vấn. Do đó, việc đổi mới hoạt động Quốc hội cũng phải tạo cơ chế đảm bảo thông tin về việc thực hiện lời hứa sau khi trả lời chất vấn.

Việc cung cấp thông tin không phải chỉ là giám sát Chính phủ và thành viên Chính phủ mà còn là kênh thông tin tuyên truyền để người dân, cử tri hiểu và đồng thuận với điều hành của Chính phủ”, đại biểu nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An), cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của mặt trận các tỉnh trong tiếp xúc cử tri, các tổng hợp báo cáo kiến nghị của cử tri cần đồng bộ, tránh sự lệch pha. Cùng với đó là trách nhiệm tham gia của chính quyền các cấp, các ngành về tiếp thu kiến nghị và xử lý vấn đề được kiến nghị tại địa bàn.

Ngoài ra, theo đại biểu, việc tiếp dân, xử lý đơn thư kiến nghị của công dân phải làm thường xuyên, nếu không sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng đề xuất tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Gắn nội dung tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; bảo đảm để đại biểu Quốc hội trực tiếp gặp gỡ với cử tri; hạn chế thủ tục hành chính; Tăng cường tiếp xúc trực tiếp; phân định trách nhiệm giải quyết kiến nghị của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức; thông báo công khai, kịp thời kết quả tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Có kế hoạch theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri, bảo đảm để mọi kiến nghị của cử tri dù được giải quyết hay chưa được giải quyết đều được trả lời công khai, đúng thời hạn luật định.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phải nâng cao các điều kiện đảm bảo hoạt động của Quốc hội, đại biểu và đoàn đại biểu. Có ý kiến đề xuất đại biểu chuyên trách nên có ít nhất một thư ký giúp việc

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất