Chủ Nhật, 29/9/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 18/10/2008 6:14'(GMT+7)

Thể thao trong nước tuần qua

Cổ động viên Việt Nam đầy nhiệt huyết

Cổ động viên Việt Nam đầy nhiệt huyết

Giải VĐ bóng đá nữ ĐNÁ 2008:

"Đè bẹp" Malaysia, VN vào bán kết ấn tượng

Nhấn chìm Malaysia bằng 11 bàn trong chiều 12/10, cũng là trận thắng thứ 3 liên tiếp tại giải, cầm chắc ngôi đầu bảng A, tuyển nữ VN giành vé bán kết đầy thuyết phục và ấn tượng.

Đội chủ nhà Việt Nam đã thể hiện quyết tâm "đè bẹp" đối thủ ngay từ đầu khi tung ra đội hình mạnh nhất của mình với 10 cầu thủ đã góp mặt ở trận đấu đầu tiên gặp Myanmar. Người duy nhất không xuất trận là Ngọc Anh được thay thế bằng Huyền Linh.

Quyết tâm đó, cùng với sự yếu kém của đối thủ đã giúp cho các cầu thủ của HLV Trần Vân Phát ngay lập tức chơi lấn lướt hoàn toàn, và chỉ tới phút 13 những ưu thế đó đã được chuyển hoá bằng bàn mở tỉ số của Ngọc Châm.

Ngọc Châm mở tỉ số cho cơn mưa
bàn thắng của ĐTVN trước Malaysia

Có được bàn thắng, các cầu thủ chủ nhà chơi khá thoải mái và tạo được khá nhiều áp lực về phía cầu môn của nữ Malaysia, tuy nhiên những cơ hội được tạo ra đều bị bỏ lỡ khá đáng tiếc.

Phải đến phút 36, đến lượt Tuyết Mai lập công, và ít phút sau cầu thủ Rozeinie của đội khách đá phản lưới nhà thì cơn mưa bàn thắng thực sự đến với nữ VN khi kết thúc hiệp đấu thứ nhất, đội có thêm 2 bàn thắng nữa do công của Tuyết Mai và Văn Thị Thanh.

Có vốn 5 bàn thắng, nhưng điều đó vẫn chưa khiến đội chủ nhà hài lòng, và với 2 pha lập công liên tiếp ở các phút 58 và 67 Lê Thị Thương đã "kích" các đồng đội khai nòng ở hiệp đấu thứ nhì.

Liên tục trong các phút 70, 76, 82 và 89 lần lượt Tuyết Mai (2 bàn), Ngọc Châm, Minh Nguyệt làm tung lưới đối phương để ấn định chiến thắng đậm đà 11-0 cho đội nhà trong cuộc nghênh tiếp Malaysia.

Giành trận thắng thứ 3 liên tiếp các cầu thủ của HLV Trần Vân Phát đã chính thức đoạt vé vào bán kết, đồng thời bảo vệ được ngôi đầu bảng của mình, bất chấp ở trận đấu trước đó Myanmar cũng đã đè bẹp Lào với tỉ số 7-0.

Đội hình ra quân của tuyển nữ VN: Thủ môn Kiều Trinh, Mai Lan, Nguyễn Thị Nga, Đào Thị Miện (đội trưởng), Ngọc Châm, Tuyết Mai, Huyền Linh, Lê Thị Thương, Minh Nguyệt, Văn Thị Thanh, Kim Hồng

Bảng xếp hạng tạm thời bảng A: 1.Việt Nam (3 trận, 9đ, hiệu số 18/1); 2. Myanmar (3 trận, 6đ, hiệu số 15/3); 3. Lào (2 trận, 3đ, hiệu số 1/7); 4. Indonesia (2 trận, 0đ, hiệu số 0-5); 5. Malaysia (2 trận, 0đ, hiệu số 0/18).

Gặp Singapore:

Tuyển VN hết thua nhưng chưa thắng!

Tối 14/10, trên sân Mỹ Đình, dù không ghi bàn vào lưới Singapore và cũng chưa được hưởng mùi chiến thắng, nhưng tuyển VN dưới thời Calisto ở trận thứ 7 chơi có nét hơn so với giải đấu tham dự trước đó.

Đội hình xuất phát của tuyển VN

Chuỗi thất bại chính thức khép lại với ĐTVN ở con số 6. Trước nhà ĐKVĐ AFF Cup, và cả bới sức ép từ dư luận, tuyển VN nhập cuộc một cách thận trọng, chắc chắn với đội hình có những xáo trộn. Hai cầu thủ được gọi bổ sung là Quang Cường và Việt Cường có mặt ngay từ đầu ở hàng thủ và tuyến giữa, trong khi Hồng Sơn cũng trở lại thế chỗ thủ thành Santos.

Điều quan trọng hơn cả, Việt Nam triển khai được lối chơi theo ý đồ, tổ chức chặt chẽ trên phần sân nhà và chờ cơ hội để thực hiện những miếng đánh biên. Dù vậy, với khả năng chơi bóng bổng rất tốt của Singapore cũng như các pha dứt điểm từ xa, khán giả VN cũng đã trải qua những tình huống thót tim. Rất may, hoặc đội bạn kết thúc chưa được chính xác, hoặc nhờ thủ môn Dương Hồng Sơn phản xạ xuất sắc cùng pha phá bóng kịp thời của Minh Đức...

Đội trưởng Công Vinh và các chân
sút có một tối thi đấu kém duyên

Người hâm mộ có mặt tại sân Mỹ Đình đã không được chứng kiến bàn thắng nào, một phần đáng kể do sự xuất sắc của thủ môn đôi bên.

Cho đến lúc này, sau 7 trận, tuyển VN thời ông Calisto chưa biết thắng, thế nhưng hòa vẫn hơn là thất bại và quan trọng hơn, từ trận Singapore, người Việt Nam phần nào yên tâm hơn.

ĐT Việt Nam thi đấu thất vọng, ông “Tô” mong người hâm mộ bình tĩnh

Chấm dứt mạch thua, đó là cái được lớn nhất của ĐT Việt Nam sau trận hòa với Singapore. Nhưng trên khán đài sân Mỹ Đình người hâm mộ vẫn chưa hài lòng, chắc hẳn ông Calisto không thể vui trước thực tế CĐV bắt đầu quay lưng với đội tuyển.

ĐT Việt Nam chưa cải thiện 
hình ảnh với người hâm mộ

ĐT Việt Nam hòa, nhưng không phải vì các tuyển thủ đã duy trì được thế trận ngang ngửa với Singapore. 1 ngày sau trận hòa Singapore, nhiều người hâm mộ có chung nhận định: ĐT Việt Nam hòa là quá may mắn, nếu không có tài cản phá xuất sắc của thủ môn Dương Hồng Sơn có thể chuỗi trận thua đã kéo dài lên con số 7 rồi…

Những ý kiến của người hâm mộ có thể khiến cho HLV Calisto không vui, nhưng đó là nhận xét có cơ sở. Công bằng nhìn nhận, những thay đổi về con người trong đội hình xuất phát đã giúp cho ĐT Việt Nam thể hiện được nhiều nét tiến bộ hơn so với giải TPHCM. Các đường tấn công của ĐT Việt Nam xuất hiện nhiều hơn, khả năng bọc lót cũng dần được nâng lên…

Nhưng tất cả những điều mới ấy không đủ mang đến cho ĐT Việt Nam một thế trận cân bằng với Singapoe. Những cơ hội ăn bàn rõ ràng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhờ những cú sút bất ngờ sau những phút lóe sáng cá nhân của Tấn Tài, Thành Lương, hay Công Vinh mà thôi.

Và một điều nữa rất dễ nhận thấy, sự tự tin của các tuyển thủ cũng đã vơi đi phần nhiều trong cuộc đối đầu với Singapore. Nhìn lại cả trận, ĐT Việt Nam luôn bố trí một đội hình rất thấp, theo như giải thích của ông Calisto “các tuyển thủ đã thực hiện đúng yêu cầu đảm bảo yếu tố chắc chắn trên phần sân nhà…”. Nhưng nhìn màn trình diễn e dè của các tuyển thủ, nhiều khán giả đã tỏ rõ thái độ chán nản với lối chơi của ĐT Việt Nam, dù các tuyển thủ đã giải được “hạn thua”.

ĐT Việt Nam đang "mất điểm" trong mắt CĐV

ĐT Việt Nam đã đạt được thành tích đầu tay là một trận hòa, không bị thủng lưới thêm bàn nào. Tuy nhiên, cú hích tinh thần đó chỉ dành riêng cho HLV Calisto và các cầu thủ mà thôi, còn không đủ lấy lại niềm tin từ người hâm mộ.

Lượng khán giả xuất hiện trên sân không phải lúc nào cũng là thước đó đúng và đủ về niềm tin người hâm mộ dành cho ĐT Việt Nam. Nhưng khi CĐV đến sân quá ít, đó cũng là con số đáng báo động cho ĐT Việt Nam. Ở trận hòa Singapore chỉ có chưa đầy 4000 khán giả có mặt trên sân, một con số thuộc dạng thấp kỷ lục kể từ khi ĐT Việt Nam thi đấu trên sân Mỹ Đình.

Nó tương phản với không khí sục sôi đến từ hơn 4 vạn khán giả khi ĐT Việt Nam thi đấu ở Asian Cup 2007, những trận đối đầu với Thái Lan, hay các giải đấu giao hữu diễn ra trước đó.

Chỉ có chưa đầy 4000 CĐV, nhưng khi kết thúc trận đấu, HLV Calisto và các cầu thủ vẫn phải đón nhận đủ lời chỉ trích. Nhưng chẳng ai có thể ép buộc khán giả phải ủng hộ cuồng nhiệt, khi ĐT Việt Nam thể hiện một lối chơi bế tắc và kém thuyết phục.

Kết quả hòa Singapore giúp cho HLV Calisto giảm được chút áp lực, nhưng nhìn cảnh sân Mỹ Đình “lạnh ngắt” tối ngày 14/10, ông Calisto đã phải thừa nhận một thực tế buồn. Trước khi bước vào buổi tập chiều qua, ông thầy người Bồ Đào Nha cho biết:

“Tôi hiểu sự ủng hộ của người hâm mộ cho ĐT Việt Nam đang ít dần, tôi rất hiểu nỗi thất vọng và những điều không hạnh phúc mà người hâm mộ đã phải trải qua. Người hâm mộ chờ đợi một kết quả tốt, nhưng thành tích của ĐT Việt Nam vừa qua lại không tốt cho lắm. Nhưng tôi muốn nói rõ, đó không phải là mục tiêu chính. Đích phấn đấu vẫn là AFF Cup, sắp tới có thêm thời gian chắc chắn lối chơi sẽ được cải thiện….”.

Cái đích cuối cùng mà ông Calisto đúng là sân chơi AFF Cup, nhưng có một sự thật bất di bất dịch: Muốn người hâm mộ quay lại ủng hộ, trước hết ĐT Việt Nam phải thể hiện được một lối chơi thuyết phục ở giải T&T Cup diễn ra vào cuối tháng 10. Như ông Chủ tịch hội đồng HLVQG đã từng phát biểu, “Phải có gì đó để người ta tin tưởng”.

T&T Cup chính là cơ hội cuối cho ông Calisto và các tuyển thủ lấy lại niềm tin, bằng không thật khó để thuyết phục người hâm mộ kiên nhẫn chờ đến AFF Cup!

Hội nghị BCH LĐBĐVN:

BĐVN: Không "tiến" sẽ thành "cá biệt"

Sáng 14/10, LĐBĐVN đã tổ chức hội nghị BCH lần thứ 7, khoá V với nội dung chính là đưa bóng đá VN tiến lên chuyên nghiệp theo đúng đòi hỏi của AFC.

Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ những yêu cầu từ phía AFC chính là điều kiện để bóng đá Việt Nam hội nhập cùng tiến trình chuyên nghiệp hoá bóng đá châu Á. Tuy nhiên, nếu nhìn từ tình trạng bóng đá Việt Nam hiện nay thì thực hiện yêu cầu đó là vô cùng khó khăn.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định: "2009 là năm cuối cùng các đội dự V-League phải chuyển đổi sang chuyên nghiệp. 2010 đến các đội hạng Nhất.

Nếu ta không làm tốt điều này thì bóng đá quốc tế cũng không chờ chúng ta. Khi đó thì vấn đề hội nhập của chúng ta là rất khó khăn".

Toàn cảnh Hội nghị BCH LĐBĐVN lần thứ 7, khoá V

Theo ông Hỷ, nếu chúng ta không đạt được các điều kiện mà AFC đã công bố thì cũng không loại trừ khả năng bóng đá Việt Nam sẽ trở thành đối tượng "cá biệt" của AFC. Điều đó đồng nghĩa với những vấn đề phát sinh như bị "ra rìa" trước các hoạt động chung của khu vực.

Mặc dù vậy, hầu hết các ý kiến phát biểu trong hội nghị đều nêu ra những bất cập xung quanh tiến trình chuyên nghiệp hoá này.

Trước sức ép từ hai đầu trên (AFC) - dưới (các CLB trong nước), Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ kêu gọi các đại biểu đóng góp những giải pháp thiết thực để đáp ứng những điều kiện bắt buộc, thay vì cứ nêu khó khăn và... bàn lùi.

Ông Hỷ cho biết sẽ có những cuộc trao đổi cần thiết với AFC, một mặt tỏ rõ sự tích cực từ phía Việt Nam trong tiến trình này, nhưng mặt khác cũng bảo vệ những quan điểm phát triển riêng phù hợp với đặc trưng của chúng ta.

Ngày 18/10 tới, VFF sẽ có cuộc làm việc với đại diện của AFC để đưa ra những quyết sách quan trọng cho mô hình chuyên nghiệp hoá.

Đi tìm thủ lĩnh cho đội tuyển Việt Nam

Thất bại tại Cúp TP.HCM đã chỉ ra cái thiếu rất lớn của đội tuyển Việt Nam hôm nay: vai trò của thủ lĩnh. Không có một thủ lĩnh trên sân, đội tuyển Việt Nam có lúc là những mảnh ghép không liên kết lại được với nhau và nhiều khi chơi thật rối rắm.

Thủ lĩnh trên sân

Nếu như đội tuyển Myanmar mỗi tuyến còn có một người chỉ huy thì ở đội tuyển Việt Nam lại thể hiện rất rõ là cả ba tuyến đều không tìm ra một thủ lĩnh thực thụ.

Minh Phương mang
chiếc băng đội trưởng
nhưng tiếng nói
không còn trọng lượng...

Chiếc băng đội trưởng khi thì giao cho Tài Em, lúc được đặt lên vai Minh Phương, nhưng cả hai cầu thủ từng là thủ lĩnh của Gạch Đồng Tâm này lại không thể là người chỉ huy của đội tuyển. Tài Em quá lành và cần cù, chỉ chăm chỉ trên sân và làm thay nói nên không thể là một thủ lĩnh trong khi Minh Phương thì không quyết liệt và chỉ nói được với các cầu thủ trong khối "Gạch" mà thôi. Đấy là chưa kể đến lối chơi và tầm ảnh hưởng.

Xuyên suốt các thế hệ của đội tuyển Việt Nam qua nhiều thời kỳ, các HLV nội và ngoại luôn dựa vào những thủ lĩnh trên sân để thực hiện ý đồ của mình. SEA Games 18 (1995) và Tiger Cup 96 chiếc băng đội trưởng thuộc về trung vệ Mạnh Cường, nhưng chính Hồng Sơn mới là thủ lĩnh trên sân và tốc độ trận đấu hoặc việc điều chỉnh nhịp độ được chính tiền vệ này phát động.

Chuyển sang thời HLV Riedl, ông thầy người Áo cũng sớm xác định Hồng Sơn và bộ khung Thể Công và điều ấy được thể hiện rất rõ tại Tiger Cup 98, dù khi ấy thủ lĩnh hàng phòng ngự không còn là Mạnh Cường nữa.

Sau khi Hồng Sơn chia tay đội tuyển Tiger Cup 2002, dưới tay ông Calisto nhưng nhân vật mới được tuyển chọn, nhưng đội tuyển vẫn phải có một thủ lĩnh lúc đấy là “lão tướng” Lê Huỳnh Đức. Đức hồi đấy được xem là người không thể thiếu và trận nào cũng ra sân cày ải hết mình, hết sức. Hồi đấy nói về Đức, HLV Calisto khẳng định chỉ việc có Đức ở trên sân cũng đủ để anh em có niềm tin mạnh mẽ khi ra sân vì tầm ảnh hưởng lớn của Đức.

Thủ lĩnh không nhất thiết phải là người làm bóng, nhưng phải là người tập hợp anh em lại dưới một màu cờ và là người thay HLV trên sân để truyền đạt đến từng người.

Thủ lĩnh cũng phải là người có cá tính và được anh em nể phục lẫn tín nhiệm.

Cái đấy ở một đội tuyển dưới thời ông Calisto hiện nay không có. Liệu ông Calisto có tìm được một thủ lĩnh thực thụ để thay ông làm cái việc tập hợp anh em trên sân và điều chỉnh khi cần thiết?

Thủ lĩnh ngoài sân

Ông Nguyễn Văn Vinh khi phân tích về đội tuyển tại Cúp TP.HCM đã chỉ ra cái thiếu lớn nhất đó là một lãnh đạo thực thụ đứng bên cạnh đội tuyển làm cái việc điều tiết lẫn những việc của người Việt với người Việt.

Xét về hiện tượng thì ở đội tuyển vừa qua đã có không ít cầu thủ bỏ vị trí và không hỗ trợ cho nhau. Trách cặp trung vệ yếu thì nhiều người đã thấy, nhưng cũng nên công bằng với cặp trung vệ ấy đó là họ nhận được gì từ những đồng đội xung quanh hợp tác với họ? Khi mà Phước Tứ nhiều lần phải băng ra biên để làm thay cho việc bịt lỗ rò mà Quang Thanh lên tấn công, nhưng không lo về thủ thì bể trung lộ là phải, bởi một vị trí lủng trong khối phòng ngự bốn người.

Khi mà tuyến trên có lúc mỗi tiền đạo chơi theo một phách và có những ngôi sao đã tự tìm cho mình một cách chơi thay vì phải theo lệnh của HLV… Những cái đấy các chuyên gia không khó để đọc ra và thấy rất rõ đội tuyển chúng ta đang bất ổn ở nhiều cái đầu trong một tập thể. Những cái đấy không phải các trợ lý người Việt không thấy, nhưng chắc chắn họ không đủ thẩm quyền để giải quyết bởi ngại cái chung có thể làm ảnh hưởng đến cái riêng. Những cái đấy phải do một thủ lĩnh thực sự có cái tầm bao quát lên đội tuyển nhúng tay vào và làm đúng, làm đủ hết trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề của một đội tuyển.

Lâu nay ở đội tuyển vẫn có thói quen đến giải “ấn” một ông trưởng đoàn vào để có chức danh để ngoại giao và thăm hỏi qua loa là xong. Cái thiếu của chúng ta là thiếu một trưởng đoàn thực thụ tắm trong môi trường đội tuyển và nghe được những tâm tư nguyện vọng của từng tuyển thủ. Những vấn đề của người Việt với người Việt.

Chúng ta thiếu một thủ lĩnh “ngoài sân” kiểu như ông Tô Hiền ngày nào được đưa vào làm trưởng đoàn bóng đá đội tuyển Việt Nam khi ban huấn luyện đang mâu thuẫn cùng cực và nguy cơ mất trắng ở Tiger Cup 1996 là có thật. Ông Hiền hồi đấy không chỉ là người giảng hòa, cũng không hẳn là người nắn ông Weigang khi đi chệch đường mà còn làm cái việc của một “chính trị viên” gắn kết từng thành viên trong đoàn.

Cái đấy bóng đá Việt Nam bây giờ không có.

Và từ chỗ không có ấy, những cái đầu chưa thông đang tự tìm hướng giải quyết rất tiêu cực làm ảnh hưởng đến đội tuyển.

VFF nói gì khi đề án xây dựng BTC chuyên nghiệp bị phá sản

Ngày 14 - 10, đề án đại hội V-League độc lập đã bị phá sản khi ban chấp hành VFF vừa đưa ra để lấy ý kiến từ các đội bóng. Dưới đây là những ý kiến của lãnh đạo VFF về vấn đề này

LĐBĐ VN chờ AFC!

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Cuộc họp Ban chấp hành LĐBĐ VN vào ngày 14-10 đã “phủ quyết” đề án xây dựng BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp bắt đầu từ mùa giải 2009. Tuy nhiên, lãnh đạo LĐBĐ VN vẫn tỏ ra quyết tâm phải xem xét kỹ tình hình để tiếp tục làm và không thể (không dám) cho qua khuyến cáo “đáng sợ” của cấp trên là AFC.

Theo ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF, trong lộ trình chuyển đổi sang bóng đá chuyên nghiệp, điều kiện bắt buộc mà AFC đưa ra là các CLB tham gia V- League phải là doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật TDTT. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện nay, sẽ rất khó yêu cầu tất cả các CLB trở thành doanh nghiệp vì còn vướng cơ chế. Vì vậy có thể sẽ gọi “lái” đi là CLB tự chủ. Ông Hỷ nói:“Chắc AFC sẽ không quá cứng nhắc về mặt câu chữ nên sẽ chấp nhận cách gọi này của VN. Đã đến lúc các CLB phải tìm ra những phương thức thích hợp để chuyển đổi thật nhanh sang chuyên nghiệp. Chỉ có chuyển sang chuyên nghiệp mới giải quyết được nhiều vấn đề lớn. chẳng hạn sẽ không gặp rắc rối về chuyển nhượng cầu thủ hay sẽ hạn chế tối đa vấn nạn bạo lực sân cỏ…Bóng đá VN bị coi là chậm tiến so với bóng đá thế giới. Không tự “cởi trói” cho mình sẽ càng bị thế giới bỏ xa phía sau”.

Còn Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn cho hay, hiện tại LĐ chưa vội vã thực hiện đề án mới bởi:“Trong cuộc họp với AFC ngày 18-10 tới đây, chúng tôi sẽ hỏi ý kiến AFC kỹ hơn về vấn đề này. Và đợi AFC có câu trả lời chính thức, chúng tôi mới tính toán đường đi tiếp theo của mình”. Còn việc nếu không tuân thủ yêu cầu từ AFC, bóng đá VN sẽ bị cấm vận các giải quốc tế trong hai năm liên tiếp 2009, 2010, ông Tuấn cho rằng đó chỉ là khuyến cáo. Rất có thể, LĐBĐ VN vẫn theo đuổi dự án này nhưng “cách làm sẽ khác đi, vừa làm vừa tham khảo ý kiến để không thất bại”.

“Chưa phải thời điểm”

Phó chủ tịch VFF – Lê Hùng Dũng trong cuộc họp BCH Liên đoàn ngày 14-10 vừa qua đã “xin rút lui ý kiến tán thành xây dựng Đại hội V-League”. Ông Dũng đã nói rõ hơn về vấn đề này với TNTT chiều qua, 15-10, ngay khi vừa về đến TP. HCM.

Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng

“Lúc đầu tôi thấy đúng nhưng sau đó thấy có gì đó chưa ổn. không phải là tôi rút lui, chỉ là tạm thời ngừng lại. Chứ bản thân đề án V-League độc lập là đúng chứ không sai vì cũng giống như các nước khác, con đường tất yếu mà mình phải đi để làm bóng đá nhà nghề, có một hệ thống nhà nghề thì phải thực hiện Đại hội V-League độc lập. Muốn có bóng đá đỉnh cao thì phải làm thôi nhưng lộ trình như thế nào thì còn phải tính. Thời điểm này là chưa phù hợp, nhanh quá, chúng ta chưa có sự chuẩn bị đã chụp vào làm dễ bị ngộp.

Chủ trương thì tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng 1, 2 năm thì chưa được đâu. Tôi có hỏi lại là trong số 47 thành viên AFC có bao nhiêu nước thực hiện, nhưng câu trả lời từ phía AFC cũng không rõ ràng. Theo tôi tính, nếu có cũng không nhiều nước làm đâu, họa chăng có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Nhưng cũng từ chuyện này mà vỡ ra cho tôi một điều là chưa hẳn nước ngoài nói thì chúng ta phải làm theo, mà chúng ta phải xem xét lại nó có phù hợp với đất nước chúng ta không”.

“Lộ trình bóng đá chuyên nghiệp không thể tách rời nền kinh tế quốc gia. Nhật Bản có nền kinh tế phát triển, các công ty lớn, họ là nền kinh tế công nghiệp. Do đó, họ làm được điều đó, chứ những nước khác đâu thể làm như Nhật được. Cho nên, theo tôi thời điểm này chưa phù hợp, nên tạm ngưng”.

Hoàng Thiên vô địch giải quần vợt U18 quốc tế

Tay vợt 13 tuổi của TP HCM đã khép lại giải đấu tuyệt vời bằng chiến thắng 2-0 trước đối thủ người Thái Lan, qua đó đăng quang giải vô địch trẻ ITF nhóm 5 dành cho các tay vợt dưới 18 tuổi, tại Bình Dương.

Với lối chơi chủ động, kỹ chiến thuật tốt, Thiên đã thắng set đầu với tỷ số 6-4. Sang set 2, khi thể lực xuống, Thiên đánh mất thế trận và bị dẫn trước 2-5. Song với bản lĩnh kiên cường, Thiên thắng lại liền 5 game, ngược dòng thắng 7-5.

Ở chung kết đơn nữ, chức vô địch thuộc về Upapong của Thái Lan (hạt giống số một của giải). Cô đánh bại Lam Anh của Việt Nam với kết quả 2-0 (7-5, 6-4).

Ngay tối hôm đó, Hoàng Thiên cùng HLV ngoại đã lên đường sang Bahrain dự một cuộc đấu quốc tế: giải U14 châu Á.

9 KLQG mới được thiết lập tại giải Bơi lặn VĐQG - Cúp Ngân hàng Công thương năm 2008:

Ngày tranh tài cuối cùng của môn lặn tiếp tục chứng kiến thêm 2 KLQG bị xô ngã. Nếu ở buổi sáng không có KLQG mới nào được xác lập, thì tới buổi tối, 2 kình ngư Phan Lưu Cẩm Thành (TPHCM) và Trần Bảo Thu (Tây Ninh) xuất sắc lập 2 KLQG ở cự ly 50m lặn tốc độ nam (thành tích 15"03, KL cũ 15"05) và 800m vòi hơi chân vịt (VHCV) nam (thành tích 6’43"28, KL cũ 6’49"93).


Đáng chú ý, cả Thành lẫn Thu đều vượt qua kỷ lục do chính mình đã xác lập trước đó. Trong khi đó, HCV đầu tiên của ngày cuối cùng đã thuộc về Nguyễn Thị Thương (Hải Phòng), sau khi cô về nhất cự ly 1.500m VHCV nữ với thành tích 14’22"71.

Ngoài ra, ở nội dung chung kết cự ly tiếp sức 4x100m VHCV nam, giới chuyên môn còn ghi nhận cuộc cạnh tranh khá quyết liệt giữa 2 đoàn TPHCM và Hà Nội. Rốt cuộc, TPHCM đã vượt qua Hà Nội với thành tích 2’40"67. Hà Nội chấp nhận vị trí thứ 2 khi chỉ đạt 2’44"16.

Sau 3 ngày tranh tài, Hà Nội đã dẫn đầu toàn đoàn với 14V, 7B, 5Đ. Xếp nhì là TPHCM (6V, 6B, 5Đ) và hạng 3 là Long An (5V, 6B). Giải cũng ghi nhận 9 KLQG bị xô ngã. Giải VĐV nam xuất sắc nhất được trao cho Trần Bảo Thu (Tây Ninh) khi đoạt được 4 HCV, 1 HCB, đồng thời phá 2 KLQG. Dương Thị Huyền Trang (Hà Nội) nhận danh hiệu VĐV nữ xuất sắc nhất (7 HCV, phá 4 KLQG, trong đó có 2 cá nhân và 2 tiếp sức).

Khép lại giải lặn, điều đáng nói là hệ thống chiếu sáng của CLB bơi lặn Phú Thọ quá thiếu và yếu, đặc biệt là các buổi thi đấu chiều tối khiến giới chuyên môn lẫn khán giả đã phải căng mắt ra để theo dõi.

Chưa kể ánh sáng lờ mờ khiến các phóng viên ảnh rất vất vả trong việc tác nghiệp. BTC cần lưu ý để bố trí hệ thống ánh sáng tốt hơn trong các cuộc tranh tài ở giải bơi vào ngày mai (15-10).

Tại Đại hội Thể thao trí tuệ thế giới lần thứ nhất:

Việt Nam giành thêm 2 Huy chương đồng

Trong ván đấu thứ 7 ở bàn cờ tướng, hôm qua (14.10), các kỳ thủ Việt gồm: Ngô Lan Hương, Cao Phương Thanh, Nguyễn Phi Liêm đã giành chiến thắng trước đội Ukraina đoạt tổng cộng 10 điểm, giúp đội Việt Nam chính thức đoạt tấm HCĐ nội dung đồng đội nữ (HCV-HCB thuộc về Trung Quốc và Australia).

Còn ở bàn cờ chớp, bộ tứ: Hoàng Thị Bảo Trâm, Lê Kiều Thiên Kim, Phạm Lê Thảo Nguyên và Hoàng Thị Như Ý - cũng xuất sắc vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ, với kết quả lượt đi thắng 3-1 và lượt về thắng 4-0.

Như vậy, cùng với thành tích 1 HCĐ cờ tướng của Ngô Lan Hương và 1 HCB của Thiên Hải và Thiên Kim ở nội dung cờ nhanh đôi nam - nữ phối hợp, hiện tại, đoàn Việt Nam đã giành tổng cộng 1 HCB, 3 HCĐ và đứng thứ 15/20 đoàn trên bảng xếp hạng huy chương của đại hội.

Đua thuyền buồm quốc tế VinaCapital Hongkong - Việt Nam 2008

Ngày 15/10, cuộc đua thuyền buồm quốc tế VinaCapital Hồng Công-Việt Nam 2008 đã xuất phát và dự kiến những thuyền đầu tiên sẽ về đích tại Nha Trang ngày 17/10

Cuộc đua năm nay do Tổng cục Du lịch Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa, Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) hợp tác với Câu lạc bộ thuyền buồm Hoàng gia Hongkong và tập đoàn VinaCapital phối hợp tổ chức, tiếp nối thành công của các Cuộc đua thuyền buồm quốc tế VinaCaptail Hongkong - Việt Nam trong các năm 2004 và 2006.

Cuộc đua thuyền buồm quốc tế VinaCapital Hongkong - Việt Nam 2008 có 10 thuyền tham dự với hơn 100 vận động viên đến từ các đội đua chuyên nghiệp của New Zealand, Anh, Trung Quốc. Năm nay, cuộc đua mang tính quảng bá cho Nha Trang, thúc đẩy ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa và miền Trung nước ta. Đây được xem là một sự kiện thể thao kết hợp với du lịch tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm giới thiệu về Việt Nam, một điểm đến với nền kinh tế phát triển năng động, rộng mở chào đón các nhà đầu tư, khách du lịch trong khu vực và trên thế giới.

Đua thuyền buồm là một môn thể thao đồng thời là một hoạt động du lịch hàng hải đặc sắc. Theo đánh giá của giới thể thao thuyền buồm quốc tế, Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang, là một địa điểm hấp dẫn, với những vịnh biển, bờ biển vào loại đẹp nhất thế giới, hoàn toàn có thể trở thành điểm nối tuyến lý tưởng cho các thuyền đua khi vào mùa đua hàng năm./.

U-22 VN "xử đẹp" Myanmar ở Merdeka Cup

Trong khi đội bóng đàn anh để thua bẽ mặt (2-3) ngay trên sân nhà thì ở trận ra quân tại Merdeka Cup (Malaysia), U-22 VN đã buộc Myanmar phải trắng tay bằng thắng lợi 3-1, tối 16/10.

Đội bóng của HLV Mai Đức Chung sớm tạo được ưu thế cả về tâm lý lẫn thế trận khi ngay ở phút thứ 4, tiền đạo Phan Thanh Bình đã xuyên thủng hàng thủ Myanmar, đưa đội nhà vượt lên dẫn 1-0.

Thanh Bình, tác giả bàn mở tỷ số cho đội U-22 VN

Tuy nhiên, 1 phút trước khi kết thúc hiệp đấu thứ nhất, Zaw Htet Aung, cầu thủ có mặt trong đội hình xuất phát Myanmar gặp tuyển VN tại Cúp BĐ quốc tế TP.HCM, kịp đưa trận đấu trở về vạch xuất phát.

Dù vậy, U-22 VN, lực lượng chuẩn bị cho giải đấu quan trọng vào năm sau: SEA Games 25, cũng chỉ cần vài phút sau giờ nghỉ giải lao để lại một lần nữa vượt mặt đối thủ.

Người lập công lần này là tiền đạo Hoàng Đình Tùng, tác giải bàn thắng duy nhất vào lưới U-21 Singapore, mang về chiếc HCĐ cho U-21 VN tại giải U-21 quốc tế Báo Thanh Niên.

Đến phút 73, cách biệt được gia tăng bởi một chân sút khác, đặc biệt gây ấn tượng thời gian qua là Đức Thiện. Chính nhờ phong độ nổi bật trong màu áo CLB TP.HCM tại giải U-21 Báo Thanh Niên vừa qua (Đoạt Vua phá lưới với 4 bàn thắng) cũng như ở giải U-21 quốc tế sau đó (đồng Vua phá lưới) mà Đức Thiện là 1 trong 3 gương mặt (cùng thủ môn Lê Văn Hưng, Văn Khải) được gọi vào tuyển U-22 VN chuẩn bị cho giải đấu này.

3-1 nghiêng về cho VN là kết quả chung cuộc của trận đấu bởi ở thời gian còn lại, Myanmar đã không thể xoay chuyển tình thế.

Như vậy, chỉ sau ít ngày, U-22 VN đã thay các đàn anh trả nợ sòng phẳng với Myanmar. Rõ ràng, trong tình cảnh tuyển VN chưa biết đến mùi chiến thắng trong 7 trận gần đây, việc U-22 VN chỉ mới tập hợp thời gian ngắn, đánh bại được đội bóng vừa thắng các đàn anh, quả là một điều đáng khen ngợi.

Giành thắng lợi quan trọng ở trận mở màn, cánh cửa vào bán kết của thầy trò ông Mai Đức Chung rất sáng sủa.

Tại giải Merdeka Cup 2008, U-22 VN nằm cùng bảng B với Myanmar, Mozambique và Bangladesh. Bảng A còn lại gồm chủ nhà Malaysia, Sierra Leone, Nepal và Afghanistan.

Nữ Việt Nam thắng đậm Lào 6-0

ĐT nữ Việt Nam đã khép lại vòng đấu bảng giải vô địch bóng đá nữ ĐNA bằng chiến thắng 6-0 trước các cô gái Lào.

Nữ Việt Nam (trắng)đá như đi chơi với Lào

Vì đã chắc chắn vào bán kết, nên trận này HLV Trần Vân Phát chủ động cất hàng loạt vị trí chủ lực trên băng ghế dự bị. Tuy nhiên do Lào quá yếu, nên suốt 90 phút trận đấu, thế trận hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

Ngay ở phút 19, sau đường chuyền của Văn Thị Thanh, Lê Thị Oanh từ tuyến 2 băng lên đã dễ dàng dứt điểm, mở tỷ số. Bàn thắng này giống như cái chìa khoá mở toang cánh cửa chiến thắng cho ĐTVN.

Trong hiệp 1, Lê Thị Oanh còn lập công một lần nữa. Và cũng thực hiện được “cú đúp” như Oanh là Lê Thị Thương. Ngoài ra, Ngọc Châm cũng ghi 1 bàn, khiến hiệp 1 khép lại ở tỉ số 5-0.

Sang hiệp 2, nữ Việt Nam chủ động giảm tốc độ với mục đích vừa đá vừa bảo toàn lực lượng, nhưng rốt cuộc vẫn ghi được 1 bàn thắng nữa ở phút 70 do công của Kim Hồng.

Với tất cả các trận toàn thắng ở vòng bảng, nữ Việt Nam đã dẫn đầu bảng và sẽ gặp “đại kình địch” Thái Lan ở trận bán kết thứ nhất của giải diễn ra vào lúc 15h30 ngày 18.10. Trận bán kết thứ hai sẽ là cuộc gặp gỡ giữa Australia và Myanmar vào 17h45 cùng ngày.

Lập thêm 3 kỷ lục bơi lội quốc gia

3 kỷ lục quốc gia bị xô ngã tai giải bơi lội vô địch quốc gia – Cup Vietinbank 2008.

Đáng chú ý nhất là ở cự ly 100m tự do nam khi Hoàng Quý Phước đã lập kỷ lục mới với thời gian 53”05 (kỷ lục cũ 53”94).

Quí Phước bứt phá dũng mãnh
trên đường đua 100m tự do nam...

Ngoài việc giành Huy chương vàng, chiến thắng này còn giúp cho đoàn Đà Nẵng trở thành một thế lực mới về bơi lội trong cả nước. Bởi trong ngày thi đấu đầu tiên, Quý Phước cùng đồng đội phá kỷ lục ở cự ly tiếp sức 4x200m nam với thành tích 8’02”03.

Đoàn Hải Phòng cũng không chịu thua kém khi “Hoàng tử ếch” Nguyễn Hữu Việt tiếp tục xô đổ kỷ lục quốc gia ở cự ly 100m ếch nam với thành tích mới 1’03”51 (kỷ lục quốc gia cũ là 1’03”63). Đây là KLQG thứ hai trong hai ngày liên tiếp của Hữu Việt cho thấy anh vẫn xứng đáng với cái tên “Hoàng tử ếch” khi giành HCV 100m ếch đầu tiên tại SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà năm 2003.

Trước những thành tích của các đồng nghiệp nam, tay bơi nữ Vũ Thuỳ Dương cũng “nổ” ở cự ly 100m ếch nữ với KLQG mới 1’13”16 (KLQG cũ là 1’13”49).

Sau hai ngày tranh tài với 16 cự ly, đoàn chủ nhà thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu với 6 HCV, 4 HCB và 5 HCĐ; Hà Nội xếp thứ 2 với 4 HCV, 4 HCB; Đà Nẵng xếp thứ 3 với 2 HCV, 1HCB và 2 HCĐ./.

Tổng kết giải chạy báo Hà Nội mới

Tổng kết giải chạy báo Hà Nội mới lần thứ 35 - Vì hoà bình năm 2008

Tham dự giải năm nay, ở giai đoạn một tại cơ sở, đã có hơn 200.000 người tham dự, đạt tiêu chuẩn chạy phổ thông. Còn tại vòng chung kết vừa qua, giải đã thu hút 1200 VĐV tranh tài ở nhiều cự ly, trong đó có gần 300 VĐV là người nước ngoài cùng 100 VĐV của 15 tỉnh, thành, ngành. Đặc biệt, giải năm nay có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự hợp nhất giữa giải chạy báo Hà Nội mới và giải việt dã báo Hà Tây nên cả về quy mô và chất lượng giải đã được nâng lên tầm cao mới. Tại lễ tổng kết, ban tổ chức đã trao giải thưởng đồng đội và toàn đoàn cho các đơn vị thuộc khối quận huyện, trường học và tỉnh thành đạt thành tích xuất sắc ở hai nội dung phong trào và nâng cao với tổng giá trị giải thưởng gần 100 triệu đồng./.

VN đoạt 4 huy chương Đại hội Thể thao Trí tuệ Thế giới

Kết thúc Đại hội Thể thao Trí tuệ Thế giới lần thứ nhất, chiều 17/10 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đội tuyển Việt Nam đã đoạt 1 huy chương bạc và 3 huy chương đồng, đứng thứ 16 toàn đoàn.

Thành tích của Việt Nam cao thứ nhì châu lục và đứng đầu các quốc gia Đông Nam Á tham gia đại hội.

Tại đại hội lần này, các kỳ thủ Việt Nam dự tranh ở ba môn cờ vua, cờ tướng, cờ vây trong tổng số 5 môn thi đầu của đại hội.

Chiếc huy chương bạc của đoàn thuộc về Thiên Hải và Thiên Kim ở nội dung cờ nhanh đôi nam-nữ phối hợp. Ba huy chương đồng còn lại thuộc về Ngô Lan Hương (cờ tướng nữ), đồng đội nữ cờ tướng và đồng đội nữ cờ chớp.

Đại hội thể thao trí tuệ thế giới diễn ra từ ngày 5 đến 18/10, thu hút sự tham gia của trên 3.000 kỳ thủ dự tranh các môn cờ vua, cờ tướng, cờ vây, cờ đam và brigde./.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất