Trao đổi với phóng viên, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục
trưởng Tổng cục TDTT, tin tưởng rằng sau khi những khó khăn hiện tại qua
đi thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, thể thao Việt Nam sẽ hồi phục
- sự tăng trưởng để phát triển lên một tầm cao mới.
*
Năm nay sự kiện quan trọng nhất của thể thao Việt Nam sẽ là SEA Games
27 diễn ra ở Myanmar vào cuối năm. Với tư cách người đứng đầu Tổng cục
Thể dục thể thao Việt Nam, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về
công tác chuẩn bị của thể thao Việt Nam cho SEA Games 27?
-
Theo kết luận của cuộc họp Hội đồng SEA Games tháng 12 năm 2012 thì SEA
Games 27 sẽ tổ chức 33 môn thể thao, trong đó nhiều môn hoặc nhiều nội
dung thế mạnh của thể thao Việt Nam không được đưa vào chương trình Đại
hội.
Chỉ
tính riêng 3 môn thể dục, đấu kiếm, lặn là những môn thể thao Việt Nam
có ưu thế lớn so với các nước trong khu vực không được tổ chức, chúng ta
đã mất trên 20 HCV. Đó còn chưa kể ở những môn khác, BTC còn dự định
cắt giảm nội dung hoặc hạn chế các nội dung mà mỗi đoàn tham dự thi đấu.
Do
gặp những bất lợi như vậy nên chúng tôi quyết tâm chuẩn bị thật tốt ở
những nội dung, môn thi còn lại để phấn đấu nằm trong tốp các nước dẫn
đầu ở SEA Games 27. Kế hoạch chuẩn bị cụ thể sẽ được triển khai từ nay
đến cuối năm.
*
Nếu lấy cột mốc là SEA Games 22 năm 2003 thì thể thao VN đã có tròn 10
năm khẳng định vững chắc một vị trí trong tốp 3 ở các kỳ SEA Games gần
đây, nhưng thành tích của thể thao Việt Nam ở Asian Games 2010 và
Olympic London 2012 lại không được tốt như mong đợi. Theo ông thể thao
Việt Nam cần làm gì để vừa duy trì vị thế hàng đầu ở khu vực, song đồng
thời cũng phải tiến mạnh và tiến xa ở sân chơi châu lục?
-
Trình độ thể thao của khu vực Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói
riêng so với các cường quốc thể thao ở châu Á, thế giới còn khoảng cách
lớn. Chỉ nói riêng ở khu vực châu Á, hiện nay đã có nhiều cường quốc thể
thao thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,
Uzbekistan, Kazakhstan, Iran, Ấn Độ… với lực lượng VĐV hùng hậu và có sự
đầu tư rất lớn để giành huy chương ở Asian Games và Olympic.
Để
thể thao Việt Nam đạt thành tích cao ở cả đấu trường SEA Games, Asian
Games và Olympic, chúng ta có rất nhiều việc phải làm: nâng cao chất
lượng tuyển chọn, đào tạo VĐV, nâng cao trình độ đội ngũ HLV, nâng cấp
cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu, phát triển khoa học
công nghệ TDTT, xây dựng chính sách thu hút tài năng thể thao…
Tuy
nhiên, trong điều kiện của ngành TDTT hiện nay, chúng tôi xác định việc
cần làm ngay là phải lựa chọn các môn thể thao mà ta có thế mạnh để
phân nhóm ưu tiên đầu tư theo các mục tiêu giành huy chương ở Olympic,
HCV Asian Games và ở SEA Games đồng thời khi phát hiện tài năng thể thao
thì cả Tổng cục TDTT, các địa phương, các ngành cùng góp kinh phí để
đào tạo VĐV.
*
Chỉ 6 năm nữa là Asian Games 18 năm 2019 sẽ được tổ chức tại Việt Nam.
Vậy ngành thể thao đã có những chuẩn bị như thế nào cho sự kiện thể thao
vô cùng quan trọng này, cụ thể là mục tiêu của thể thao Việt Nam ở
những giải đấu quốc tế “tiền Asian Games 18” như Asian Games 17 năm 2014
và Olympic Rio 2016?
-
Hiện nay chúng tôi đang xây dựng đề án tổng thể tổ chức Asian Games 18
năm 2019 tại Việt Nam, trong đó có đề án đào tạo VĐV. Trước mắt chúng
tôi sẽ phối hợp cùng với các địa phương, các ngành rà soát, đánh giá lại
toàn bộ lực lượng VĐV trong cả nước cùng hệ thống cơ sở vật chất để
chuẩn bị tổ chức Asian Games 18. Còn mục tiêu ở Asian Games 17 và
Olympic 16 là phải đạt thành tích cao hơn 2 Đại hội vừa qua.
*
Công tác xã hội hoá thể thao đã được tiến hành rộng khắp trong thời
gian vừa qua và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bối cảnh
khó khăn hiện tại của nền kinh tế đã khiến các doanh nghiệp lớn phải tập
trung trở lại vào lĩnh vực hoạt động chủ yếu của mình chứ không đầu tư
vào thể thao ở quy mô lớn như trước. Theo ông, điều này tạo ra những ảnh
hưởng như thế nào với sự phát triển của thể thao Việt Nam trong tương
lai?
-
Rõ ràng trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, sự đầu tư cho
TDTT buộc phải cắt giảm theo sẽ có ảnh hưởng tới công tác huấn luyện,
nâng cao thành tích VĐV, đặc biệt là đối với công tác đào tạo trẻ và ở
các môn thể thao chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp.
Tuy
nhiên, tôi tin là trong thời gian tới, cùng với sự phục hồi của nền
kinh tế, đồng thời với việc tổ chức các Đại hội thể thao lớn của nước ta
và của châu lục, sự đầu tư của Nhà nước và của các doanh nghiệp cho
TDTT nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng sẽ tăng trở lại, thúc
đầy thể thao nước ta phát triển lên một tầm cao mới.
* Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: TT & VH)