Để tiếp tục ứng phó với bão số 12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12 thực hiện nghiêm túc Công điện số 1659 ngày 1/11 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 86 ngày 03/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
"Tập trung lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; đảm bảo khắc phục kịp thời các sự cố đối với hệ thống thông tin liên lạc, lưới điện, đê điều, hồ đập, giao thông ngay sau khi bão đi qua. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng", ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh.
Tổ chức dọn vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh theo phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực thiệt hại do thiên tai, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống. Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với lũ lớn sau bão.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.
Tính đến 2 giờ ngày 4/11, đã có 3 tỉnh sơ tán dân với tổng số 8.516 hộ/35.168 khẩu (Phú Yên 1.404 hộ/6.222 khẩu, Khánh Hòa 4.601 hộ/18.761 khẩu, Ninh Thuận 2.511 hộ/10.185 khẩu). Ngoài ra, tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã sơ tán 1.751 khẩu.
Có 3 tỉnh cho học sinh nghỉ học, cụ thể, tỉnh Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ ngày 3/11; các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận cho học sinh nghỉ học vào sáng 4/11.
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 4/11 đã đã thông báo, kiểm đếm là 62.714 tàu/301.004 lao động và 3.277 lồng bè/9.362 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động phòng, tránh.
Hiện nay còn 1 tàu BĐ 95184TS/02 LĐ trên đường về tránh bão bị hỏng máy, thả trôi tại 13035’ Vĩ Bắc - 109048’ Kinh Đông. Thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Bộ Tham mưu chỉ đạo Biên phòng Bình Định phối hợp với địa phương tìm cách hỗ trợ.
Theo báo cáo ngày 4/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định có 22 tàu trong vùng nguy hiểm thả neo tại chỗ, vị trí 140 Vĩ Bắc - 1130 Kinh Đông; hiện bão đã đi qua; trong đó có 2 tàu chưa liên lạc được có số hiệu BĐ 93054TS và BĐ 97624TS. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang tìm cách liên lạc và xác minh số người trên tàu. Tại tỉnh Quảng Ngãi có 2 tàu bị mất liên lạc, cụ thể: Tàu QNg 90478 TS/16 ngư dân, do ông Lưu Đình Dũng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng; Tàu QNg 95249 TS/13 ngư dân do ông Nguyễn Văn Minh ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, có 2 tàu vận tải (Biển Bắc 16, Hoa Nam 68) trên khu vực biển Bình Định bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn, hiện đã cứu vớt được 3 người; tàu vận tải Jupiter quốc tịch Campuchia bị hỏng máy, trôi dạt, 7 người đã dời tàu; 4 người trên bè cá tại Quy Nhơn bị rơi xuống biển, đã cứu được 2 người, còn lại 2 người đang trôi dạt.
Các tuyến đê trong khu vực mới chỉ được thiết kế với bão cấp 9, 10, triều trung bình 5%. Hiện có 5 công trình đang thi công (Đà Nẵng: 1,5km đê Liên Chiểu, Thuận Phước; Quảng Ngãi: 0,5 km đê Hải Hòa; Ninh Thuân: 1,5km đê cửa sông Bắc sông Dinh; Bà Rịa Vũng Tàu: 4,1km đê Hải Đăng và đê kè Lộc An). Đối với kè Xóm Rớ tỉnh Phú Yên, địa phương đã tổ chức xử lý xong đầu kè trong tối 3/1.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, tính đến 6 giờ ngày 4/11, tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, trong 87 hồ cập nhật thông tin, có 16 hồ chứa đang xả qua tràn như: Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 9 hồ: Sông Hinh: 1.450 m3/s; Sông Ba Hạ: 1.400 m3/s; Đak Mi 4A: 391 m3/s; Sông Bung 4: 597 m3/s, Sông Bung 4A: 362 m3/s; Sông Bung 5: 349 m3/s; Sông Bung 6: 280 m3/s; Sông Giang 2: 11 m3/s; La Hiêng 2: 30 m3/s.
Khu vực Tây Nguyên có 7 hồ: Đa Nhim: 75 m3/s; Đồng Nai 3: 37 m3/s, ĐakSrông: 25 m3/s; Đrây H’linh 1: 100 m3/s; Bảo Lộc: 21 m3/s; ĐăkSrông 3A: 500 m3/s; ĐăkSrông 3B: 550 m3/s.
Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 13 giờ ngày 3/11, khu vực Nam Trung Bộ có 57 hồ chứa thủy lợi xung yếu (16 hồ chứa lớn, 41 hồ chứa nhỏ), các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).
Khu vực Tây Nguyên có 68 hồ chứa xung yếu (14 hồ lớn, 54 hồ nhỏ). Các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Thôn 9 (Kon Tum); PleitoKôn (Gia Lai); Dang Kang thượng, Ea Uy, Ea Khal 1, Ea Tling, Đội 36 (Đắk Lắk); Nao Ma a, Đắk Hlang (Đắk Nông); Ma Póh, Đạ Sa (Lâm Đồng).
Khu vực Đông Nam Bộ có 4 hồ (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ) xung yếu cần đặc biệt quan tâm.
Thiệt hại ban đầu do bão số 12 gây ra đã làm 1 nhà bị sập, 4 nhà bị tốc mái,1 tụ điện bị chập tại tỉnh Khánh Hoà.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 đã làm 4 đường dây tại khu vực Khánh Hòa, Phú Yên thuộc lưới điện 220kV, 500kV bị sự cố; 14 đường dây 110kV khu vực Bình Định đến Khánh Hòa và 10 trạm biến áp 110kV thuộc Phú Yên và Khánh Hòa bị mất điện. Hiện nay, khu vực Khánh Hòa mất điện toàn bộ tỉnh, trừ thành phố Cam Ranh; khu vực Phú Yên mất điện toàn tỉnh; khu vực Bình Định mất điện khu vực Phú Tài, Phú Cát.
Theo báo cáo ngày 4/11 của Bộ Giao thông vận tải, đường sắt Phú Yên đang bị phong tỏa, hiện 6.000 người ở ga Nha Trang./.
(TTXVN)