Tuy nhiên, giá dầu đã đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 19/8,
chủ yếu do hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư khi giá nguyên liệu
chiến lược này đã tăng mạnh trong những phiên trước, cùng những lo ngại về việc
vận chuyển dầu mỏ qua kênh đào Suez và đường ống Sumed đã lắng dịu, bất chấp bất
ổn chính trị tại Ai Cập vẫn tiếp diễn.
Chốt phiên đầu tuần, giá dầu ngọt
nhẹ Mỹ giao tháng 9/2013 giảm 36 xu xuống 107,10 USD/thùng, trong khi giá dầu
Brent Biển Bắc giao tháng 10/2013 giảm 50 xu xuống 109,90 USD/thùng.
Giá
dầu tiếp tục diễn biến theo chiều hướng giảm trong các phiên 20 và 21/8, khi
nhiều nhà đầu tư cho rằng biên bản cuộc họp chính sách mới nhất (ngày
30-31/7/2013) của Fed (công bố vào ngày 21/8 theo giờ địa phương), không cho
thấy đường hướng cụ thể nào về chính sách của Fed và có nguy cơ thể chế tài
chính lớn nhất nước Mỹ sẽ sớm rút giảm chương trình kích thích kinh tế trong
thời gian tới.
Ngoài ra, giới đầu tư còn lo ngại về tình trạng gián đoạn
nguồn cung tại khu vực Trung Đông, xuất phát từ những bất ổn chính trị ngày càng
leo thang tại Ai Cập và Libya.
Sự khan hiếm các thông tin kinh tế vĩ mô
giúp định hướng đầu tư đã khiến các thị trường toàn cầu trở nên kém sôi động
hơn. Mặc dù các báo cáo từ tuần trước cho thấy nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng
tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bước ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài 18 tháng
qua, với mức tăng trưởng 0,3% trong quý II/2013, song thông tin này chưa đủ mạnh
để thúc đẩy hoạt động mua vào trên thị trường năng lượng, khi các nhà đầu tư còn
đang đặt dấu hỏi về hướng đi tiếp theo của Fed đối với các chương trình kích
thích kinh tế hiện tại.
Các biện pháp kích thích kinh tế của Fed trong
thời gian qua đã giúp hạ thấp tỷ lệ lãi suất chủ chốt của Mỹ, đồng thời khiến
dầu mỏ và một số mặt hàng chiến lược khác trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà
đầu tư, bởi vậy việc Fed chấm dứt chương trình này sẽ tác động tiêu cực tới giá
"vàng đen".
Trong trường hợp Fed thu hẹp dần chương trình mua trái phiếu
của họ, một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại các thị
trường mới nổi như Ấn Độ sẽ giảm sút. Trong những tuần gần đây, đồng rupee đã
rớt giá mạnh so với đồng USD.
Việc Fed rút giảm quy mô chương trình kích
thích kinh tế sẽ khiến USD lên giá và gây sức ép lên những hàng hóa định giá
bằng đồng bạc xanh như "vàng đen."
Giá dầu vẫn giảm trên thị trường châu
Á trong phiên 22/8, song đã tăng lên tại Mỹ trong bối cảnh có những dấu hiệu cho
thấy Libya có thể nối lại hoạt động xuất khẩu và số liệu lạc quan về kinh tế
Trung Quốc làm dấy lên hy vọng nhu cầu từ quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai
thế giới sẽ tăng cao hơn.
Trong phiên cuối tuần 23/8, giá dầu chủ yếu đi
lên trên các thị trường trong bối cảnh các số liệu kinh tế lạc quan từ các nền
kinh tế chủ chốt làm dấy lên hy vọng nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" sẽ gia tăng
trên phạm vi toàn cầu.
Tại Mỹ, số liệu công bố ngày 22/8 cho biết, lượng
người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã tụt xuống mức thấp nhất
trong sáu năm, trong khi số liệu về hoạt động công nghiệp của Mỹ cũng tăng lên
trong tháng Tám, với Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tăng từ mức 53,7 của tháng Bảy
lên mức 53,9 điểm trong tháng Tám.
Những con số mới nhất này cho thấy
nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã bắt đầu tự đứng vững như Chủ tịch Fed
Ben Bernanke kỳ vọng.
Tại Khu vực
Eurozone, các số liệu sơ bộ cũng cho thấy chỉ số PMI trong toàn khu vực của
tháng Tám đã tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng qua là 51,7, so với mức 50,5
của tháng Bảy.
Tương tự, tại Trung Quốc, khảo sát điều tra của ngân hàng
HSBC cũng cho biết, PMI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã vọt lên mức cao
nhất trong bốn tháng qua là 50,1 trong tháng Tám, ghi nhận mức tăng đầu tiên của
chỉ số này trong vòng bốn tháng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích
cực, thị trường ngày cuối tuần còn nhận được báo cáo từ Bộ Thương Mại Mỹ, qua đó
cho biết doanh số bán nhà mới trong hai tháng Sáu và Bảy ở Mỹ đã giảm ngoài dự
kiến, kết quả của việc tỷ lệ lãi suất cầm cố được đẩy lên.
Chỉ riêng số
liệu này cũng đã khiến giới phân tích và đầu tư suy đoán rằng có thể Fed sẽ tiếp
tục chương trình QE3, ít nhất là trong một vài tháng tới. Và đồn đoán này khiến
nhà đầu tư mạnh tay gom hàng hơn, qua đó giá dầu được đẩy lên.
Chốt phiên
cuối tuần, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 10/2013 tăng mạnh 1,39 USD lên
106,42 USD/thùng; trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn
cũng tăng 1,14 USD lên 111,07 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng dầu chủ chốt
này đều có mức chốt tuần qua cao hơn các mức chốt của cuối tuần trước
nữa./.
Theo TTXVN