Không chỉ là việc dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp (DN) viễn thông với nhau, mà câu chuyện dùng chung hạ tầng sẽ được bàn bạc và đưa ra đề án cụ thể với sự tham gia của rất nhiều ngành, DN khác… trong tháng 5 này.
Hội nghị của các DN viễn thông VN dự kiến mang tên “Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức dự kiến diễn ra trong tháng tư nhưng đã được chuyển sang tháng 5 này sẽ dành cho việc bàn bạc, đưa ra cách thức đầu tư, sử dụng chung cơ sở hạ tầng ngành thông tin và truyền thông, đặc biệt là việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành như giao thông công chính, điện lực, viễn thông, truyền hình cáp…
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc dùng chung cơ sở hạ tầng liên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nói chung, và viễn thông nói riêng hiện nay đang rất hạn chế, gây mất mỹ quan đô thị. Lý do của vấn đề này chủ yếu do sự phối hợp liên ngành, UBND địa phương còn chưa được đồng bộ, thậm chí khá khó khăn.
Đây cũng chính là lý do khiến thời gian vừa qua, giới báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực với câu chuyện dùng chung cột điện giữa ngành viễn thông và điện lực. DN viễn thông đã “tố” ngành điện lực đã thu tiền cho thuê cột với giá quá cao, không đúng với thực tế.
Vốn là 2 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, từ trước tới nay, mối quan hệ giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN rất tốt. Ngay với việc sử dụng chung hạ tầng, VNPT và EVN đã có sự hợp tác hiệu quả trong nhiều năm qua. Trước đây, mức giá thuê cột của EVN đưa ra, VNPT đã chấp nhận thực hiện.
Thế nhưng, với mức giá cao hơn 4-8 lần mà EVN đưa ra trong thời gian vừa rồi, người phát ngôn của Tập đoàn VNPT, ông Bùi Quốc Việt cũng cho rằng chưa phù hợp và cần theo lộ trình từng bước. Trong lúc nền kinh tế nói chung đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và kêu gọi các DN thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, tiết kiệm chi phí, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, việc EVN một lúc tăng giá gấp nhiều lần như thế, theo tôi chưa hợp lý..
Hiện nay ở các đô thị, việc ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông của VNPT gần như đã thực hiện hoàn toàn. Việc thuê cột treo cáp chủ yếu là cung cấp dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa, thực hiện các dịch vụ công ích xã hội. Nếu chỉ tính lợi nhuận mà không tính đến mục đích xã hội thì các DN không đầu tư cho nông thôn. Đây là vùng công ích mà hiện nay Nhà nước cũng đang bù lỗ cho các dịch vụ công ích, trong đó có viễn thông, để tạo sức phát triển cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Thời gian vài năm trở lại đây, VNPT đã chủ động đầu tư nhiều cho hệ thống đường cột riêng của mình và vì một số lý do, có một số nơi không xây dựng được, nên VNPT đàm phán để thuê cột của EVN. Theo ông Việt, cần phải cân đối việc xây dựng mới với việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng cho hợp lý. Với khu vực có thể sử dụng chung cơ sở hạ tầng thì nên phát huy để tránh tốn kém tiền của Nhà nước, mà thực tế là tiền của nhân dân. Xây dựng hạ tầng riêng sẽ tốn kém rất nhiều so với việc sử dụng hạ tầng chung. Vì lợi ích quốc gia, lợi ích DN và lợi ích người dân, các DN cần đàm phán với nhau để đưa ra mức giá hợp lý nhất.
Quả thực, việc dùng chung cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực viễn thông, Internet, truyền hình, bưu chính với các lĩnh vực khác, tiến tới một hạ tầng thống nhất theo chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước là rất cần thiết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, lời giải hợp lý cho bài toán này sẽ cần phải có thời gian bàn bạc. Các DN viễn thông đang chờ đợi Hội nghị “diên hồng” diễn ra trong tháng 5 này.
(Theo VnMedia)