Trước
bối cảnh làn sóng lần thứ tư dịch COVID-19 tạm thời lắng xuống, Nghị
quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm
soát hiệu quả dịch COVID-19” được Chính phủ ban hành vào ngày
11/10/2021 là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế trong thời điểm
hiện tại. Sau gần một tháng triển khai, Nghị
quyết bước đầu phát huy hiệu quả, được đông đảo người dân, doanh nghiệp
và các tầng lớp xã hội đồng tình, ủng hộ.
Bằng việc áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm
thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”
(Nghị quyết 128), từ ngày 11/10 đời sống của người dân trên cả nước cơ
bản đã trở lại trạng thái bình thường mới. Dịch COVID-19 được phân loại
theo bốn cấp độ tương ứng với các mầu xanh, mầu vàng, mầu cam, mầu đỏ
trên quy mô từ cấp xã, nên mỗi địa phương có thể tự chủ động thực hiện
đánh giá cấp độ dịch dựa trên tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời
gian, độ bao phủ vắc-xin, khả năng thu dung, điều trị các tuyến. Đến
nay cơ bản tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đúng với
tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về công bố cấp độ dịch, phục
hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa, từ đó đem lại nhiều kết quả khả quan.
Có thể nói đây là một bước tiến về tư duy trong phòng, chống dịch, hình
thành sự thống nhất trên toàn quốc, không còn tình trạng cục bộ ở từng
địa phương, giải tỏa các yếu tố từng gây trở ngại trong đời sống nhân
dân, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Sau gần một tháng thực hiện Nghị quyết 128, dựa trên tình hình thực
tế riêng, các địa phương ban hành kế hoạch thích ứng, phương án phòng,
chống dịch cũng thay đổi linh hoạt theo thời điểm, trong đó có vấn đề
cần quan tâm nhất là kiểm soát lượng người từ vùng dịch trở về. Sau khi
Nghị quyết 128 được áp dụng, hàng trăm nghìn người từ TP. Hồ Chí Minh và
các tỉnh Bình Dương, Long An,… trở về các tỉnh phía nam, miền trung,
miền bắc, dẫn đến xuất hiện nhiều F0 ở nhiều địa phương. Thực tế này yêu
cầu mỗi địa phương phải linh hoạt trong phòng, chống dịch, không thể
chủ quan, lơ là trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát người mới trở về,
đồng thời tổ chức tốt việc xét nghiệm, cách ly và các biện pháp khác
không để dịch lây lan ra cộng đồng. Những người đã tiêm đủ hai mũi
vaccine được theo dõi sức khỏe tại nhà, xét nghiệm theo quy định, và
thực hiện tốt 5K, tùy điều kiện mà người chưa tiêm được tiến hành cách
ly tại nhà hay tập trung, luôn có sự giám sát của chính quyền, cơ quan y
tế địa phương. Cách làm này thực sự đã mang lại hiệu quả, người dân
giảm căng thẳng tâm lý, chính quyền cũng không phải sử dụng quá nhiều
nguồn lực phòng, chống dịch. Với cách thức chống dịch mới theo tinh thần
Nghị quyết 128, yếu tố sống còn, tiên quyết là năng lực quản lý, giám
sát của mỗi địa phương. Thực tế cho thấy địa phương nào không chủ quan,
“thả lỏng” thì dù lúc đầu tình hình phức tạp nhưng sau đó do chủ động
phòng, chống nên dịch bệnh đã nhanh chóng bị khống chế, bảo đảm an toàn
đời sống của người dân, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một vấn đề quan trọng để bảo đảm thích ứng dịch bệnh tình hình mới là
bao phủ vaccine, vì đây là một trong các tiêu chí để phân loại cấp độ
dịch ở từng địa phương. Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng
quốc gia, đến nay cả nước đã tiêm được hơn 85 triệu liều vaccine. 62
trong số 63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm
ít nhất 1 liều vaccine đạt từ 50% trở lên. Có 54 địa phương đạt tỷ lệ
phủ mũi 1 là 70% trở lên. Đầu tháng 11 bắt đầu triển khai chương trình
tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi, hiện đã có 6 địa phương
đang tiêm cho đối tượng này. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 11,
sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây
Nguyên, vì đây là các khu vực hiện đang xuất hiện một số ổ dịch phức
tạp, độ phủ vaccine chưa cao. Ngoài ra, các địa phương cũng cam kết
chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, hệ thống điều trị, giường bệnh cho tình
huống xuất hiện nhiều ca nặng để kiểm soát dịch, giảm tối đa số người
chết; đồng thời xác định nâng cao năng lực điều trị cho cán bộ, nhân
viên y tế là tiêu chí quan trọng quyết định việc nâng hoặc hạ cấp mức độ
dịch ở mỗi địa phương.
Song song với chiến lược thích nghi an toàn chống dịch là chiến lược
khôi phục, phát triển kinh tế, đó là hai nội dung cốt lõi của Nghị quyết
128. Bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch linh loạt, việc mở cửa để
tổ chức sản xuất, kinh doanh đã góp phần giảm nỗi lo lắng và sức ép
tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân, doanh nghiệp trở lại
hoạt động có hiệu quả, giúp kinh tế dần phục hồi. Tất nhiên, trong khi
tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp
không thể hoàn toàn chủ động, nhưng quy chiếu những quy định của Nghị
quyết 128 vào tình hình cụ thể, mỗi địa phương, doanh nghiệp có thể chủ
động hoạch định kế hoạch hoạt động, phần nào yên tâm sản xuất, kinh
doanh. Nghị quyết 128 được ví như đã mở ra “cánh cửa”, cho phép doanh
nghiệp trong mọi tình huống, diễn biến của dịch vẫn có thể sản xuất, chỉ
cần đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Có thể thấy gần
một tháng qua, việc lưu thông hàng hóa cơ bản thông suốt, nhiều doanh
nghiệp đã sản xuất trở lại, đây được xem là cơ hội tăng tốc để đạt hiệu
quả tối đa trong những tháng cuối năm.
Như vậy, một thời gian dài sau khi làn sóng thứ tư dịch COVID-19 bùng
phát (từ cuối tháng 4), nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo
các Chỉ thị 15, 16, 19 kéo dài gây khó khăn cho cuộc sống của người dân,
ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, thì việc thay đổi phương án chống
dịch linh hoạt và duy trì sản xuất, kinh doanh là việc làm kịp thời, cần
thiết. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế rất cụ thể, và cả
nước cần thông suốt nguyên tắc thích ứng không có nghĩa chủ quan, lơ là
phòng, chống dịch mà là phòng, chống dịch với tinh thần mới. Theo đó, dù
không phải “chôn chân” tại chỗ như trước, người dân và doanh nghiệp vẫn
phải chịu sự kiểm soát một cách khoa học, chặt chẽ, linh hoạt của chính
quyền. Chính vì thế, cần phải nhìn thẳng vào một thực tế cần nhanh
chóng khắc phục là trong khi đa số địa phương triển khai tốt Nghị quyết
128 thì ở một vài địa phương vẫn tồn tại tình trạng chưa thống nhất từ
trên xuống dưới, còn thiếu đồng bộ trong chỉ đạo, thực hiện phòng, chống
dịch, đáng chú ý là tình trạng trì trệ, thiếu sáng tạo, thiếu linh
hoạt, chống dịch như là theo bản năng, không dựa trên cơ sở khoa học,
các yếu tố dịch tễ…
Trong phạm vi nhất định, có thể nói, hạn chế là khó tránh khỏi, nhất
là khi diễn biến dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới còn rất
phức tạp. Tuy nhiên dựa vào một vài thiếu sót đó, các thế lực thù địch,
thiếu thiện chí đã cố tình bóp méo, xuyên tạc nỗ lực của Đảng, Nhà nước
Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh. Như sau khi Nghị quyết 128 được
ban hành, một số phương tiện truyền thông ở nước ngoài lập tức cho rằng
đó là thể hiện “thất bại” của Việt Nam trong phòng, chống dịch, hoặc vin
vào một vài trường hợp cá biệt để “bé xé ra to” cho rằng chống dịch ở
Việt Nam có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”! Họ vẫn sử dụng thủ
đoạn quen thuộc: một mặt cố tình phủ nhận thành quả phòng, chống dịch
của Việt Nam; một mặt thổi phồng một vài hạn chế để suy diễn, quy kết
làm ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam, và tác động làm giảm lòng tin của
nhân dân.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 128, bên cạnh việc tổ chức tập
huấn quy mô cho lực lượng chống dịch ở các địa phương, Thủ tướng Chính
phủ thường xuyên tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến để trực tiếp đánh
giá, biểu dương, phê bình, chấn chỉnh. Việc làm này là bình thường và
cần thiết, thể hiện sự sâu sát của một Chính phủ vì dân, hàng ngày, hàng
giờ sát cánh cùng nhân dân, kiểm soát dịch bệnh. Phải khẳng định, trong
gần hai năm dịch bệnh hoành hành, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã làm hết
sức mình, cùng nhân dân chống chọi, đẩy lùi dịch bệnh trong điều kiện
muôn vàn khó khăn, và đó là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt, các kết
quả khả quan đạt được từ khi áp dụng Nghị quyết 128 trong thời gian qua
cho thấy Đảng, Nhà nước luôn lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên
hàng đầu trong hoạch định chính sách. Chính phủ luôn có giải pháp phù
hợp từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể để phát huy sức mạnh tổng hợp của
khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Nghị
quyết 128 xác định mục tiêu sống còn là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính
mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc bệnh nặng, đặc
biệt là số người chết do COVID-19, từng bước khôi phục, phát triển kinh
tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu
kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có
thể, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của toàn dân. Với hàng loạt
giải pháp cụ thể được hướng dẫn kỹ càng cho các địa phương, có thể thấy,
Chính phủ và các cấp, các ngành, địa phương luôn ưu tiên hàng đầu công
tác kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan bùng phát trong cộng đồng. Bám
sát diễn biến thực tế, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm, bổ sung
hoàn thiện sao cho phù hợp với tình hình là cách phòng, chống dịch sáng
suốt, thông minh, nhờ đó mọi khó khăn đều được giải quyết kịp thời,
nhanh chóng điều chỉnh, xử lý hiệu quả vấn đề bất cập nảy sinh trong bối
cảnh mới. Đó là cơ sở để vừa qua Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao
cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Dù
trước mắt dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, thời điểm hiện tại
nhiều địa phương đang phải đối mặt nguy cơ bùng phát dịch trong cộng
đồng, nhưng với sự tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào
cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các
ngành liên quan và các địa phương, của các lực lượng tuyến đầu, đặc
biệt là vai trò của toàn dân, cùng với các kinh nghiệm phòng, chống dịch
đã tích lũy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng công tác phòng, chống dịch
COVID-19 ở Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích
cực, cuộc sống mọi mặt của người dân Việt Nam được ổn định và phát
triển./.