Không khí mùa xuân từ đất liền ra đảo
Sáng 29 Tết xuân Quý Tỵ, quân dân ở 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa tưng bừng phấn khởi đón chào xuân mới. Từ đảo chìm đến đảo nổi đều đượm cờ hoa, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc, hoa mai đem ra từ đất liền; từ đài canh đến các vọng gác tiền tiêu, ở đâu cũng rộn ràng đón Tết. Bên gốc cây phong ba tốp lính trẻ ngồi gói bánh chưng, dưới tán bàng vuông mấy chiến sĩ trang trí cành mai chuẩn bị cho đêm giao thừa hái hoa dân chủ, tốp lính khác làm những công việc cuối cùng trước giờ khắc giao thừa.
|
Xuân của lính đảo
|
Trung tá Đỗ Việt Hòa, Chính trị viên vừa từ đảo Sinh Tồn về đất liền, phấn khởi cho biết : “Đối với Trường Sa bao giờ cũng đón Tết sớm hơn đất liền. Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa giữa tình người, tình yêu biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, không có tính toán thiệt hơn, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng hi sinh của lính đảo hòa vào sóng nước mùa xuân. Những phần quà của đất liền gửi tặng, đó là nguồn động viên khích lệ để những người lính Trường Sa ấm lòng hơn, thêm vững chắc tay súng canh giữ biển trời”.
- Tết này, quân dân huyện đảo Trường Sa nhận được nhiều quà Tết của đất liền không, thưa anh?
- Nhiều chứ. Hầu như tất cả các cơ quan dân chính đảng đều gửi quà cho quân dân các đảo. Những phần quà ấy, không chỉ tiếp nguồn sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ yên tâm giữ gìn biển đảo, mà còn góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân dân huyện đảo. Chúng tôi luôn coi đó là sức mạnh đại đoàn kết, là sự chia sẻ một phần gian khó nhọc nhằn đối với những người lính nơi tuyến đầu sóng gió.
Với quân dân huyện đảo Trường Sa, bắt đầu từ tháng 12 dương lịch không khí mùa xuân đã nhen nhóm trong lòng mỗi người. Bên gốc cây bàng vuông này tốp lính trẻ nói chuyện ngày tết ở quê, dưới tán lá phi lao kia, những sĩ quan trẻ viết thư cho người yêu ở đất liền. Ấm trà bắc nóng hổi bên bàn đá, chỉ huy đảo bàn bạc chuyện giết lợn, gói giò, nấu bánh chưng, tổ chức đón giao thừa… Trong nhiều niềm vui đón chào xuân mới, niềm vui nhất của lính trẻ là nhận được thư người thân từ đất liền gửi tới. Họ cho rằng, nếu nhận được thư ở chuyến tàu đầu tiên chở hàng Tết ra đảo là gặp may mắn cả năm. Tuy ở đảo chiến sĩ trẻ bây giờ đã được gọi điện về đất liền thăm người thân, song có những điều sâu kín không thể tỏ bày hết trên điện thoại. Bởi thế, lá thư mùa xuân chứa chan niềm yêu thương đối với các chiến sĩ trẻ bao giờ vẫn là món quà Tết đầy ý nghĩa nhất.
Chiến sĩ Lê Văn Thắng, quê Thanh Hóa, ở đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Những điều sâu kín không thể oang oang trong điện thoại. Em vẫn thích thư viết tay, nó như bằng chứng chân thành nói lời mình mong muốn. Tết năm ngoái em nhận được 5 lá thư của người thân, em hi vọng chuyến tàu Tết em sẽ nhận được thư của bạn gái và quà của gia đình”.
Đất liền có gì, Trường Sa có nấy
Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng Tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Ngoài những con lợn béo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh, mứt, gạo nếp, miến, măng và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, không thể thiếu mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân từ miền Bắc. Từ khi Trường Sa khoác lên mình màu áo mới nhờ có sự quan tâm chăm sóc của hậu phương, hầu hết các đảo đều nuôi được heo, gà, vịt, trồng rau xanh, nên thực đơn trong những ngày Tết khá phong phú. Nói về thực phẩm đón Tết của bộ đội ở đảo, Trung tá Đỗ Việt Hòa khoe: “Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ chẳng khác đất liền. Đất liền có gì, Trường Sa có nấy. Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa lớn và các đảo nổi khác thì đi chơi xuân trên đường băng, hoặc ngồi dưới gốc cây bàng vuông giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm thì hái hoa dân chủ. Chỉ khác đất liền là không được đi hái lộc xuân, không được cùng người thân nấu bánh chưng bên bếp than hồng”.
|
Quà tết đến Trường Sa Lớn
|
Không biết từ bao giờ, ngày tất niên đối với lính các đảo được qui định đúng chiều 28 Tết. Từ sáng sớm, cán bộ chiến sĩ chỉnh tề trong quân phục mới nhất đi dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Tiếp đó là các phần việc: Mổ lợn, gói giò, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc. Ngày Tết, ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép “diện” một bộ quần áo dân sự đẹp nhất, còn lính trẻ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, là quần áo phẳng phiu, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác; trang trí phòng nghỉ, chăng đèn kết hoa. Có một điều đặc biệt phải quan sát kỹ mới phát hiện được, đó là “góc nhỏ riêng tư” của các chiến sĩ ở cạnh đầu giường hoặc một nơi nào đó. Đó là môt góc thu nhỏ trưng bày những lá thư “màu tím”, hoặc vật kỷ niệm, hoặc cuốn nhật ký, để khoe với bạn bè, với niềm mong muốn: xin để chia sẻ niềm vui cùng đồng đội
Nếu đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Bánh chưng gói lá bàng vuông không chỉ đặc biệt bởi vị chát ngọt của lá, mà mang vị mặn mòi của biển và đã trở thành đặc sản chỉ lính đảo Trường Sa mới có. “Bây giờ các đảo đều có lá dong đem từ đất liền để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn thấy thiêng liêng hơn. Bởi trong mỗi chiếc bánh chưng, có tinh thần thép của người lính đảo. Sau ba ngày Tết, bánh chưng Trường Sa bao giờ cũng để lại dăm chiếc để đãi đoàn khách từ đất liền thăm đảo đầu năm”, Trung tá Đỗ Việt Hòa cho biết.
Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng. Trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảo trưởng xúc động bày tỏ: “Trong giờ khắc giao thừa linh thiêng năm mới, chúng tôi, cán bộ chiến sĩ Trường Sa xin hứa với Tổ quốc và Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất mẹ nơi đầu sóng ngọn gió, dù gian khổ đến mấy, dù phải hi sinh đến tính mạng của mình”. Trong phút giây giao thừa ấy, tim những người lính hướng về Tổ quốc, về các liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ cột mốc chủ quyền, vì một quần đảo Trường Sa thiêng liêng giữa ngàn khơi.
Thiêng liêng như Tết Trường Sa
Có lẽ, những ai đã từng đón Tết Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ của nó. Trong thời khắc giao thừa chuyển mùa sang xuân, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, tự trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào xúc động. Tự hào bởi được canh trời giữ biển cho đất liền đón Tết vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin giữ đảo, tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về các anh với tất cả niềm thương nhớ vô bờ.
|
Tuần tra canh giữ vùng đất của Tổ quốc
|
Tiếng đàn ghi ta bập bùng giữa bộn bề sóng nước, chẳng ai bắt nhịp, tất cả mọi người hát say mê từ trái tim mình trong niềm xúc động: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua, chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”. Lời hát vang vọng cả một vùng biển nước, thấm vào gan ruột từng chiến sĩ. Lời ca ấy như lời Tổ quốc gọi tên mình, hãy đem sức trai cống hiến vì Tổ quốc, đừng bao giờ hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Chiến sĩ Lê Văn Thắng ở đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Phút giao thừa là xúc động nhất. Khi cất lên bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, em thấy Tổ quốc mình thiêng liêng vô cùng. Vừa hát vừa khóc. Khóc vì niềm tự hào được canh đảo để đất liền đón Tết vui xuân, khóc vì sự thầm lặng hi sinh của lính đảo, và khóc vì yêu Tổ quốc mình”.
Biển đã vào xuân, Trường Sa đón Tết, cái Tết của những người lính trẻ nơi tuyến đầu Tổ quốc không chỉ chứa trong tim mình khát vọng hòa bình vì một Trường Sa thân thương, mà còn thầm lặng cống hiến và sẵn sàng hi sinh quên mình vì một thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi Tổ quốc./.
(Mai Tuấn Cường/QĐND)