Sáng 6/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng
Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành cho ý kiến hoàn thiện dự thảo
Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết
một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (dự thảo Nghị định).
ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN CHO ĐỊA PHƯƠNG
Đánh giá cao công tác chuẩn bị, tiếp thu, giải trình của Cơ quan soạn
thảo và các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết,
cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, dự thảo Nghị
định cần có các quy định để gắn với trách nhiệm, thẩm quyền của cấp xã,
phường; rà soát lại các phụ lục chi tiết, tiêu chí định lượng rõ ràng,
dễ hiểu, dễ thực hiện, theo hướng quản lý theo mục tiêu, tính chất, mức
độ tác động, tính chất nguồn gây ô nhiễm môi trường thay vì quy mô, phạm
vi dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục bám sát
Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật chuyên ngành; đẩy mạnh giải quyết
thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đánh giá tác động của những
chính sách bảo vệ môi trường, khuyến khích tái chế đối với doanh nghiệp;
nghiên cứu, dự báo những lĩnh vực, loại chất thải mới phát sinh để tính
toán, thiết kế cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường từ sớm, từ xa.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về kiến nghị tích hợp nhiều
công trình, dự án trên cùng một địa bàn khi cấp giấy phép môi trường;
đánh giá tác động môi trường của các dự án sử dụng đất chuyển đổi mục
đích sử dụng từ đất trồng lúa; thẩm quyền giao cho các bộ, ngành ban
hành quy chuẩn về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chuyên ngành; yêu cầu
về đánh giá tác động môi trường từ giai đoạn chuẩn bị dự án xin chủ
trương đầu tư; cơ chế, cách thức sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ môi
trường do doanh nghiệp đóng góp...
TẬP TRUNG CẮT GIẢM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các
quy định nhằm cắt giảm thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi
trường, giấy phép môi trường; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa
phương.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ tập trung giải quyết thủ tục
hành chính về môi trường cho các đối tượng: Thực hiện trên địa bàn liên
tỉnh; có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước mặt liên tỉnh; thuộc
thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định chủ
trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Quốc hội, Thủ
tướng Chính phủ; các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với
quy mô, công suất lớn (ngoài các đối tượng đã thực hiện phân cấp).
Dự kiến có khoảng 56% hồ sơ sẽ được phân cấp
cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khoảng
11% đối tượng được cắt giảm thủ tục hành chính về thẩm định báo cáo
này.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Hà Nam,
thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... về kiến nghị mở rộng cơ
chế cấp giấy phép môi trường chung cho nhiều công trình trong cùng một
dự án hoặc nhiều dự án trên một địa bàn; quy mô, loại dự án đầu tư công
cần lấy tham vấn về môi trường tại địa phương; hướng dẫn trình tự, thủ
tục đấu thầu thu gom, xử lý chất thải...
Dự thảo Nghị định đã rà soát, cập nhật, sửa đổi danh mục quy hoạch
phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; làm rõ hơn về yếu tố
nhạy cảm về môi trường; cụ thể hóa một số quy định trong đánh giá tác
động, giấy phép, đăng ký môi trường để đảm bảo rõ ràng, minh bạch; sửa
đổi một số quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm bao bì của tổ
chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR); về quản lý chất thải, nguồn
chi sự nghiệp bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra;
quy chế quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên cũng như trong
hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn…
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại
diện Bộ Tư pháp đã thảo luận, tiếp tục làm rõ một số nhóm vấn đề còn ý
kiến khác nhau liên quan đến miễn thuế xuất khẩu sản phẩm được sản xuất
từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; miễn thuế nhập khẩu máy móc,
thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu để sử dụng
trong các dự án, cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất
thải rắn sinh hoạt tập trung và dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập
trung; thu phí xử lý chất thải đối với hàng hóa, thiết bị, nguyên vật
liệu sản xuất đối với doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, một số hiệp hội cũng đóng góp chi tiết một số điều,
khoản liên quan đến quy định nhập khẩu phế liệu để sản xuất hạt nhựa,
giấy… để bảo đảm tính khả thi sau khi Nghị định được ban hành./.
TTXVN