Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 24/5/2014 15:36'(GMT+7)

Thiết thực, rộng khắp trong hỗ trợ ngư dân

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN trao tặng số tiền "Xuân Trường Sa" cho Hải quân Việt Nam.(Ảnh: VTV)

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN trao tặng số tiền "Xuân Trường Sa" cho Hải quân Việt Nam.(Ảnh: VTV)

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và một số đơn vị đã phối hợp tổ chức Chương trình nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương”. Mục đích của chương trình là kết nối sự quan tâm, chia sẻ của nhân dân cả nước với quân, dân và ngư dân trên các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Trên thực tế, việc giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân không phải bây giờ mới diễn ra. Thời gian vừa qua, nhiều chương trình, việc làm thiết thực như: “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, chương trình “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”, Quỹ “Hỗ trợ ngư dân”, chương trình “Kết nối biển Đông”, chương trình “Cùng ra khơi” với việc triển khai gói cước di động trả trước Sea+ dành riêng cho người dân vùng biển và ven biển Việt Nam... đã giúp được rất nhiều ngư dân yên tâm bám biển làm giầu, khai thác các nguồn lợi trên vùng biển Việt Nam…

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay việc hỗ trợ ngư dân đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn, nhất là khi tình hình biển đảo đang có những diễn biến phức tạp, thì việc thực hiện chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương” là một việc làm kịp thời và thiết thực. Từ nguồn thu của chương trình sẽ sử dụng vào mục đích giúp để mua trang thiết bị sản xuất nước ngọt, các thiết bị thông tin liên lạc, giải trí, cây con giống để tặng quân, dân và ngư dân trên các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời, mua tặng một số trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển nhằm giúp các chiến sĩ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chương trình trên còn góp phần nhân lên tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và đạo lý “tương thân, tương ái” của dân tộc ta; đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc cùng các lực lượng chức năng và ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của Tổ quốc.

Mục đích, ý nghĩa của chương trình rất tốt đẹp nhưng thực tế các chương trình ủng hộ ngư dân cũng đang đặt ra yêu cầu cần có sự quản lý thống nhất chung. Việc có nhiều tổ chức, cơ quan cùng đứng ra tổ chức các chương trình hỗ trợ ngư dân sẽ không tránh khỏi sự chồng chéo, thiếu toàn diện, cục bộ. Có nơi được hỗ trợ tốt, có nơi lại không được quan tâm hoặc có cái ngư dân cần hỗ trợ thì không có, trong khi cái không cần thì dư thừa. Như vậy, để chương trình hỗ trợ ngư dân được thực hiện có hiệu quả cần có chiến dịch tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tích cực ủng hộ bằng nhiều hình thức và những việc làm thiết thực. Số tiền thu được từ việc nhắn tin ủng hộ vì biển đảo quê hương phải được thu về một đầu mối để triển khai hỗ trợ một cách toàn diện, đều khắp. Giúp đỡ ngư dân phải được tiến hành công khai, minh bạch, chống tình trạng lợi dụng chương trình để trục lợi cho tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp của chương trình và  làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền.

Hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân không chỉ là chương trình mang lại lợi ích kinh tế-xã hội thiết thực mà còn là hành động chung sức vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Vì thế, nhất định chương trình phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học nhằm phát huy hiệu quả cao nhất./.

 (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất