Thứ Bảy, 21/12/2024

Thiết thực và hiệu quả các hoạt động hướng về ngày bầu cử

Triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả về ngày bầu cử

* Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh đang mở đợt cao điểm tập trung tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Công tác tuyên truyền đặt trọng tâm vào các nội dung về tiêu chuẩn đại biểu, quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, quyền của cử tri, các quy định về trình tự bầu cử và thể thức bầu cử. Tỉnh tăng cường tuyên truyền qua trạm truyền thanh tại các điểm bỏ phiếu để cử tri nắm rõ trình tự và thể thức bầu cử; tăng cường các panô, áp phích tuyên truyền trên các trục đường chính ở trung tâm các huyện, thị xã. 


Ủy ban bầu cử tỉnh Bình Phước cấp phát 2.900 cuốn tài liệu các văn bản về bầu cử và 2.900 cuốn hỏi đáp về bầu cử do Hội đồng Bầu cử quốc gia biên soạn để chuyển tới các xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã in ấn các loại khẩu hiệu để cấp cho các địa phương phục vụ tuyên truyền về bầu cử. Ủy ban bầu cử các huyện, thị xã cũng triển khai hướng dẫn tuyên truyền về bầu cử và chủ động in ấn, kẻ vẽ các pano, khẩu hiệu phục vụ công tác tuyên truyền bầu cử ở các khu trung tâm dân cư và các trục đường chính trên địa bàn tỉnh và các huyện, thị xã. 

Tại thị xã Đồng Xoài là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Phước, cơ quan thường trực Ủy ban bầu cử thị xã Đồng Xoài đã cấp phát và bàn giao các loại tài liệu, trang thiết bị, văn phòng phẩm, đồ dùng các loại phục vụ cho hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho Ủy ban bầu cử các xã, phường và các tổ bầu cử trên địa bàn thị xã. Phòng Nội vụ thị xã cấp phát và bàn giao cho Ủy ban bầu cử các xã, phường 59 hòm phiếu chính, 59 hòm phiếu phụ, 280.000 phiếu bầu cử các loại, trong đó có 70.000 phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và 210.000 phiếu bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, HĐND thị xã và HĐND xã, phường. Ủy ban bầu cử thị xã cũng cấp phát các trang thiết bị phục vụ cho công tác trang trí và thực hiện nhiệm vụ bầu cử của 59 tổ bầu cử và 59 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn thị xã như phông trang trí, băng rôn, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và văn phòng phẩm các loại.

* Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Đắk Nông cho biết, từ nay đến ngày bầu cử, tỉnh Đắk Nông tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử, chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động ở cơ sở, nhất là ở vùng đông đồng bào theo đạo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo, không để tình trạng đơn kéo dài, vượt cấp, đặc biệt là tại các điểm nóng khiếu kiện tranh chấp đất đai...

Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát kỹ công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử; thường xuyên theo dõi, kịp thời bảo vệ an ninh biên giới, an ninh nông thôn, an ninh trật tự và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn. 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh, tuyên truyền cổ động và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.  

Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỉnh Đắk Nông có 723 điểm bỏ phiếu, với số cử tri là 377.255 người. Các cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu ra 6 đại biểu Quốc hội, 53 đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Các Đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động 19 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông được Trung ương cho phép bầu cử sớm hơn một ngày so với ngày bầu cử toàn quốc (22/5/2016). 

* Cùng với việc chuẩn bị tốt các điều kiện cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp sắp tới, nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Trị đang tích cực, chủ động tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, đưa thông tin đến cơ sở bằng nhiều hình thức hiệu quả, tạo khí thế sôi nổi hướng về cuộc bầu cử.

Vượt dốc, leo đèo đưa thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp đến từng bản làng xa xôi, đó là công việc thường ngày của cán bộ văn hóa xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trong những ngày này. Nhằm khắc phục khó khăn vì các bản vùng khó chưa có hệ thống loa phát thanh, cán bộ ở đây đã chuẩn bị âm ly, thiết bị, loa máy đến lắp đặt và tuyên truyền cho từng bản để bà con tiện theo dõi, nắm bắt thông tin. Thời gian tuyên truyền của cán bộ xã bắt đầu từ 5 giờ và kết thúc vào lúc 18 giờ mỗi ngày. Anh Nguyễn Đình Vinh, cán bộ văn hóa xã hội xã Tân Lập cho biết: Xác định nhiệm vụ tuyên truyền cũng là nhiệm vụ chính trị của địa phương, với đặc thù vùng khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào Vân kiều sinh sống ở địa bàn xa, ngành văn hóa thông tin cố gắng khắc phục khó khăn để làm tốt công tác tuyên truyền về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đến tận nhân dân, để người dân nắm và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ trong công tác bầu cử sắp tới. 

Với trăn trở làm thế nào để thông tin đến với từng người dân, cán bộ xã Tân Lập đã nhanh nhạy, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, cài đặt hệ thống thu âm, xây dựng nội dung tuyên truyền tích hợp trong đĩa CD. Ý tưởng sáng tạo này đã góp phần giúp công tác tuyên truyền thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ tuyên truyền, lãnh đạo xã cũng đề ra kế hoạch, định hướng để nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền. Ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Phòng Nội vụ huyện Hướng Hóa khẳng định tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường vận động, tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng bằng các loa máy tại các thôn bản… 

Ngoài các hình thức tuyên truyền bằng miệng, tuyên truyền trực tiếp, các địa phương trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa nói riêng, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị còn chủ động lắp đặt hệ thống panô, áp phích, tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, để nhân dân tự giác, tích cực tham gia cuộc bầu cử, từ đó lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, xứng đáng là đại biểu của nhân dân, toàn tâm, toàn ý xây dựng đất nước...

Sáng tạo trong tuyên truyền để nhân dân nắm rõ quy định về bầu cử 

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác niêm yết danh sách, lý lịch của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo các đơn vị bầu cử. Tại các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh, công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ mới đang được đẩy mạnh. Đối với những cư dân sinh sống trên sông (làng cá bè), các cấp chính quyền Đồng Nai sử dụng thuyền, xuồng để ra tận bè cá, gặp gỡ, thông tin cho họ những nội dung liên quan đến Quốc hội, HĐND, mục đích, ý nghĩa của bầu cử, quyền và trách nhiệm khi đi bầu cử. 

Theo ông Phạm Hữu Quyết, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), xã Phú Ngọc có hơn 150 hộ sinh sống, làm nghề đánh bắt, nuôi thủy hải sản trên sông La Ngà. Để đảm bảo tất cả cư dân làng bè từ 18 tuổi trở lên và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được đi bầu cử, những ngày qua, chính quyền xã La Ngà đã dùng thuyền đi dọc làng bè, dùng loa tuyên truyền đến người dân; cử cán bộ “chốt” ở các điểm mua bán hải sản dọc sông La Ngà để thông tin giúp ngư dân hiểu biết đầy đủ về bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Ngoài ra, xã Phú Ngọc cũng rà soát kỹ danh sách cử tri, không để sót lọt cử tri làng bè (đủ tiêu chuẩn) thường trú trên địa bàn xã. 

Toàn xã La Ngà (huyện Định Quán) hiện có 120 hộ dân sống trên sông La Ngà và lòng hồ Trị An. Do ngư dân sống phân tán, xã thiếu phương tiện nên hàng ngày lãnh đạo xã La Ngà cử cán bộ tới bờ sông, khu vực lòng hồ, sau đó kêu gọi ngư dân tập trung lên bờ sông để tuyên truyền. Người làng bè không có nhiều thời gian rảnh nên các buổi tuyên truyền thường diễn ra trong thời gian ngắn; cán bộ xã biên soạn lại tài liệu, giới thiệu cho bà con những thông tin cơ bản nhất (quyền bầu cử, ứng cử, độ tuổi đi bầu cử, địa điểm, thời gian bầu cử). Từ nay đến trước ngày 22/5, việc tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho cư dân làng bè ngay tại bờ sông tiếp tục được xã La Ngà triển khai. 

Làng cá bè Tân Mai, có khoảng 240 hộ dân, nằm trên sông Đồng Nai, thuộc các phường Tân Mai, Hiệp Hòa, Thống Nhất (thành phố Biên Hòa), từ đầu tháng 5/2016, công tác tuyên truyền về bầu cử được các cấp chính quyền triển khai tích cực. Ngoài cách làm truyền thống (đọc trên loa phát thanh, phát tài liệu), chính quyền các phường trên đều có những cách làm riêng để cư dân làng bè nắm rõ quy định về bầu cử.

Ông Đoàn Đình Thư, Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết: Phường Tân Mai có 84 hộ dân sinh sống, làm nghề nuôi cá bè ở sông Đồng Nai. Vào buổi chiều, chính quyền phường phối hợp cùng lãnh đạo các khu phố dùng xuồng ra tận các bè cá tuyên truyền bầu cử cho ngư dân. Để tạo thuận lợi cho ngư dân, Ủy ban Bầu cử phường Tân Mai đã bố trí một số điểm bỏ phiếu ở gần làng bè. Theo ông Nguyễn Văn Dương, ở làng cá bè Tân Mai, việc các cấp chính quyền đến từng bè cá tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với dân làng bè; giúp ngư dân được tiếp cận thông tin, nhận thức được bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đi bầu cử không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Ngày 22/5, dân làng bè sẽ sắp xếp mọi thời gian, đi bầu cử theo quy định. 

Theo Sở Tư pháp Đồng Nai, công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Đồng Nai đang được 169 xã, phường trong tỉnh triển khai sâu rộng, khẩn trương. Với những đối tượng đặc thù như ngư dân sống trên sông, chính quyền địa phương đã có những cách tuyên truyền hay, mang lại hiệu quả cao, giúp ngư dân hiểu về Quốc hội, HĐND, nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của bầu cử cũng như quyền và nghĩa vụ của cử tri.

Chương trình hành động của ứng cử viên gắn liền với nguyện vọng chính đáng của cử tri

Trong 3 ngày từ 8 - 10/5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đơn vị bầu cử số 3, tỉnh Thái Nguyên gồm các ông, bà: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đỗ Đại Phong, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên; Trần Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thuốc Thú y Đức Hạnh MaPhavet đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công thuộc tỉnh Thái Nguyên. 

Sau khi nghe đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên giới thiệu tóm tắt tiểu sử và quá trình công tác của 4 ứng cử viên, các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội. Trong đó, các ứng cử viên khẳng định, nếu trúng cử sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tham nhũng; giữ vững mối liên hệ với cử tri để kịp thời đề xuất các cơ chế, giải pháp phù hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc... tại cơ sở. Bày tỏ sự tin tưởng đối với những người ứng cử, cử tri Thái Nguyên mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ đáp ứng nguyện vọng mà nhân dân gửi gắm, phát huy trách nhiệm thực hiện hiệu quả chương trình hành động của mình, phán ánh mang tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến Quốc hội. 

* Ngày 10/5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Tuyên Quang đã tiếp xúc cử tri huyện huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Tuyên Quang gồm các ông, bà: Hoàng Bình Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Ma Thị Thúy, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang (khóa XIII); Đào Quang Uy, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Thị Hoài Yên, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn Báo Tuyên Quang. 

Tại hội nghị, cử tri đã nghe giới thiệu tóm tắt tiểu sử và quá trình công tác của các ứng cử viên. Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động, bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và thể hiện quyết tâm không ngừng học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, tận tâm, tận lực làm tròn trách nhiệm của người đại biểu của nhân dân nếu trúng cử; trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, gương mẫu chấp hành pháp luật, quan tâm đến những quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Bên cạnh đó, tích cực nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng những chính sách về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân và động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… 

Cử tri tin tưởng các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri, tích cực phối hợp với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống; triển khai nhiều đề án, chương trình kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân… Tỉnh Tuyên Quang có 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại 3 đơn vị bầu cử. Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử, tỉnh Tuyên Quang có 567.204 cử tri. 

* Từ ngày 4 - 10/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 3. Đơn vị bầu cử số 3 có 5 ứng cử viên gồm: ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội; ông Lê Ngọc Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Nguyễn Viết Thành - Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. 

Phần lớn cử tri quan tâm đến các vấn đề đảm bảo nền kinh tế vĩ mô phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả những bức xúc trong đời sống. Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội gắn liền với nguyện vọng chính đáng của cử tri. Về công tác quốc phòng, cử tri bày tỏ sự tin tưởng đối với các quyết sách, các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc duy trì một chính sách đối ngoại rộng mở, tự chủ, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Về tình hình diễn biến ngày càng phức tạp trên biển Đông, nhất là ở các ngư trường Hoàng Sa, Truyền Sa truyền thống, cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có giải pháp vừa mềm dẻo nhưng vừa cương quyết để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thể, bảo vệ ngư dân làm ăn trên biển. 

Một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần có chiến lược hành động vừa cấp bách, vừa lâu dài để hạn chế, kìm hãm và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, sách nhiều, gây phiền hà cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo môi trường, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Cử tri kiến nghị cần đẩy mạnh công tác đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp. Hỗ trợ vốn, kỹ thuật để người dân ở khu vực nông thôn, miền núi có điều kiện phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại, xây dựng nông thôn mới. Làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết tốt các chính sách đối với người có công, đảm bảo an sinh xã hội.

Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử

Ngày 10/5, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ làm trưởng đoàn đã đến Phú Yên giám sát, kiểm tra công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Đỗ Bá Tỵ cùng đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực bỏ phiếu số 5 thuộc phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. 

Sau khi nghe các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Yên báo cáo tình hình, ông Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao tỉnh Phú Yên đã thực hiện tốt các bước chuẩn bị công tác bầu cử một cách chủ động. Ông đề nghị từ nay đến ngày bầu cử 22/5, tỉnh Phú Yên tiếp tục quán triệt Chỉ thị 51-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trong toàn thể cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành; rà soát lại toàn bộ các bước chuẩn bị bầu cử như hòm phiếu, danh sách cử tri. Phú Yên cũng làm tốt hơn nữa công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. 

Về đảm bảo trật tự, an ninh cho cuộc bầu cử, ông Đỗ Bá Tỵ lưu ý các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình từ những việc nhỏ nhất, để trên cơ sở đó tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền; cần làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng. Là địa phương vùng biển, tỉnh Phú Yên cần hết sức chú ý đến các ngư dân, nhất là ngư dân hành nghề khai thác xa bờ, làm sao để mọi cử tri đều được tham gia bỏ phiếu. 

Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Yên cho biết, công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh đã được triển khai khẩn trương, đúng tiến độ và đúng luật định. Tỉnh đã thành lập 862 khu vực bỏ phiếu. Các địa phương cũng đã hoàn thành việc lập và niêm yết danh sách cử tri với 666.492 người, trong đó cử tri lực lượng vũ trang ở khu vực bỏ phiếu riêng có 3.757 người. Hiện nay, Ủy ban bầu cử các cấp ở Phú Yên tiếp tục rà soát, chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử như: thẻ cử tri, phù hiệu các tổ chức phụ trách bầu cử, con dấu phục vụ bầu cử, trang trí thùng phiếu chính, thùng phiếu phụ; phiếu bầu cử… Các cơ quan thông tin đại chúng đa dạng hóa các hình thức phổ biển, tuyên truyền về bầu cử; mở các chuyên trang hỏi - đáp về bầu cử./. 


TG tổng hợp




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất