Kể từ khi miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, 43 năm
qua, TP Hồ Chí Minh luôn là thành phố năng động, sáng tạo trên nhiều
lĩnh vực. Những khó khăn, thách thức, luôn được thành phố biến thành cơ
hội để có những bước đi phù hợp, khẳng định rõ hơn vai trò của mình
trong tiến trình phát triển chung của đất nước.
Khi non sông liền một dải, nhân dân thành phố cùng cả nước phấn khởi
trong niềm vui đất nước hòa bình, độc lập, tự do. Tuy nhiên, niềm vui
chưa được bao lâu, thành phố phải đứng trước những thách thức lớn khi
tình trạng thất nghiệp tràn lan và nạn đói đe dọa. Các nhà máy, công
trường sau một thời gian khôi phục bắt đầu thiếu nguyên liệu, xăng dầu.
Người dân thành phố phải ăn cơm độn, ăn bo bo, vượt qua khó khăn để duy
trì các lĩnh vực hoạt động xã hội không bị suy sụp.
Bất chấp những thách thức đó, khi ấy, lãnh đạo thành phố, tiêu biểu
là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã lăn lộn trong thực tiễn để tìm lối
thoát cho khủng hoảng kinh tế - xã hội. Từ những lần đi thực tế xuống
nhà máy, gặp gỡ công nhân, người đứng đầu thành phố đã tìm ra lời giải,
đưa ra những kế hoạch mang tính đột phá, "xé rào" để phát triển trong
nhiều ngành và ở một số tỉnh bạn.
Còn nhớ, trong thời gian ấy, Tân Bình được xem là "quê hương dệt" của
thành phố với hơn 4.000 máy dệt. Trước tình trạng giá gia công thấp,
thu nhập không đủ sống, công nhân phải bỏ máy để tìm kiếm công việc
khác, lãnh đạo quận đã nhiều lần bàn bạc để tìm ra giải pháp phù hợp.
Nếu không duy trì hoạt động, quận sẽ không hoàn thành chỉ tiêu 13 triệu
mét vải. Quận không hoàn thành chỉ tiêu đồng nghĩa thành phố cũng không
hoàn thành chỉ tiêu. Vì thế, lãnh đạo quận đã mạnh dạn đề xuất giá mới
vừa bảo đảm đời sống công nhân, vừa phù hợp với điều kiện của đất nước.
Ðề xuất giá mới của quận đã được Trung ương chấp thuận, và sau đó trở
thành chính sách chung áp dụng trên cả nước.
Bằng nhiều việc làm năng động, sáng tạo, người dân TP Hồ Chí Minh đã
tự cứu mình, đồng thời góp công đầu để cả nước vượt qua khủng hoảng và
chuyển từ "kinh tế tập trung bao cấp" sang "nền kinh tế hàng hóa nhiều
thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà
nước".
Sự năng động, sáng tạo của thành phố còn thể hiện ở nhiều giai đoạn
phát triển, trên nhiều lĩnh vực. Ðó là phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây
nhà tình nghĩa cho người có công có hoàn cảnh khó khăn; phong trào xóa
đói, giảm nghèo để giúp đỡ người dân khó khăn thoát nghèo… và nhiều
phong trào khác có khởi điểm từ thành phố mang tên Bác đã lan tỏa, nhân
rộng ra cả nước. Là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong giai đoạn công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, TP Hồ Chí Minh càng thể hiện rõ sự năng động,
sáng tạo bằng sự hình thành những khu chế xuất, khu công nghiệp, khu
công nghệ phần mềm và nhất là khu công nghệ cao… Có thể nói, truyền
thống năng động, sáng tạo đã trở thành một thuộc tính đáng quý của thành
phố.
Tuy vậy, TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với những thách thức
mới. Ðó là tình trạng ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước ngày càng
nghiêm trọng; chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh có phần tụt giảm...
Theo đánh giá của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, những năm gầy đây, sự vượt
trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt có chậm lại, thậm chí tụt
hậu. Nguyên nhân một phần do thách thức mới phát sinh cùng những hạn
chế, yếu kém tồn tại, tích lũy và gia tăng trong quá trình phát triển;
do cả sự nhận thức và chỉ đạo chưa tập trung, quyết liệt ở một số lĩnh
vực, sự việc cụ thể, gây bức xúc cho người dân.
Trước những khó khăn, thách thức đang gặp phải, thành phố cần huy
động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người
nhằm tạo động lực cho sáng tạo. Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên
Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HÐND thành phố Hồ Chí Minh, nguồn
lực to lớn của thành phố còn ở trong dân cần được khơi dậy bằng chủ
trương, chính sách đúng đắn, bằng công trình, công việc cụ thể để huy
động sự đóng góp của dân. Trong quá trình phát triển, thành phố cần có
quy hoạch, quản lý quy hoạch phù hợp, chú ý bảo tồn cho được di tích
lịch sử văn hóa đô thị nhằm nuôi dưỡng không gian sống với chiều sâu ký
ức của một đô thị rất đặc biệt như thành phố. Việc xây dựng thành phố có
chất lượng sống tốt, thành phố thông minh cần phải làm rõ nội dung,
tiêu chí, bước đi phù hợp và phải làm sao để người dân hiểu được và đóng
góp ý kiến, ý tưởng sáng tạo, kể cả ý kiến phản biện để xây dựng đề án,
chính sách hợp lòng dân.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội
đồng khoa học TP Hồ Chí Minh cho rằng, truyền thống năng động, sáng tạo
đã thấm vào máu người dân thành phố, từ lãnh đạo cao nhất đến người dân
bình thường. Ðể truyền thống tốt đẹp ấy tiếp tục được phát huy, thành
phố cần khai thác tài nguyên trí thức rất phong phú trên địa bàn và từ
bên ngoài; có chính sách thông thoáng, phù hợp để nhân tài khắp nơi tự
đến, cùng đóng góp xây dựng thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP
Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi đảng viên phải là một người sáng tạo, mỗi chi
bộ, tổ chức đảng phải ủng hộ, hỗ trợ sáng tạo. Người lãnh đạo các cấp
phải là "bà đỡ" cho đổi mới, sáng tạo, khuyến khích sáng tạo và phải bảo
vệ người sáng tạo, nhưng đồng thời cũng cảnh báo, kịp thời xử lý nghiêm
những hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội
về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố sẽ sớm ban hành
quy chế phân bổ thu nhập tăng thêm, trong đó có khuyến khích sáng tạo
hiệu quả nhằm tạo động lực cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức.
TP Hồ Chí Minh hiện đang tiếp tục phát triển lên tầm cao mới nhưng
khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Từ những bài học lịch sử cho thấy,
những khó khăn, thách thức đó chính là thời cơ, động lực để mỗi người
dân thành phố phát huy truyền thống năng động, sáng tạo đưa thành phố đi
lên, phát triển xứng tầm trong thời kỳ mới./.
Theo nhandan.com.vn