Thứ hai, ngày 20/11/2023, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, là ngày làm việc thứ 16 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, Quốc hội thảo
luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử
tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần
Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Phiên thảo luận có 22 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận;
trong đó ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri;
đánh giá phần lớn các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm trả lời, góp phần tháo gỡ
những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính
sách, pháp luật tại địa phương.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung:
việc chuyển ngạch và phân công lại nhiệm vụ đối với cán bộ dân số; tình
trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế, các bệnh viện
công lập ở một số tỉnh thành; vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế; việc thực
hiện chế độ, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách
mạng, hộ nghèo; vấn đề xác nhận hồ sơ tồn đọng về người có công với cách
mạng; vấn đề an sinh xã hội; giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường
không gian mạng; vấn đề dạy thêm học thêm; việc hỗ trợ kết nối dữ liệu
nền tảng số; vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu
vực hành lang an toàn của các công trình điện gió; bất cập trong vấn đề
xử lý rác thải; tình hình tội phạm công nghệ cao; việc xem xét lại một
số bản án đã tuyên liên quan đến đất đai xảy ra tại thành phố Đà Nẵng
thời gian qua; tình hình khiếu nại, tố cáo tập thể đông người, vượt cấp;
tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật đối với cử tri và nhân
dân; chính sách phát triển ngành tơ tằm Việt Nam; cơ chế hỗ trợ sản
xuất nông nghiệp; việc đầu tư một số dự án giao thông đường bộ; việc xem
xét, hỗ trợ kinh phí đo đạc, kiểm đếm để cấp Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất…
Nhằm nâng cao hơn nữa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, các ý
kiến đại biểu đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội
thực hiện giám sát đến cùng việc trả lời kiến nghị của cử tri. Các Đoàn
đại biểu Quốc hội cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri
trước và sau kỳ họp, tổng hợp văn bản chính xác các kiến nghị gửi tới cơ
quan có thẩm quyền. Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần xây dựng kế
hoạch tổ chức giám sát lại nội dung trả lời của các bộ ngành, qua đó đôn
đốc, theo dõi việc thực hiện; tăng cường tập huấn công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri.
Trong quá trình thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn
Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc
Dung đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, từ 14 giờ đến 15 giờ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức
Hải điều hành phiên thảo luận. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự
thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo
quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Phiên thảo luận đã có 10 đại biểu phát biểu; tất cả các ý kiến đại
biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải sớm ban hành Nghị quyết theo
thủ tục rút gọn tại một kỳ họp về việc áp dụng thuế thu nhập doanh
nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; đồng
thời, các đại biểu đề nghị phải có chính sách đầu tư ưu đãi song hành để
giữ chân các nhà đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư. Các đại biểu đề nghị
đánh giá kỹ tác động để quy định phù hợp trong Nghị quyết và có giải
pháp bảo đảm môi trường đầu tư; đề nghị rà soát, đánh giá lại các chính
sách ưu đãi để sửa đổi toàn diện các quy định có liên quan cho phù hợp
với tình hình mới, có tính toán đến các ưu đãi với các tập đoàn, doanh
nghiệp Việt Nam.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Từ 15 giờ 10 đến 15 giờ 30 và từ 15 giờ 50 đến
16 giờ 20: Với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải,
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ
tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân
sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giảm
thuế giá trị gia tăng. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc
giảm thuế giá trị gia tăng.
Phiên thảo luận có 5 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến đại biểu cơ
bản nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia
tăng để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng
kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, có đại biểu
đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết ban hành chính sách, đánh giá kỹ hơn
khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, đánh giá cơ sở tính toán
dự báo tác động ngân sách và kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Các đại biểu
thống nhất với phạm vi, đối tượng giảm thuế, thời gian áp dụng chính
sách, hiệu lực thi hành. Có ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng thêm chính
sách để áp dụng cho tất cả các nhóm hàng hóa dịch vụ đang chịu mức thuế
suất 10%; có ý kiến đề nghị áp dụng chính sách cho cả năm 2024.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ ba, ngày 21/11/2023: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường
nghe: các báo cáo và Báo cáo thẩm tra về công tác của Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác
phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm
2023; Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng
năm 2023.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi
hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
TTXVN