Ngày 21/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, dưới sự điều hành
của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn
thể tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký
Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo
giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn
giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; sau đó, Quốc hội biểu quyết
thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc
hội năm 2025 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: có 449
đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,2% tổng số đại biểu Quốc hội); có
448 đại biểu tán thành (bằng 91,99% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại
biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc
hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu,
chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết
thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Kết quả như sau: Có 463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,07%
tổng số đại biểu Quốc hội); có 457 đại biểu tán thành (bằng 93,84% tổng
số đại biểu Quốc hội); có 6 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,23% tổng
số đại biểu Quốc hội).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội
thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tại
phiên thảo luận có 26 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 7 ý kiến đại
biểu Quốc hội tranh luận.
Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí việc xây dựng Luật Tư pháp người
chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng
liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định
phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc
phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu
hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên
gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; quan điểm
chỉ đạo xây dựng Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc cơ bản; xác định
tuổi của người chưa thành niên; xử lý chuyển hướng đối với người chưa
thành niên phạm tội (các biện pháp xử lý chuyển hướng; các trường hợp
được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; các trường hợp không được áp
dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; điều kiện, nguyên tắc áp dụng biện
pháp xử lý chuyển hướng; quy trình xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp
dụng xử lý chuyển hướng; phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp
xử lý chuyển hướng tại cộng đồng...); các biện pháp ngăn chặn, biện
pháp cưỡng chế; việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên;
người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên;
việc thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên; tách
vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối
với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt
tù, tái hòa nhập cộng đồng…
Kết thúc thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở
số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các
tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Tại phiên thảo luận đã có 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý
kiến đại biểu cơ bản nhất trí việc sớm thi hành các Luật; đồng thời
đóng góp nhiều ý kiến về tính khả thi, mức độ đáp ứng các điều kiện đảm
bảo thi hành Luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và việc tổ chức
tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm khẩn trương ban
hành và chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ địa phương ban hành các
văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp; rà
soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để thống nhất, đồng bộ, khả thi,
không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật
và hệ thống pháp luật; nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ
quả tiêu cực để có giải pháp kiểm soát, khắc phục; quy định rõ về trách
nhiệm liên quan, báo cáo các đại biểu Quốc hội sau khi Luật được thông
qua, không để xảy ra khoảng trống và kẽ hở pháp lý hoặc để xảy ra tiêu
cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng
mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp;
không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích
chính đáng của người dân, doanh nghiệp, an ninh, trật tự, an toàn xã
hội.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xin ý kiến các
vị đại biểu Quốc hội trước khi thông qua Luật để bảo đảm sự thống nhất
và đồng thuận cao.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc
Khánh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngày 24/6, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu
quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); thảo luận về dự
án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội họp
phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê
chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; thảo luận về dự án Luật
Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi)./.
TTXVN