Tiếp tục phiên họp thứ 18, chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về giải pháp bảo đảm cân đối ngân sách các cấp năm 2012 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với một số khoản nộp ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng ngân sách nhà nước năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn. Thu, chi ngân sách nhà nước các cấp đều bị mất cân đối. Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số khoản chi không hết và chưa sử dụng để giữ vững cân đối ngân sách nhà nước các cấp là cần thiết và hợp lý.
Ông Phùng Quốc Hiển thống nhất với đề nghị của Chính phủ: cho quyết toán số tiền 1.874,4 tỷ đồng vào quyết toán ngân sách nhà nước niên độ 2011; sử dụng 1.500 tỷ đồng để bù giảm thu ngân sách Trung ương, 1.937 tỷ đồng bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương.
Riêng khoản hỗ trợ bù giảm thu cho tỉnh Quảng Ninh 200 tỷ đồng theo đề nghị của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng tỉnh Quảng Ninh không thuộc diện được hỗ trợ, nguồn lực tại chỗ của địa phương này đủ để bù đắp số giảm thu, do đó không hỗ trợ cho tỉnh này mà nguồn tiền đó dành bố trí bổ sung để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chiếu theo nguyên tắc thì Quảng Ninh không thuộc đối tượng bù giảm thu nên không thể giải quyết. Nếu lý giải hỗ trợ bù giảm thu để có nguồn triển khai các nhiệm vụ cấp bách thì tỉnh nào cũng cần, không thể cứ cấp bách là phải hỗ trợ, giải quyết cho tỉnh này mà không giải quyết cho tỉnh kia là không được.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, các địa phương bị hụt thu thì phải sắp xếp lại chi, phải sử dụng tất cả các nguồn để bù trừ. Khi không còn nguồn nào thì mới được bù. Hiện còn 9 địa phương thiếu nguồn khoảng 2.190 tỷ đồng, trong đó 7 địa phương nhận bổ sung cân đối (Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang, An Giang) thiếu nguồn khoảng 680 tỷ đồng; hai địa phương điều tiết về ngân sách Trung ương (Hải Phòng, Vĩnh Phúc) thiếu nguồn khoảng 1.510 tỷ đồng.
Quảng Ninh không nằm trong diện hỗ trợ vì có nguồn bù đắp và có thể bù đủ nhưng do tỉnh này đang có nhiều khó khăn về đầu tư hạ tầng, là địa phương biên giới với địa hình nhiều núi cao, biển đảo và nhiều vùng đồng bào dân tộc, rất cần có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền và biển đảo. Do đó, Chính phủ đề nghị hỗ trợ cho tỉnh 200 tỷ đồng để xử lý một phần số hụt thu làm giảm nguồn cân đối của ngân sách địa phương
Từ những phân tích trên, Thường vụ Quốc hội thống nhất cho quyết toán 1.874 tỷ đồng vào quyết toán ngân sách nhà nước niên độ 2011. Số tiền còn lại của ngân sách Trung ương sẽ bù giảm thu ngân sách Trung ương 1.500 tỷ đồng, bù giảm thu cân đối cho 9 địa phương (Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang, An Giang, Hải Phòng và Vĩnh Phúc) 1.737 tỷ đồng, thưởng vượt thu 283 tỷ đồng cho 4 địa phương vượt dự toán thu Trung ương giao, thưởng cho các địa phương vượt dự toán thu theo quy định, hỗ trợ đầu tư trở lại cho 7 địa phương có cửa khẩu quốc tế đường bộ có nguồn thu, số còn lại dành cho hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Như vậy, tổng số vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam sẽ là 479,2 tỷ đồng, cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 713,3 tỷ đồng.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với một số khoản nộp ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành, Thường vụ Quốc hội không đồng ý ban hành Nghị quyết với lý giải số việc được đề nghị miễn phần lớn thuộc các bản án, quyết định hình sự, nên việc cho miễn phải bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và thi hành án dân sự. Nếu Quốc hội cho miễn một số lượng lớn vụ việc không thỏa mãn những điều kiện như quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, thì có thể tạo ra tiền lệ bất lợi trong việc áp dụng và chấp hành pháp luật, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, tồn đọng vẫn hoàn tồn đọng và rất có thể 5-10 năm tiếp theo, Quốc hội lại phải ra một Nghị quyết tương tự.
Bên cạnh đó, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết có liên quan đến quy định của Luật Thi hành án dân sự và các luật liên quan, do vậy, nếu cần thiết phải giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì Chính phủ cần nghiên cứu đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.
Thường vụ Quốc hội đề nghị không đặt vấn đề ban hành thêm Nghị quyết riêng để điều chỉnh vấn đề này, tránh tạo ra sự chồng chéo, xung đột pháp luật. Điều kiện được miễn nghĩa vụ thi hành án tiếp tục được thực hiện theo Điều 61 Luật Thi hành án dân sự cho đến khi tổng kết và sửa đổi Luật.
Hiện tại, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình chính thức năm 2014 (dự kiến cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8)./.
(TTXVN)