Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Đáng chú ý, Nghị định 48 bổ sung thêm hai nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, ngoài 4 nguyên tắc theo quy định tại Nghị định 90.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá sẽ xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá.
Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá, quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
Bên cạnh đó, Nghị định 48 bổ sung quy định, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức viên chức.
Bộ Nội vụ cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định mục tiêu: "Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; "tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức"; "hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ".
Triển khai các quan điểm chỉ đạo trên, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số văn bản mới liên quan đến công tác cán bộ như Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ.
Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc, thiếu căn cứ pháp lý để xử lý một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ. Một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như thẩm quyền đánh giá, xếp loại; quy định về việc ban hành Quy chế đánh giá...
Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 90 là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng, Bộ Nội vụ đã rà soát, chỉnh lý Nghị định 90 theo hướng bổ sung nguyên tắc đã bị xử lý kỷ luật, đương nhiên xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ, kể cả trường hợp bị xử lý kỷ luật về hành vi không liên quan đến hoạt động công vụ (do không đáp ứng tiêu chí chung về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước); đồng thời để bảo đảm đồng bộ với điểm c khoản 4 Điều 12 Quy định số 132. Bổ sung tỷ lệ xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thống nhất với tỷ lệ xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đảng viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Quy định số 132.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, gỡ vướng mắc từ thực tiễn thực hiện, Nghị định sửa đổi quy định về nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với trường hợp bị xử lý kỷ luật đảng và chính quyền về cùng một hành vi nhưng quyết định kỷ luật ban hành trong 2 năm khác nhau, tránh hiểu là cùng hành vi vi phạm bị xem xét đánh giá, xếp loại 2 lần ở 2 năm khác nhau. Đồng thời, bổ sung quy định nguyên tắc đã bị kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính, xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá để áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện. Sửa đổi quy định về việc ban hành Quy chế đánh giá để phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Lý giải về việc dự thảo Nghị định không ghi rõ tỷ lệ cá nhân được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số được xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" như Quy định số 132 và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương (về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp), Bộ Nội vụ cho biết, theo cách tính tại Quy định số 132, tỷ lệ 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tính trên tổng số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dự thảo Nghị định quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tương ứng với tỷ lệ theo quy định của Đảng nhưng tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị, do không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều là đảng viên và để bảo đảm quyền lợi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Dự thảo Nghị định dẫn chiếu quy định của Đảng là phù hợp để bảo đảm tương thích khi có sự thay đổi về tỷ lệ trong các văn bản của Đảng, tránh việc phải sửa đổi Nghị định nhiều lần. Hiện nay, Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương tập trung xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 132-QĐ/TW.
Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 12 Quy định số 132, một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là cá nhân thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp của mình liên quan đến tham ô, tham nhũng và bị xử lý kỷ luật theo quy định (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả). Bộ Nội vụ cho hay, quy định tại Nghị định 90 đã bảo đảm phù hợp với Quy định số 132, cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý chỉ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nếu có cá nhân thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý có hành vi liên quan đến tham ô, tham nhũng bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá. Đối với các trường hợp khác nếu đáp ứng được các tiêu chí theo quy định vẫn được xếp loại chất lượng tương ứng ở các mức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc xây dựng Nghị định sửa, bổ sung các quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức theo thủ tục rút gọn, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa 5 Nghị định, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổng hợp, tiếp thu các ý kiến trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 5 nghị định gồm: Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định sửa 5 Nghị định được xây dựng bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi cho quá trình xây dựng nghị định và thực thi sau này, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến và được lãnh đạo Chính phủ đồng ý tách thành 3 nghị định riêng để trình Chính phủ. Theo đó, nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2020/NĐ-CP là nội dung Điều 1 của dự thảo Nghị định sửa 5 Nghị định. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã thẩm định và trình Chính phủ, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao./.
Theo TTXVN