Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định đầu tư từ các năm 2013, 2014.
Từ tháng 9/2014, Chủ đầu tư là Công ty Toàn Thịnh Phát đã tiến hành san lấp, lấn sông để tạo mặt bằng. Đến tháng 3/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu dừng Dự án. Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo một số Bộ, ngành, và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3/2015 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với một số Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiều công việc liên quan đến Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Ngày 29/5/2015, tại văn bản số 2159/BTNMT-TNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo một số vấn đề liên quan đến Dự án và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục dừng thực hiện Dự án; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, đặc biệt là vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông.
Ngày 17/6/ 2015, theo Công văn số 4520/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, đặc biệt là các tác động của Dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai như vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt bờ sông, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai làm cơ sở để xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý Dự án.
Ngày 30/7/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm 19 nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước, thủy văn, chỉnh trị sông, bùn cát, môi trường, sinh thái.
Hội đồng có nhiệm vụ rà soát các vấn đề còn tồn tại, kiến nghị những nội dung cần làm rõ trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm căn cứ đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 8/9/2015, Hội đồng thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã tổ chức họp và thống nhất kết luận, đây là vấn đề khó khăn, phức tạp. Để có thể đưa ra quyết định khoa học chính xác, khách quan, Hội đồng thống nhất giao cho các đơn vị tư vấn tính toán bổ sung và trình Hội đồng xem xét sau khi hoàn thành. Hội đồng đã kiến nghị: giao Hội đồng thẩm định lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín, năng lực để bổ sung, cập nhật số liệu, hoàn chỉnh mô hình để đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của dự án, nhất là các tác động đến biến hình lòng sông, thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói lở lòng, bờ bãi sông với nhiều phương án kè bờ khác nhau, bao gồm cả phương án thu hẹp phần đã thi công để quyết định giải pháp tối ưu cho dự án, trình Hội đồng xem xét sau khi hoàn thành.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan, chủ đầu tư cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn trong quá trình đánh giá bổ sung.
Trên cơ sở kết luận và kiến nghị của Hội đồng, ngày 02/10/2015, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. Ngày 17/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Hội đồng thẩm định lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực, uy tín để thực hiện nghiên cứu, đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của dự án nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan. Sau khi các đơn vị tư vấn hoàn thành, Hội đồng thẩm định tiếp tục xem xét, đề xuất phương án giải quyết cụ thể nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của Dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để có thể đưa ra quyết định khoa học, khách quan về những tác động đến chế độ dòng chảy, xói lở, vận chuyển bùn cát... của dự án, Hội đồng thẩm định đã lựa chọn và mời Viện Thủy lợi và Môi trường thuộc Trường Đại học Thủy lợi thực hiện khảo sát địa hình, thủy hải văn, bùn cát. Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Thủy lợi thực hiện tính toán, đánh giá bổ sung các vấn đề về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai. Viện Sinh thái học miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam thực hiện đánh giá bổ sung các vấn đề về hệ sinh thái, thảm thực vật khi triển khai Dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ đạo các đơn vị tư xây dựng Đề cương, trình Hội đồng xem xét thẩm định để triển khai thực hiện.
Ngày 25/1/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định điều chỉnh Hội đồng thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thành viên Hội đồng gồm 20 nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước, thủy văn, chỉnh trị sông, bùn cát, môi trường, sinh thái thuộc các cơ quan, đơn vị tương tự như Hội đồng thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu trên.
Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định nội dung bổ sung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án về định lượng các tác động của dự án, tác động đến biến hình lòng sông, thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói lở lòng, bờ bãi sông với nhiều phương án kè bờ khác nhau. Hội đồng Đề xuất phương án giải quyết cụ thể nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Dự án; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm căn cứ đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.
Hội đồng thẩm định đã họp để thẩm định Đề cương đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của dự án đến biến hình lòng sông, thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói lở lòng, bờ bãi sông. Ngày 5/4/2016, Bộ đã có văn bản số 1146/BTNMT-TNN gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị hoàn chỉnh Đề cương theo ý kiến, kết luận của Hội đồng. Trên cơ sở ý kiến, kết luận của Hội đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã hoàn chỉnh, phê duyệt Đề cương.
Nội dung Đề cương đáp ứng các mục tiêu yêu cầu của Hội đồng thẩm định, bao gồm 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Đo đạc, điều tra, khảo sát bổ sung địa hình, thủy hải văn, bùn cát và hệ sinh thái khu vực dự án; xây dựng mô hình thủy văn, thủy lực để phục vụ cho việc đánh giá định lượng các tác động của dự án đến chế độ dòng chảy, khả năng tiêu thoát lũ, xói lở... và hiệu chỉnh và kiểm định mô hình; Tính toán, đánh giá xác định cụ thể các tác động theo các phương án kè bờ và kịch bản lũ khác nhau...phân tích, đề xuất phương án xử lý; Tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương có liên quan.
Ngày 27/12/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã gửi Báo cáo đánh giá tác động và đề nghị tổ chức Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá tác động của dự án. Ngày 12/01/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của dự án.
Hội đồng thẩm định đã đánh giá và kết luận: Đơn vị tư vấn là đơn vị có uy tín, trong khoảng thời gian ngắn đã thực hiện khối lượng công việc lớn. Đơn vị tư vấn đã bám sát đề cương và giải quyết các vấn đề đã nêu ở Đề cương. Báo cáo đã tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu của báo cáo trước đây; kết hợp thành công giữa phương pháp hiện đại và phương pháp điều tra khảo sát, thu thập bổ sung làm cơ sở cho tính toán và đưa ra các nhận định. Đơn vị tư vấn đã bổ sung, khắc phục khiếm khuyết của báo cáo trước đây, đáp ứng được yêu cầu đánh giá bổ sung tác động của các phương án đến chế độ dòng chảy, khả năng thoát lũ và biến đổi lòng dẫn.
Đơn vị tư vấn đã khai thác, tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu trước đây. Thiết lập mô hình thủy văn, thủy động lực học (mô hình MIKE-NAM, MIKE 11, MIKE 3, HEC-RESSIM) để mô phỏng chế độ thủy động lực và tính toán, dự báo quá trình vận chuyển bùn cát, tính toán bồi xói cho hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn; ứng dụng phương pháp phân tích số liệu, tài liệu thực đo, phương pháp viễn thám và GIS, phương pháp điều tra, phỏng vấn người dân vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời, tính toán lưu lượng và xác định mức độ tác động đối với thoát lũ và ngập lụt tương ứng với nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp bất lợi nhất là lũ thiết kế 1% có xét đến vận hành liên hồ chứa trên sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng theo tổ hợp của 126 kịch bản ứng với 9 phương án kè bờ khác nhau (25m, 50m, 75m, 80m, 90m, 92m, 100m, 110m, 120m)... và ứng với cấp lưu lượng tạo lòng.
Việc tổ chức lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư các khu vực lân cận phía thượng và hạ lưu thuộc tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh khá đầy đủ, rõ ràng, tin cậy phản ảnh đúng thực trạng khu vực nghiên cứu, đánh giá. Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học. Trong điều kiện hiện có (thông tin, cơ sở dữ liệu) kết quả phân tích, tính toán tác động của Dự án đến chế độ dòng chảy, khả năng thoát lũ và diễn biến lòng dẫn khu vực nghiên cứu là có cơ sở khoa học và thực tiễn. Thống nhất với kết quả đánh tác động đến khả năng tiêu thoát lũ, xói, lở, lòng bờ sông và tác động đến hệ sinh thái theo các phương án và kịch bản khác nhau.
Với phương án kè bờ từ nhỏ nhất 25m đến lớn nhất 120m và kịch bản bất lợi nhất là ứng trận lũ trên sông Đồng Nai có tần suất 1%, kết hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết quả tính toán cho thấy: đối với khu vực Dự án, tại vị trí khu vực thành phố Biên Hòa thì có làm tăng mực nước lũ và vận tốc dòng chảy cục bộ, nhưng không nhiều (mực nước lũ lớn nhất tăng từ 0,20cm đến lớn nhất là 5,10cm, vận tốc dòng chảy tăng từ 0,019m/s đến lớn nhất là 0,172m/s, tùy thuộc vào chiều rộng của phương án kè bờ khác nhau); đối với các khu vực hạ lưu sông Đồng Nai gồm Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh không làm tăng thêm mực nước lũ và vận tốc dòng chảy so với trường hợp không kè bờ (số liệu tại các trạm thủy văn Phú An, Nhà Bè và Uyên Hưng).
Các trận lũ lớn đã từng xảy ra trên sông Đồng Nai như trận lũ lịch sử năm 1952, trận lũ tháng 10 năm 2000 đều có tần suất trên 1% nên mức tăng mực nước lũ và vận tốc dòng chảy tại Biên Hòa đều nhỏ hơn các kết quả nêu trên. Kết quả điều tra, đánh giá tác động đến hệ sinh thái cho thấy, tác động đến hệ sinh thái thủy sinh là rất nhỏ, không mang tính chất nghiêm trọng. Không có loài thực vật nào quý hiếm nằm trong danh mục Sách Đỏ của IUCN và Sách Đỏ Việt Nam; không có các sinh cảnh tự nhiên (habitat) nào có giá trị cần bảo tồn.
Hội đồng đã thống nhất kết quả nghiên cứu và đề xuất của đơn vị tư vấn, lưu ý, cần bổ sung giải pháp cụ thể và khả thi hơn. Ngoài các giải pháp phân cách mềm, công viên cây xanh đã được các thành viên đề xuất, cần bổ sung phương án thiết kế hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước (tối thiểu 10m). Đây là Dự án chỉnh trang và cải tạo cảnh quan đô thị. Do đó, ngoài những vấn đề liên quan đến dòng chảy, lòng dẫn phải coi trọng và chú ý đến cảnh quan đô thị trong quá trình triển khai Dự án. Dự án phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch của thành phố Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (nếu chưa nằm trong quy hoạch thì đề nghị điều chỉnh, bổ sung).
Trên cơ sở kết quả đánh giá, kết luận của Hội đồng thẩm định, ngày 23/3/ 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả của việc đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị đến sự lưu thông của dòng chảy, xói lở, lòng bờ, bãi sông. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Giao thông Vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai, giao thông đường thủy nội địa, quy hoạch và xây dựng đô thị của Dự án.
Ngày 18/7/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, bổ sung tính toán để đánh giá cụ thể, định lượng các tác động của Dự án đến sông Đồng Nai. Trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của Dự án và các quy định pháp luật hiện hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sông Đồng Nai và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải hướng dẫn, giám sát Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giao thông thủy nội địa, quy hoạch và xây dựng đô thị và các quy định pháp luật khác có liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành phố lưu vực sông Đồng Nai rà soát các dự án, công trình xây dựng ven sông trên địa bàn, siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về tài nguyên nước, nhất là các yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 4/8/2017 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3973/BTNMT-TNN đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến góp ý của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Giao thông Vận tải, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, nhất là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét, bổ sung thêm một số phương án tính toán cụ thể như trận lũ lịch sử năm 1952 và lũ tháng 10/2000; tính toán ứng với nhiều cấp lưu lượng, đặc biệt là đối với lưu lượng tạo lòng; tính toán các trường hợp lấn sông bằng mô hình vật lý.
Trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của Dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ xem xét quyết định cụ thể như chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn, giám sát Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện, bảo đảm theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, nhất là việc bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng chống, sạt lở bờ, bãi sông và việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông Đồng Nai.
Hiện nay, dự án đang phải dừng cho đến khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có quyết định xử lý cụ thể những vấn đề liên quan đến dự án như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Đặc biệt đoạn sông tại khu vực dự án vẫn cần phải kè bờ để phòng, chống sạt lở bờ sông và theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước phải thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước để thực hiện các chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; tao không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hoá, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước./.
(TTXVN)