Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 6/3/2017 15:1'(GMT+7)

Thu hút nhiều nguồn lực hơn nữa để phát triển Tây Nguyên bền vững

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tiềm năng, lợi thế về kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên?

* Đồng chí Điểu Kré: Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số trên 5,6 triệu người thuộc 54 dân tộc anh em. Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn trong phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, khai thác và chế biến bô-xít.

Trong tổng diện tích tự nhiên 5,46 triệu ha diện tích tự nhiên của Tây Nguyên, có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (850,1 ngàn ha đất trồng cây hàng năm và 1.150,7 ha đất trồng cây lâu năm…) và 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp (trong đó có 2,25 triệu ha rừng tự nhiên với 13 Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên). Tây nguyên có 2.060.606 ha đất đỏ bazan, chiếm 74,25% diện tích đất đỏ bazan của cả nước.

Đất đai và khí hậu Tây Nguyên rất phù hợp đối với việc trồng cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Trong nhiều năm gần đây, các cây trồng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích gieo trồng và tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là: Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, sắn, lúa, ngô… Trong đó, cà phê, hồ tiêu đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam và trên thị trường thế giới; cà phê chiếm hầu hết diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam; cao su đã có bước tăng trưởng rất nhanh về diện tích từ khi thực hiện chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su (2008).

Diện tích cà phê 582 ngàn ha, chiếm trên 90% diện tích của cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông; sản lượng 1,37 triệu tấn cà phê nhân, chiếm trên 90% sản lượng của cả nước. Năng suất cà phê Robusta của Tây Nguyên gấp 3 lần năng suất bình quân của thế giới (2,5 tấn/ha so với 0,8 tấn/ha). Hồ tiêu có diện tích 70 ngàn ha, chiếm trên 82% diện tích của cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; sản lượng 121 ngàn tấn, chiếm trên 60% sản lượng của cả nước. Cao su có diện tích 251 ngàn ha, chiếm trên 40% diện tích của cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum; sản lượng 129 ngàn tấn, chiếm gần 20% sản lượng của cả nước….

Trong số các cây trồng trên, cà phê là cây trồng đã khẳng định được vị trí, vai trò trong ngành sản xuất cà phê của Việt Nam từ nhiều năm; cao su và hồ tiêu tuy chưa chiếm vị trí tuyệt đối về sản lượng, nhưng diện tích đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây và sẽ chiếm phần lớn sản lượng của Việt Nam trong thời gian từ nay đến năm 2020, khi diện tích mới tăng cho thu hoạch ổn định. Đó là những cây trồng được xác định là những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh của vùng Tây Nguyên trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các tỉnh Tây Nguyên. Chè cũng được xác định là cây trồng có sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng với phương pháp canh tác tiến bộ, dựa trên ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến tạo nên thương hiệu sản phẩm chè ô-long có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững các loại nông sản có thế mạnh của Tây Nguyên, đẩy mạnh việc chế biến nông sản vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông sản theo hướng liên kết chuỗi giá trị nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu nhập cho lao động, nâng cao vị thế của nông sản và sản xuất nông nghiệp của vùng. Ngoài lợi thế về nông, lâm nghiệp, các tỉnh Tây Nguyên còn có tiềm năng du lịch, khoáng sản… Cụ thể như có một số địa phương có khí hậu ôn đới và điều kiện tự nhiên lý tưởng cho nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch trên vùng cao nguyên như tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Kon Plông (Kon Tum). Đà Lạt đã được xây dựng trở thành thành phố nghỉ mát từ những năm đầu thế kỷ XX.

Vùng đất Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... và những sông suối với nhiều cảnh quan, thác nước hoang sơ, thơ mộng; các hồ lớn và đẹp như hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), các hồ thủy điện, thủy lợi... Sự hòa hợp giữa núi đồi, sông suối đã tạo ra những cảnh quan thiên nhiên có thể trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng hết sức lý tưởng.

Tây Nguyên còn có nhiều nguồn nước nóng, có suối nước nóng đến 55 độ C như suối Ram Phia, suối Kon Nit… tập trung ở Kon Đào, Ngọc Tụ (huyện Đắk Tô, Kon Tum), Đắk Ring, Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum); Đạ Long (huyện Đam Rông, Lâm Đồng)... là những suối có chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh hiệu quả....

* Phóng viên: Những thành tựu về kinh tế nổi bật mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian gần đây cụ thể thế nào, thưa đồng chí?


* Đồng chí Điểu Kré: Giai đoạn 2011- 2015 và năm 2016, kinh tế Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá và tăng cao qua các năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Hạ tầng kinh tế, xã hội đươc quan tâm đầu tư, cải thiện đáng kể bộ mặt Tây Nguyên, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, góp phần ổn định tình hình, cải thiện vị thế của Tây Nguyên trong nền kinh tế và trong tiến trình phát triển của đất nước.

Tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm (GRDP) bình quân 5 năm 2011 – 2015 của toàn vùng đạt 7,19%/năm, bằng 4,92 lần tốc độ tăng dân số. Trong đó, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 5,91%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 11,19%, khu vực dịch vụ tăng 7,27%. Năm 2016, GRDP toàn vùng ước đạt 151.039 tỷ đồng, tăng 7,47%; cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của năm 2015 (6,87%).

GRDP bình quân đầu người của toàn vùng giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 10,45%/năm, năm 2015 đạt 1.658 USD, bằng 80,8% mức bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2014 tăng 93% so với 2010; trong đó khu vực thành thị tăng 85,93% và khu vực nông thôn tăng 89,73%. Năm 2016, GRDP bình quân đầu người đạt 39,56 triệu đồng, tăng 8,57% (3,12 triệu đồng) so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng của năm 2015 (8,47%, tương ứng 2,84 triệu đồng).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giai đoạn 2011-2015 chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực nông – lâm – thủy sản (từ 47,66% xuống 44,61%, giảm 3,05%) tăng tỷ trọng của các khu vực công nghiệp – xây dựng (16,73% lên 18,31%, tăng 1,58%) và khu vực dịch vụ (từ 31,10% lên 33,35%). Năm 2016, cơ cấu GDP tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, tỷ trọng của khu vực nông - lâm - thủy sản giảm 1,66%; công nghiệp – xây dựng tăng 0,18%; dịch vụ tăng 1,62%.

Giai đoạn 2011-2015 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư vào Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư 5 năm đạt 265,7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt 11,33%/năm, trong đó vốn đầu tư vào khu vực nông – lâm – thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 2,39%/năm, khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm. Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so cùng kỳ, bằng 33,74% so với GRDP toàn vùng; riêng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 25,32%. Nhiều dự án lớn, quan trọng được khởi công, triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra…

Mặc dù đạt được những kết quả tiến bộ, phát triển kinh tế Tây Nguyên vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng bằng cách mở rộng diện tích, khai thác tài nguyên rừng, đất, nước thiếu kiểm soát dẫn đến mất cân bằng, gây nên những tác động xấu cho phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù đã chứng minh được hiệu quả và vai trò trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, nhưng quy mô và số lượng còn hạn chế. Công nghiệp còn hết sức nhỏ bé. Phát triển công nghiệp chưa tận dụng thế mạnh nông nghiệp để phát triển các cơ sở công nghiệp cung ứng các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Xuất khẩu còn thiếu tính bền vững, phần lớn là hàng nông sản, đa số là sản phẩm sơ chế giá trị thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn….

* Phóng viên: Đồng chí cho biết giải pháp nào để góp phần tạo điều kiện cho Tây Nguyên “tăng tốc”?

* Đồng chí Điểu Kré: Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2020, đã xác định mục tiêu “xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc”.

Mới đây, tại Hội nghị giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh Tây Nguyên tập trung chỉ đạo thực hiện một số công tác trọng tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020, nhất là tập trung rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực vùng Tây Nguyên; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Tây Nguyên đến năm 2020; nghiên cứu, đề xuất chủ trương về tổ chức hoạt động điều phối liên kết vùng; thử nghiệm mô hình liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng và triển khai cho vay theo chuỗi liên kết.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng và của từng địa phương; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu kinh tế; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, huy động và phát huy mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4-2017 nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững khu vực Tây Nguyên. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đi vào chiều sâu, quy mô, thực chất; tạo điều kiện cơ hội cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc), công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ du lịch, tín dụng, phát triển các nguồn năng lượng sạch; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại địa bàn Tây Nguyên.

Cũng thông qua Hội nghị lần này, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên sẽ tập trung đánh giá kết quả phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong thời gian qua; giới thiệu định hướng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020. Giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư giai đoạn 2016 – 2020, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, danh mục các dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020 của các tỉnh Tây Nguyên.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng Tây Nguyên về cơ hội đầu tư và các dự án đầu tư cụ thể thuộc các ngành, lĩnh vực tại các địa phương vùng Tây Nguyên; những hạn chế, khó khăn và giải pháp khắc phục nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh của vùng, của các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020.

* Phóng viên: Trân trọng cám ơn đồng chí!

Nguồn: TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất