Việt Nam chưa mở cửa thị trường lao động phổ thông đối với LĐNN, nhưng trên thực tế, lao động phổ thông người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khá nhiều. Và về mặt quản lý nhà nước, hiện vẫn còn nhiều lúng túng. Vừa qua,Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa đã có trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.
* PV: Việc LĐNN vào làm việc ở VN ngày càng nhiều, theo ông, có thể nhìn nhận như thế nào?
° Thứ trưởng NGUYỄN THANH HÒA: Theo số liệu sơ bộ của Cục Việc làm Bộ LĐTB-XH, tính đến hết năm 2008, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có lao động làm việc tại Việt Nam với số lượng trên 50.000 người. Trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, việc LĐNN vào Việt Nam là điều tất yếu, cũng giống như Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. LĐNN vào Việt Nam một mặt đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam vẫn còn thiếu những vị trí lao động, chuyên gia mà lao động trong nước chưa đáp ứng được; mặt khác, việc các nhà thầu nước ngoài đem theo nhiều vị trí lao động, chuyên gia sang Việt Nam để phục vụ mục đích phát triển của họ là điều được cho phép. Theo tôi, đó là xu thế tất yếu. Tất nhiên, hội nhập thị trường lao động nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
* Vấn đề là, Chính phủ chưa cho phép tiếp nhận lao động phổ thông. Mà thực tế, LĐNN phổ thông làm việc tại Việt Nam hiện nay khá lớn?
° Theo Nghị định 34/2008 của Chính phủ, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện: đủ 18 tuổi trở lên; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia; không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia, không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước cấp. Điều đó có nghĩa là, Việt Nam chưa tiếp nhận lao động phổ thông.
Nếu căn cứ vào những quy định trên, thực tế hiện nay, LĐNN phổ thông làm việc tại Việt Nam là trái với quy định.
* Như vậy, có thể hiểu, LĐNN phổ thông làm việc ở Việt Nam hiện nay là lao động “chui”. Điều đó đòi hỏi cơ quan Nhà nước phải tính các giải pháp quản lý?
° Trên thực tế, không chỉ Bộ LĐTB-XH mà Sở LĐTB-XH các địa phương cũng đã kiểm tra, khảo sát rất nhiều lần về tình trạng LĐNN phổ thông làm việc tại Việt Nam. Theo quy định của Chính phủ, nếu LĐNN đến Việt Nam có đầy đủ giấy tờ hợp lệ sẽ được Sở LĐTB-XH cấp phép lao động - chậm nhất là trong vòng 15 ngày, nhiều nơi chỉ mất 3 ngày. Tuy nhiên, với 2 loại giấy tờ chính bắt buộc phải có để được cấp giấy phép lao động là phiếu lý lịch tư pháp và bằng cấp, giấy chứng nhận chuyên môn thì không phải LĐNN nào cũng đáp ứng được. Thực tế kiểm tra ở Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Ninh Bình..., cho thấy số lao động có giấy phép rất ít.
Đó là chưa kể, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam bằng con đường du lịch (được cấp visa 3 tháng) nhưng sau đó ở lại làm việc. Nhiều lao động đi làm việc theo các nhà thầu cũng chưa có giấy phép lao động. Chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết căn bản được.
* Khi phát hiện LĐNN vi phạm quản lý nhà nước về lao động (không có giấy phép), cơ quan chức năng xử lý ra sao, thưa ông?
° Thông thường chỉ là xử phạt hành chính. Nếu không chấp hành hoặc tái phạm sẽ bị trục xuất. Thực tế, chưa có ai bị trục xuất cả. Mức phạt hiện nay cũng thấp nên chưa đủ sức răn đe. Bộ cũng đã làm việc với các nhà thầu, các địa phương để hướng dẫn các nhà thầu hoàn thành thủ tục giấy tờ cho lao động. Tuy nhiên, có thể nói, do nhiều nguyên nhân, hiện chúng ta vẫn chưa xử lý nghiêm vấn đề này.
* Để quản lý tốt vấn đề LĐNN, Bộ LĐTB-XH trong thời gian tới sẽ chấn chỉnh công tác quản lý như thế nào, thưa ông?
° Chúng tôi đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2008 của Chính phủ về quản lý LĐNN. Theo đó, sẽ đề nghị nâng mức xử phạt hành chính đối với LĐNN vi phạm. Ngoài ra, thủ tục cấp phép cho LĐNN cũng sẽ được rà soát lại theo hướng bãi bỏ những gì rườm rà và thắt chặt những gì cần thiết. Chúng tôi cũng đề nghị tăng cường trách nhiệm của các nhà thầu, các chủ đầu tư trong việc quản lý lao động, thực hiện cấp giấy phép lao động cho LĐNN (theo quy định, các nhà thầu phải lo giấy phép lao động cho LĐNN trước khi đưa lao động vào làm việc tại Việt Nam). Các cơ quan liên quan cũng sẽ phải thắt chặt công tác quản lý lao động, xử lý nghiêm các sai phạm. Các địa phương nào chưa quản lý tốt LĐNN sẽ phải chấn chỉnh lại. Công an và chính quyền địa phương sẽ là lực lượng quyết định thành công trong vấn đề quản ly LĐNN.
* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, xu thế chung của các nước là bảo hộ lao động trong nước. Trước sức ép từ LĐNN, theo ông, cách nào để chúng ta bảo vệ lao động trong nước hiệu quả nhất?
° Cách bảo vệ lao động trong nước hiệu quả nhất, căn bản nhất là nâng cao chất lượng lao động. Phải tăng cường khâu đào tạo nghề cho lao động. Khi lao động chúng ta bảo đảm được “3 có”: tay nghề, ngoại ngữ và tác phong thì tôi tin, không chỉ ở thị trường lao động trong nước, mà cả ở nước ngoài, cơ hội tìm việc làm là rất lớn.