Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 22/4/2017 8:18'(GMT+7)

Thứ trưởng Phan Tâm: “Nhà mạng phải có giá cước phù hợp để mọi người dân tiếp cận 4G”

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT

Hiện nhiều khách hàng quan tâm đến vấn đề cước 4G sẽ ra sao khi các nhà mạng đồng loạt cung cấp dịch vụ này. Trả lời câu hỏi của truyền thông về giá cước 4G, ông Phan Tâm Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các doanh nghiệp viễn thông nhưng, các nhà mạng phải có giá cước phù hợp nhất để mọi người dân tiếp cận dịch vụ 4G.  

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết,  xuất phát từ quan điểm triển khai mạng 4G “cho mọi người”, Viettel sẽ cung cấp các gói cước 4G đa dạng theo từng đối tượng khách hàng với mức giá dự kiến rẻ hơn 3G từ 40 - 60%, đồng thời đảm bảo tiêu chí “dùng càng nhiều, giá càng rẻ”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các nhà mạng vẫn chưa có thông báo chính thức cho khách hàng về giá cước 4G.

Trả lời câu hỏi của ICTnews về định giá cước 4G nên như thế nào, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, một điểm lợi thế của 4G là có tốc độ vượt trội nhưng giá thành rẻ hơn 3G và 2G rất nhiều. Vì vậy, nhà mạng cần có mô hình kinh doanh phù hợp để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

“3G là bước chuyển tiếp sang 4G nhưng 4G sẽ có những mô hình kinh doanh rất mới không giống 3G. Thứ nhất giá thành trên mỗi MB của 4G giảm tới 99% so với mạng 2G trước kia và tốc độ trao đổi dữ liệu tăng 12.000 lần so với 2G. Đương nhiên với một công nghệ mới như vậy, khả năng lớn như vậy thì mô hình kinh doanh phải khác. 4G sẽ giúp nhà mạng cung cấp được những dịch vụ đòi hỏi giao dịch dữ liệu dung lượng lớn. Hiện nay, với 3G đã có thể xem phim HD, nếu đo tốc độ 3G ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng khá tốt, trung bình từ 3 đến 4 Mbps. Nhưng nếu dùng 4G, tốc độ đo được ở nhà khoảng 40 đến 45 Mbps, như vậy là tốc độ tăng lên khoảng 10 lần, điều này tạo nền tảng cho các ứng dụng mới. Ngoài vấn đề tốc độ thì 4G còn có thể cung cấp dịch vụ mới như truyền hình trên mạng 4G. Như vậy, nhà mạng lại có xu hướng mới, cơ hội mới để cung cấp truyền hình trên 4G, ví dụ như truyền trực tiếp các liveshow, các trận bóng đá xuống thẳng máy smartphone cho hàng ngàn người chẳng hạn, điều đó chỉ 4G làm được. Hoặc 4G trên ô tô, biến cái ô tô thành điểm phát Wi-Fi cho tất cả những người ngồi trên xe tha hồ lướt Facebook, sử dụng dịch vụ OTT… cái này cũng chỉ 4G làm được. Nói chung 4G sẽ cung cấp Internet of Things (Internet vạn vật) cho tất cả các lĩnh vực như giáo dục, y tế…”, ông Thiều Phương Nam nói.

Bình luận về vấn đề này, ông Lars Werner, Giám đốc Công nghệ, Ericsson Việt Nam và Myanmar cho biết: “Nói một cách chinh xác thì 4G mang hiệu quả về chi phí hơn nếu xét từ góc độ băng tần. 4G LTE cung cấp gần gấp đôi công suất của 3G cho mỗi MHz của băng tần vì vậy từ góc nhìn băng tần thuần túy, chuyển từ 3G lên 4G sẽ mang lại hiệu quả lớn cho các nhà mạng. Điều này có nghĩa là, ngoài tốc độ cao hơn so với 3G, các mạng còn có thể cung cấp gần gấp đôi số GB trên cùng một phổ tần số trên 4G so với 3G”.

“Việc định giá cho các gói 4G tại Việt Nam sẽ tùy thuộc vào chiến lược của các nhà mạng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi với tư cách là công ty dẫn đầu thị trường LTE, phục vụ 50% lưu lượng 4G trên smartphone trên toàn thế giới, chúng tôi hy vọng rằng lưu lượng dữ liệu sẽ tăng lên đáng kể khi 4G được triển khai ở Việt Nam và lưu lượng này sẽ thu được chủ yếu từ việc sử dụng video. Từ phân tích các loại gói dữ liệu đã được giới thiệu bởi các nhà mạng ở các thị trường khác, chúng tôi thấy rằng các nhà mạng giờ đây thường xây dựng các gói dịch vụ dữ liệu “pay as you grow”, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, các gói chia sẻ theo nhóm…”, ông Lars Werner nói.

Vẫn theo ông Lars Werner, các gói dữ liệu theo tầng là mô hình phổ biến nhất và ở các thị trường phát triển, chúng thường bao gồm thoại, số lượng SMS không giới hạn hoặc lớn. Các kế hoạch dữ liệu theo từng cấp cho phép người dùng bắt đầu với các gói dữ liệu nhỏ và chuyển sang các gói lớn hơn khi mức tăng sử dụng. Các gói dữ liệu chia sẻ cũng được các nhà mạng áp dụng phổ biến, kết nối nhiều thiết bị hoặc người dùng với một tài khoản. Ví dụ như gói hàng tháng cho một lượng dữ liệu nhất định, và người dùng trả phí thêm cho mỗi người dùng thêm và/hoặc thiết bị được thêm vào thuê bao. Các gói dữ liệu cho mạng xã hội cũng phổ biến ở nhiểu thị trường phát triển. Hầu hết các gói cho phép người dùng truy cập không giới hạn các ứng dụng như Facebook, Twitter và WhatsApp, cũng như các ứng dụng địa phương. Thông thường các gói này được tính theo giờ, ngày hoặc tuần với giá rất thấp ví dụ như 1USD. Đây có thể là một cách để giảm rào cản gia nhập vào các dịch vụ dữ liệu di động đối với những người dùng mới, trong khi vẫn tạo cơ hội cho các nhà mạng tiếp thị thêm các gói dung lượng lớn hơn hoặc các gói dịch vụ khác cho những khách hàng này./.

Theo ICTnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất