(TG) - Kế hoạch nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đảm bảo phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 2169/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đảm bảo phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.
Trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, dự báo các loại hình thảm họa có thể xảy ra phải tập trung đối phó gồm thảm họa do chiến tranh; sóng thần; bão, siêu bão; ngập lụt trên diện rộng; nước biển dâng, xâm nhập mặn; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; rò rỉ chất phóng xạ; sập đổ công trình nghiêm trọng; tai nạn giao thông nghiêm trọng; cháy nổ, cháy rừng trên quy mô rộng; sinh học, dịch bệnh nguy hiểm.
Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 xác định công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa chiến tranh là thường xuyên, lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các thảm họa do sự cố, thiên tai là thường xuyên và cấp bách; trong đó ứng phó và khắc phục thảm họa thiên tai là trọng tâm.
Về nhiệm vụ phòng ngừa, Kế hoạch xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; duy trì lực lượng, phương tiện trực quan sát, giám sát, cảnh báo và sẵn sàng triển khai ứng phó kịp thời khi có tình huống; tổ chức huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm cùng với việc tổ chức diễn tập, hội thao, thông tin tuyên truyền phổ cập cho nhân dân để nâng cao năng lực ứng phó khi có tình huống…
Về nhiệm vụ ứng phó, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ về tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân và các cơ quan, tổ chức; sơ tán tài sản, vật chất ra khỏi khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa; huy động tối đa nhân lực, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và nhu yếu phẩm; tập trung nỗ lực bảo đảm hậu cần, hóa chất, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cho lực lượng ứng phó và nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; thường xuyên cập nhật và dự báo tình hình cho nhân dân, đặc biệt ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến các địa phương và các lực lượng ứng phó.
Cũng theo Kế hoạch, các nhiệm vụ khắc phục hậu quả gồm tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hành tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống; tổ chức khắc phục hư hỏng hạ tầng, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất và các hoạt động kinh tế của địa phương; thực hiện công tác chính sách, tiến hành các biện pháp ổn định đời sống cho nhân dân và đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường.
Các giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch gồm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hoạt động phòng thủ dân sự; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và toàn dân về phòng thủ dân sự.
Bên cạnh đó, Kế hoạch nêu các giải pháp về tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động để thực hiện có hiệu quả công tác phòng thủ dân sự; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với nâng cao năng lực phòng thủ dân sự; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm; tăng cường diễn tập theo các phương án để nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng và nhân dân…/.
TG