Cùng dự có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh
đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tổ chức tài chính, tín
dụng và công nghệ liên quan.
LẤY TRẢI NGHIỆM CỦA KHÁCH HÀNG LÀ THƯỚC ĐO
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam đã có “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025,
định hướng đến năm 2030”. Sau 3 năm triển khai, hoạt động chuyển số
ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, góp phần xây
dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại
ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử
lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di
động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên
100%/năm.
Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát
triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Các công nghệ số
mới cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm,
dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh
nghiệp. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã
QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp
tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.
Ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác
phòng, chống tội phạm; ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch
dữ liệu, định danh và xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ
hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như
góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đến nay, đã có 58 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác
thực khách hàng bằng thẻ căn cước gắn chíp qua thiết bị tại quầy, 14 tổ
chức tín dụng đang thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực
điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực
giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
Hoạt động thanh toàn không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số
tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Trong 4 tháng năm 2024
giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và
31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%;
qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.
Ngân hàng Nhà nước đã chọn chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ
sinh thái số” cho sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhằm
tiếp tục triển khai tầm nhìn của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số
quốc gia; phát huy những thành quả, nhiệm vụ đạt được trong "Năm dữ liệu
số quốc gia 2023", với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp
là trung tâm và định hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng và lấy trải
nghiệm của khách hàng là thước đo.
Tại sự kiện, nhiều bộ, ngành và các tổ chức tín dụng tham luận nhiều
nội dung liên quan chuyển đổi số ngành Ngân hàng như: việc ứng dụng dữ
liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong
chuyển đổi số ngân hàng; kết nối, tích hợp ứng dụng dữ liệu dân cư -
VneID trong xác thực, định danh khách hàng; phát triển các nền tảng số
sáng tạo “Make in Vietnam”, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái số kết nối
ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác; xây dựng hệ sinh thái mở và tích
hợp sản phẩm dịch vụ ngân hàng; tích hợp công nghệ phát triển dịch vụ
tài chính trên ứng dụng Mobile banking; giải pháp xử lý các tài khoản
nghi ngờ gian lận, giả mạo, bất hợp pháp…
Tham quan 16 gian trưng bày, nghe giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ,
công nghệ mới nhất của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh
nghiệp công nghệ, cảm nhận quá trình chuyển đổi số đã và đang đi từng
ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số
quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp
công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số -
Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành
Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng
ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của
người dân, doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng luôn xác định và rất kỳ
vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy
chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.
THỰC HIỆN "5 ĐẨY MẠNH" TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG
Nhất trí cao với chủ đề của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn
cho Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 là "Mở rộng kết nối và
phát triển hệ sinh thái số", Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng với
việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt
công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết hoạt động quản lý nhà
nước về ngân hàng, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh
nghiệp, đạt được kết quả quan trọng.
Trong đó, phát triển các dịch vụ không dùng
tiền mặt đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước với số lượng
người dùng, giá trị thanh toán ngày càng tăng; tích cực phối hợp với Bộ
Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực
phục vụ người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai cung cấp dịch vụ
công ngành Ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ
công quốc gia và Đề án 06.
Biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành Ngân
hàng và các tổ chức tín dụng; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành,
địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh
nghiệp, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia; Thủ tướng
Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng
như: vướng mắc về thể chế; hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp
nhu cầu thực tế; việc đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn
nhiều thách thức; các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các
công nghệ nghệ mới (Fintech) còn hạn chế; thiếu hụt nhân lực trình độ
cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin...
Từ thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính rút ra nhiều bài học kinh
nghiệm như: có sự vào cuộc với quyết tâm cao của toàn ngành Ngân hàng,
sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; lấy người dân, doanh
nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển
đổi số; xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngành
Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường kiểm tra, giám sát;
kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh
truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm
tin của nhân dân; đột phá trong phát triển hạ tầng số, xây dựng xã hội
số, công dân số, với quan điểm “chính sách thông thoáng; hạ tầng thông
suốt; quản trị thông minh”.
Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu thời gian tới của chuyển đổi số ngành
Ngân hàng: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn
vị hành chính - sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với các
dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất,
chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự
nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm
soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách
nhiễu.
Chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, điều hành, thời gian tới, Thủ tướng
Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện chuyển đổi số
trên tinh thần là “5 đẩy mạnh”. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước và ngành
Ngân hàng phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành
lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản
phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy
phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của
nền kinh tế.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng
hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quản trọng cho phát triển
hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong
hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công
khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền; đẩy mạnh phát triển
nhân lực số ngành Ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng
nhu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh an
ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu
chuẩn bảo mật mới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và
chi phí hợp lý.
Chỉ đạo ngành Ngân hàng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngành phải bám sát, triển
khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tại Chiến lược chuyển đổi số
quốc gia, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng; Kế hoạch chuyển đổi số
ngành Ngân hàng và Chỉ thị 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục
vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh
tiền tệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, với những nỗ lực,
quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức
tín dụng trong công cuộc chuyển đổi số thời gian qua và qua những hoạt
động nổi bật tại sự kiện Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng năm 2024, với
sự chủ động, quyết tâm và nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, ngành Ngân
hàng công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực
và toàn diện; ngành sẽ tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo;
góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của
đất nước ngày một phồn vinh, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no./.
TTXVN